TP.HCM loay hoay tìm 'lối ra' cho dự án giao thông liên vùng

Các dự án giao thông kết nối TP HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ khởi động nhiều năm nay nhưng việc triển khai rất chậm, thậm chí là bế tắc...

Tuyến đường Xa lộ Hà Nội, cửa ngõ phía Đông Bắc của TP HCM thường xảy ra cảnh ùn tắc

Tuyến đường Xa lộ Hà Nội, cửa ngõ phía Đông Bắc của TP HCM thường xảy ra cảnh ùn tắc

Tắc từ cửa ngõ

Đi dọc tuyến Xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, dự án mở rộng cửa ngõ phía Đông Bắc của TP HCM này dù khởi công từ năm 2010 nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Cụ thể, đoạn qua quận 9, Thủ Đức vẫn còn một số vị trí vướng mặt bằng chưa mở rộng. Nhiều nhất là đoạn qua tỉnh Bình Dương với chiều dài 2,2km từ nút giao Đại học Quốc gia đến cầu Đồng Nai gần như không được triển khai vì vướng mặt bằng.

Thông tin của Báo Giao thông cho hay, kinh phí GPMB đoạn này đã tăng lên 2.780 tỷ đồng, gấp đôi so với kế hoạch được duyệt năm 2016. Mặc dù hai địa phương đã nhiều lần làm việc nhưng vẫn chưa gỡ được “nút thắt” này.

Cách đó không xa, tuyến QL13 từ TP HCM đi Bình Dương mặc dù đã có kế hoạch mở rộng lên 60m từ cách đây hơn 15 năm nhưng đến nay mới chỉ có cầu Bình Triệu 2 được xây dựng theo hình thức BOT, còn việc mở rộng QL13 vẫn… nằm trên giấy.

Mới đây, Sở GTVT đã trình UBND thành phố về việc chuyển dự án sang đầu tư bằng ngân sách. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng mới đang dừng ở giai đoạn đàm phán với nhà đầu tư về những phần việc mà nhà đầu tư đã thực hiện theo hợp đồng BOT.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với dự án mở rộng QL22 hướng lên Tây Ninh. Cách đây 3 năm, TP HCM đã có chủ trương đầu tư mở rộng đoạn quốc lộ vốn đang quá tải nặng nề này theo hình thức PPP. Không rõ vì sao, dự án chưa thể triển khai chỉ biết hiện tại, thành phố đang phải “chữa cháy” bằng việc sửa chữa mặt đường ở một số đoạn để đảm bảo lưu thông.

QL1 đoạn từ Bình Chánh qua cầu Bình Điền đến giáp ranh tỉnh Long An cũng chung cảnh ngộ, trở thành điểm tắc ở cửa ngõ phía Tây. Và dù thành phố nhiều lần cân nhắc mở rộng, đến nay cũng chỉ dừng ở mức “cấp kinh phí nâng mặt đường cho khỏi ngập”. Việc mở rộng nhằm giải tỏa ùn tắc thì vẫn phải chờ.

Tiền đâu để làm?

Cần phải nói rằng, đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng là vấn đề được lãnh đạo TP HCM đặc biệt quan tâm. Giám đốc Sở GTVT TP HCM Trần Quang Lâm cho biết, trong 10 năm tới, thành phố cần hơn 900 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có nhiều dự án kết nối liên vùng.

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và quản lý đô thị tại TP HCM cho rằng, với nguồn lực tài chính hiện nay, thành phố khó có thể tự đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng. Hay nói cách khác, rất cần có sự hỗ trợ từ Trung ương. “Ngân sách Trung ương hiện chỉ điều tiết lại cho thành phố 18%, con số này là quá ít ỏi”, ông Thắng tiết lộ.

Cùng quan điểm trên, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM cũng cho rằng, việc tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố để có thêm nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông liên vùng là rất cần thiết. Khi đó, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ của TP HCM mà còn của cả khu vực phía Nam, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Cho rằng việc đầu tư hạ tầng giao thông bằng ngân sách Nhà nước là quan trọng, song ở góc nhìn khác, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn khẳng định cần tính đến các nguồn vốn khác.

“Có thể khai thác các quỹ đất dọc theo các tuyến đường mới được mở như cao tốc, vành đai, metro. Khi thành phố kêu gọi đầu tư một tuyến đường nào nó, trong quá trình lập quy hoạch, có thể GPMB rộng hơn để tạo quỹ đất dọc hai bên. Sau đó, tổ chức đấu giá khu đất cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể tính toán được lợi nhuận có được và sẵn sàng bỏ vốn ra đấu giá khu đất đó, Nhà nước thu được nhiều tiền hơn về cho ngân sách để quay lại đầu tư cho hạ tầng”, ông Sơn nói và nhấn mạnh: Việc này ở nước ngoài đã làm rất nhiều và thành công. Muốn như vậy, trong quá trình lập dự án giao thông, phải gắn dự án đó với phát triển của kinh tế, đô thị toàn vùng chứ không tách và xem đó là một dự án giao thông riêng biệt.

Khẳng định thành phố cũng đang xem xét việc khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường giao thông để tạo nguồn thu, ông Trần Quang Lâm cho biết thêm, thành phố đã cho rà soát quỹ đất dọc tuyến metro số 1, sau khi có thống kê sẽ có phương án tính toán khai thác cụ thể. “Đây là một trong những phương án tạo nguồn thu để đầu tư cho hạ tầng giao thông trong thời gian tới”, ông Lâm nói.

Phan Tư

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-loay-hoay-tim-loi-ra-cho-du-an-giao-thong-lien-vung-d475805.html