TP.HCM lên kế hoạch bảo đảm an toàn cho hàng trăm cây cầu
Sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục hư hỏng hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo an toàn cháy nổ tại nhiều cây cầu trên địa bàn TP.
Mới đây, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM đã phát hiện hạ tầng kỹ thuật của hàng trăm cây cầu tại TP.HCM đang có vấn đề. Hàng loạt cây cầu này đang có hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật được lắp đặt trong hộp, dọc lan can, lề bộ hành không đảm bảo an toàn, hư hỏng, ảnh hưởng giao thông thủy…
Nhiều cây cầu không đảm bảo an toàn cháy nổ
Theo Sở GTVT TP.HCM, gần đây một số cây cầu như Bình Triệu 1, Rạch Lăng 1, Điện Biên Phủ, Thị Nghè 2 đã xảy ra sự cố ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Nguyên nhân là do tình trạng đốt rác dưới gầm cầu và do cháy cáp điện lực. Kết quả là đã gây hư hỏng kết cấu công trình và nguy cơ gây mất an toàn giao thông khu vực.
Từ sự cố này, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đã rà soát tình trạng quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình điện lắp đặt trên cầu đường bộ trên toàn TP. Kết quả cho thấy có hàng trăm cây cầu trên địa bàn TP có công trình hạ tầng kỹ thuật đi kèm có vấn đề.
Tại TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, cầu Sài Gòn 1 và 2 được phát hiện có hệ thống cáp chiếu sáng dưới dạ cầu và trên cầu chằng chịt, không đảm bảo an toàn cháy nổ cũng như an toàn về điện. Tại cầu Tân Thuận (từ quận 4 qua quận 7) cũng có tình trạng tương tự khi hộp ống ruột viễn thông dày đặc. Cầu Tân Thuận 2 dây điện không được treo cẩn thận, vỏ bọc cũ, bong tróc, không có ống bảo vệ.
Trên địa bàn quận Tân Bình cũng có năm cây cầu đang có nguy cơ mất an toàn vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Cả năm cây cầu này đều nằm trên đường Hoàng Sa bắc qua kênh Thị Nghè để nối với đường Trường Sa. Tình trạng chung của các cây cầu này là ống cấp nước bị võng thấp hơn dầm biên cầu, hộp chứa ống bị mục, gỉ sét, gây mất an toàn giao thông cả đường bộ và đường thủy.
Tại quận Bình Thạnh, chín cây cầu gồm Văn Thánh 1, Văn Thánh 2, Phú An, Chu Văn An, Bùi Đình Túy, Đinh Bộ Lĩnh, Rạch Lăng 1, Rạch Lăng 2, Sơn cũng có tình trạng hư hỏng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Chẳng hạn như cầu Văn Thánh 1 và 2 có giá đỡ bó cáp bị bong xúc liên kết. Cầu Phú An thì bó cáp bị đứt, võng thấp xuống lòng sông gây mất an toàn đường thủy. Hai cầu Chu Văn An và Bùi Đình Túy có đường ống bị gỉ sét…
Theo rà soát của Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, tình trạng tương tự như trên đang xảy ra tại hai cây cầu ở quận 1, hai cây cầu ở quận 3, năm cây cầu ở quận 8, 10 cây cầu ở quận 12, 11 cây cầu ở huyện Củ Chi, 12 cây cầu - hầm chui ở huyện Bình Chánh, 14 cây cầu ở huyện Nhà Bè…
Kết quả đợt kiểm tra, rà soát toàn TP có 119 cây cầu có nguy cơ mất an toàn vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm.
Lên kế hoạch khắc phục hư hỏng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Sĩ Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, cho biết kết quả đợt kiểm tra, rà soát toàn TP có 119 cây cầu có nguy cơ mất an toàn vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật được lắp đặt trong hộp kỹ thuật hoặc lắp đặt riêng đi dọc theo lan can, lề bộ hành của cầu còn nhiều tồn tại cần khắc phục.
Hiện trạng đa phần các công trình kỹ thuật này đã bị mục hộp kỹ thuật, hệ thống giá đỡ bị gỉ sét, các bó cáp treo mắc có độ võng chưa đảm bảo an toàn, làm ảnh hưởng đến công tác khai thác, bảo trì công trình và mỹ quan khu vực cầu.
Theo ông Thắng, ngay sau khi rà soát, các đơn vị có liên quan đã lên kế hoạch khắc phục các hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật ở các cây cầu. Hiện nay, một số cây cầu cũng đã được khắc phục xong.
Theo ông Thắng, thời gian tới, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục khắc phục các tồn tại của các công trình hạ tầng kỹ thuật ở các cây cầu đã rà soát. “Một số công trình phải lập dự án để xử lý các hạ tầng kỹ thuật này, đồng thời còn phụ thuộc vào các công tác khắc phục của các đơn vị quản lý cáp viễn thông và công trình điện” - ông Thắng nói.
Liên quan đến vấn đề này, Sở GTVT đã có văn bản về việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, xuống cấp, bất cập hệ thống điện, cáp viễn thông, hạ tầng kỹ thuật lắp đặt trên cầu, hầm đường bộ trên địa bàn TP.
Theo đó, Sở GTVT đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống điện, cáp viễn thông, hạ tầng kỹ thuật (ống cấp nước, dây điện chiếu sáng công cộng, hộp cáp...) lắp đặt trên cầu, hầm và trong phạm vi hành lang an toàn công trình phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị để sửa chữa, khắc phục hư hỏng, xuống cấp, bất cập và tăng cường mỹ quan đô thị.
Sở GTVT cũng đề nghị các đơn vị lập kế hoạch thực hiện việc di dời, giải tỏa ra khỏi công trình đối với các trường hợp có nguy cơ xảy ra cháy nổ hoặc đổ vỡ, gây mất an toàn kết cấu, nguy cơ sụp đổ công trình. “Các đơn vị quản lý, vận hành phải tạm ngưng vận hành khai thác và khẩn trương di dời, giải tỏa ra khỏi công trình và hành lang an toàn công trình” - Sở GTVT yêu cầu.•
Ngăn ngừa tình trạng đốt rác dưới gầm cầu gây cháy nổ
Để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ do người dân đốt rác, sử dụng trái phép gầm cầu, hành lang an toàn cầu gây ra, ngăn ngừa xảy ra sự cố công trình cầu, hầm đường bộ, Sở GTVT đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xử lý, di dời, giải tỏa các trường hợp chiếm dụng hoặc sử dụng trái phép trong phạm vi đất dưới gầm cầu và hành lang an toàn cầu.
Trước đó, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra nhiều vụ người dân đốt rác dưới gầm cầu gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và gây nguy cơ cháy nổ tại nhiều cây cầu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-len-ke-hoach-bao-dam-an-toan-cho-hang-tram-cay-cau-post736133.html