Xây dựng vùng phát thải thấp, hạn chế xe xăng dầu

Trong kỳ họp vào tháng 12 tới, UBND thành phố Hà Nội dự kiến sẽ trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về vùng phát thải thấp nhằm cụ thể hóa quy định tại Khoản 2, Điều 28, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024.

Nếu được thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp thành phố sớm hiện thực hóa lộ trình hạn chế xe cơ giới cá nhân vào một số khu vực nhằm giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo dự thảo, vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực giới hạn trong thành phố. Xe cộ hoạt động ở khu vực này phải đáp ứng tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt. Phương tiện không đạt tiêu chuẩn sẽ bị hạn chế hoặc phải trả phí cao hơn để được phép đi vào. Đây sẽ là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.

Hà Nội dựa vào các tiêu chí như đặc điểm dân cư - kinh tế, mức độ ô nhiễm không khí, tính khả thi về hạ tầng giao thông và tiếp cận giao thông... để xác định vùng phát thải thấp và áp dụng biện pháp về giao thông, kinh tế. Về giao thông, thành phố sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm lưu thông xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức bốn và xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức hai. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại khu vực phát thải thấp đạt 45-50%, 100 xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết: "Một trong các tiêu chí đó có tiêu chí liên quan đến số lượng phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, hoạt động trong vùng phát thải thấp nhằm mục đích giảm ô nhiễm môi trường từ nguồn phát thải do các phương tiện".

Về kinh tế, Hà Nội sẽ đưa ra các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư đường sắt đô thị, BRT, Mono rail, xe buýt sử dụng năng lượng sạch bằng hình thức hợp tác công tư (PPP). Dự kiến, việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ đầu năm 2025.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra lộ trình để từng bước thực hiện vùng LEZ. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2030, thành phố sẽ lựa chọn một khu vực ở quận Hoàn Kiếm để thí điểm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng ở các quận, huyện. Những cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.

Quận Hoàn Kiếm dự kiến lựa chọn và áp dụng vùng phát thải thấp ở khu vực Hồ Gươm, vùng phụ cận và phố cổ, với tổng diện tích hơn 145 ha. Để không ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân, thậm chí là mưu sinh của nhiều người, các khu vực còn lại, phương tiện vẫn đi lại bình thường theo phương án tổ chức, phân luồng giao thông của thành phố.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm, quận đang nghiên cứu lựa chọn các khu vực phố cổ và khu vực phụ cận, bởi các khu vực này rất dày đặc các công trình di sản, công trình liên quan đến di tích và dịch vụ du lịch. Do đó, tính kết nối giữa các phương tiện giao thông xanh là phù hợp.

Trên thực tế, hiện nay để di chuyển ở khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, người dân, khách du lịch có thể lựa chọn xe điện. Loại hình này được phát triển từ năm 2010 với mục đích từng bước cải thiện môi trường giao thông đô thị, quảng bá giá trị không gian kiến trúc văn hóa khu vực phố cổ đến với du khách trong và ngoài nước. Đây cũng chính là tiền đề để Hoàn Kiếm nhân rộng loại hình phương tiện thân thiện với môi trường, không gây phát thải.

Ông Vũ Hà Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân, cho biết: "Sử dụng một loại phương tiện sạch như xe điện để trung chuyển, kết nối vụ khách du lịch từ khu vực phía vành đai và khu vực phố cổ là chủ trương hết sức đúng đắn và cũng sẽ làm gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch khi tiếp cận quận Hoàn Kiếm".

Theo cơ quan soạn thảo Nghị quyết, việc quận Hoàn Kiếm được chọn để thí điểm là do quận đã có một số điều kiện thuận lợi ban đầu làm cơ sở để triển khai. Hiện nay, khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ đã cấm "cứng" các loại xe tải, xe đầu kéo, xe container, xe chở khách lớn đi vào. Bên cạnh đó, vào cuối tuần còn thực hiện không gian phố đi bộ, cấm tuyệt đối phương tiện giao thông từ xe máy, ô tô con đến xe buýt. Do vậy, khi triển khai vùng phát thải thấp, dựa vào các tiêu chí đưa ra, cơ quan thực hiện chỉ cần đề xuất và lắp đặt thêm các biển báo hạn chế phương tiện theo giờ, hoặc cấm các xe không vào vùng phát thải thấp.

Hạ tầng Hà Nội đang quá tải trầm trọng và ô nhiễm không khí ở mức báo động do lượng phương tiện cá nhân quá lớn. Nếu không hành động quyết liệt, thành phố sẽ phải trả giá rất đắt với những hệ lụy ngày càng phức tạp như ùn tắc giao thông, thiệt hại kinh tế…, trong đó chất lượng cuộc sống của người dân sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất. Đồng tình với quan điểm áp dụng vùng phát thải thấp, nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội cần có một bước đệm trong thay đổi chính sách.

Hiện Thủ đô có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó trên 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% đã sử dụng trên 10 năm. Theo sở Tài nguyên và Môi trường, các phương tiện này nếu không được kiểm soát về khí thải sẽ làm gia tăng mức phát thải thành phần gây ô nhiễm không khí. Do đó, xây dựng vùng phát thải thấp sẽ bắt đầu từ việc xử lý nguồn phát thải của các phương tiện giao thông – thủ phạm chiếm từ 54-70% khí ô nhiễm, chứ không phải là cấm hoàn toàn phương tiện cá nhân lưu thông.

Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân chắc chắn ban đầu khó tránh khỏi bị phản ứng, đòi hỏi Hà Nội phải có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng với những giải pháp ứng phó phù hợp, trên hết là quyết tâm chính trị cao nhất từ chính quyền cho đến nhân dân Thủ đô.

Theo ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đặc điểm của Hà Nội là dân cư rất đông đúc. Phải thận trọng nghiên cứu lộ trình để người dân có thể chuyển đổi. Một thời gian trước khi hạn chế xe cơ giới cá nhân bằng mệnh lệnh hành chính, cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân vừa hạn chế sử dụng xe riêng, vừa chuyển đổi xe cơ giới sang sử dụng nhiên liệu sạch.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng: "Biện pháp đầu tiên hiện nay có thể thay thế xe máy chạy xăng bằng xe chạy điện. Việc đó có thể dễ dàng làm được. Các doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc đưa xe máy điện của họ vào. Còn ô tô nên bắt đầu từ xe buýt, thay bằng xe điện, chạy năng lượng sạch, không nên chạy dầu nữa".

Với những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp, mạng lưới giao thông công cộng cần được tối ưu về hạ tầng, lộ trình vận chuyển. Nhất là xe buýt phải có hành lang tiếp cận dễ dàng, thông thoáng, xây dựng thêm nhiều nhà chờ có mái che mưa nắng, duy trì ưu đãi giá vé và đặc biệt phải có không gian cho người đi bộ tiếp cận giao thông công cộng.

Vùng LEZ có thể áp dụng mức giá trông giữ phương tiện riêng, cao hơn hẳn các khu vực khác, cấm hoặc thu phí xe cá nhân ra vào, coi biện pháp kinh tế này như một trong những chế tài chủ yếu. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý đối với việc kiểm định khí thải xe máy. Những xe không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không cho lưu thông hoặc hỗ trợ tiền để người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện, xe đạp điện.

Lê Huyền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/xay-dung-vung-phat-thai-thap-han-che-xe-xang-dau-281874.htm