TP.HCM liên tục quan trắc không khí để cảnh báo ô nhiễm
UBND TP.HCM yêu cầu Sở TN&MT thực hiện mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn, đảm bảo liên tục kiểm soát mức độ ô nhiễm không khí.
Nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, Bộ TN&MT đã yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động triển khai thực hiện một số nội dung. Trong đó, bộ này yêu cầu tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí. Việc tổ chức thực hiện phải bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ và công bố kết quả quan trắc để kịp thời cảnh báo mức độ ô nhiễm cho cộng đồng.
Cần cảnh báo ô nhiễm không khí sớm cho người dân
Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân gây ra các rủi ro lớn về sức khỏe cho con người. Người dân và chuyên gia cho rằng việc nhanh chóng có giải pháp để kiểm soát hàm lượng chất gây ô nhiễm không khí là rất cần thiết.
Anh Nguyễn Quốc Hưng (ngụ quận 12, TP.HCM) chia sẻ: Lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng cao là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM.
“Ngoài ra, thời tiết TP.HCM thường xảy ra tình trạng sương mù, có thể do ô nhiễm không khí gây nên. Do đó, tôi nghĩ cơ quan chức năng nên có giải pháp cảnh báo chất lượng không khí cho người dân để họ có biện pháp phòng tránh. Theo tôi được biết, chất lượng không khí có thể đo được qua hệ thống trạm quan trắc khí tượng. Các địa phương nên lắp đặt thêm các trạm này và có thông tin sớm cho người dân” - anh Hưng bày tỏ.
PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: Thời gian qua Viện Môi trường và Tài nguyên đã ra mắt ứng dụng Healthy Air - ứng dụng theo dõi chất lượng không khí.
Ứng dụng Healthy Air có thể đo được nhiều chất gây ô nhiễm không khí như: NO2, SO2, PM2.5, CO… Đồng thời đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo về chất lượng không khí cho các nhóm đối tượng có các bệnh như hen suyễn, viêm xoang… Ứng dụng chạy được trên hai nền tảng IOS và Android, hoàn toàn miễn phí cho người dùng.
Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí. Việc triển khai này phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia. Để từ đó đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, dự báo, cảnh báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.
“Hiện có sáu trạm quan trắc tại TP.HCM để thu thập dữ liệu cho ứng dụng. Sau khi thu thập dữ liệu, xử lý và đưa ra những dự đoán về ô nhiễm không khí thông qua app, các chuyên gia của viện sẽ đưa ra chính sách làm thế nào để giảm tình trạng này” - PGS Bằng cho biết.
Theo ông Bằng, TP.HCM cần phải có ít nhất 16 trạm quan trắc. Hiện đơn vị đã xây dựng bản đồ các vị trí cần lắp đặt, đồng thời làm hồ sơ xin tài trợ kinh phí đầu tư 10 trạm còn lại ở các vùng ngoại ô như Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi…
Mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường
Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, UBND TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp. Theo đó, TP đã yêu cầu Sở TN&MT quan trắc thường xuyên chất lượng không khí. Cạnh đó, TP yêu cầu sở này thực hiện mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn, đảm bảo liên tục cập nhật thông tin về chất lượng môi trường không khí.
Sở TN&MT cũng được UBND TP giao theo dõi dữ liệu quan trắc tự động chất lượng khí thải trên địa bàn TP. Từ đó kịp thời cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả khí thải vượt chuẩn quy định.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch năm 2022 về chương trình giảm ô nhiễm môi trường của TP là thực hiện dự án đầu tư nâng cao năng lực quan trắc môi trường do Sở TN&MT chủ trì thực hiện.
Sở GTVT được UBND TP giao chủ trì thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra. Trong đó, sở này cần tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân. Song song, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông, sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; xây dựng và triển khai các đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.
Cải thiện chất lượng không khí
Vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo “tăng cường kiến thức và hành động để cải thiện chất lượng không khí” trong khuôn khổ dự án TA9608-REG (về nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí).
Tại hội thảo, ông Cao Tung Sơn, Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (thuộc Sở TN&MT TP.HCM), chia sẻ: Dự án TA9608-REG do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ đã được xây dựng và đề xuất hai đô thị tham gia là TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và TP.HCM.
Theo đó, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí. TP đã giao Sở TN&MT phối hợp cùng ADB thực hiện. Các hoạt động chính của TP.HCM gồm:
Thứ nhất, thực hiện các nghiên cứu chất lượng không khí cấp TP, tập trung vào tình hình chất lượng không khí hiện tại, các tác động và quản lý.
Thứ hai, xác định các biện pháp để giải quyết ô nhiễm không khí, bao gồm các lựa chọn công nghệ, khuyến khích chính sách và hỗ trợ năng lực.
Thứ ba, chuẩn bị các kế hoạch hành động về không khí sạch cấp TP với các ước tính đầu tư cho việc kiểm soát ô nhiễm không khí từ các nguồn thải chính.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tp-hcm-lien-tuc-quan-trac-khong-khi-de-canh-bao-o-nhiem-post690658.html