Tp.HCM: Mở sàn giao dịch thịt heo, ý tưởng hay nhưng còn băn khoăn
Sàn giao dịch thịt heo giúp người chăn nuôi tham gia trực tiếp, sâu hơn vào chuỗi cung ứng thịt heo; được định hướng sản xuất phù hợp với thực trạng chăn nuôi.
Liên kết chuỗi cung ứng thịt heo
Đầu tháng 9/2023, Sở Công Thương Tp.HCM, Sở NN&PTNT Tp.HCM và Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam đang xúc tiến xây dựng sàn giao dịch thịt heo Tp.HCM.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tp.HCM cho biết, nếu 1 ngày người dân Tp.HCM dùng 100gr thịt, tương đương với toàn thành phố sẽ tiêu thụ 120.000-130.000 tấn thịt/ngày (heo, bò, gà).
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp.HCM cho biết, mỗi ngày Tp.HCM tiêu thụ 10.000 con heo (tương đương 800 tấn thịt); 400-500 con bò (tương đương 120 tấn) và 125.000 con già cầm (tương đương 250 tấn). Trong đó, thịt heo chiếm 75%.
Với 5 cơ sở giết mổ gia súc công nghiệp trên địa bàn, mỗi ngày Tp.HCM có thể giết mổ 5.000-5.500 con heo cung ứng cho toàn thành phố với quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch thú y chặt chẽ...
Như vậy, đặt ra câu hỏi, còn lại khoảng 4.500 con heo của các tỉnh thành khác đưa đến Tp.HCM tiêu thụ thì công tác kiểm soát như thế nào. Do đó, ngành NN&PTNT Tp.HCM đã làm việc với tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang để xây dựng 34 chuỗi cung ứng thịt heo cho Tp.HCM.
“Tuy nhiên, 34 chuỗi cung ứng này mỗi ngày chỉ giải quyết được gần 1.500 con heo ở các tỉnh thành đưa về Tp.HCM nên vẫn còn 3.000 con heo chưa tham gia chuỗi cung ứng, khiến các trạm kiểm dịch ở đầu mối cửa ngõ giao thông Tp.HCM làm nhiệm vụ kiểm soát cao hơn, nghiêm ngặt hơn", ông Phú nói.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, hiệu quả của sàn giao dịch thịt heo sẽ khắc phục được việc phụ thuộc vào thương lái, giá cả bấp bênh, nông dân được quyền quyết định giá bán. Hàng hóa thông qua sàn sẽ đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cao hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sàn giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho hay, lợi ích của sàn giao dịch thịt heo giúp cho người chăn nuôi tham gia trực tiếp, sâu hơn vào chuỗi cung ứng thịt heo; được định hướng sản xuất phù hợp thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhận được lợi ích nhiều hơn từ chuỗi giá thị các mặt hàng thịt heo.
"Sàn giao dịch thịt heo vận hành theo phương thức tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại, tương thích và có thể liên thông thị trường hàng hóa thế giới. Vận hành phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thực trạng chăn nuôi và kinh doanh thịt heo trên địa bàn Tp.HCM, khu vực phía Nam và cả nước”, ông Dũng cho hay.
Vì thế, việc xây dựng sản giao dịch thịt heo Tp.HCM kỳ vọng nâng cấp thị trường thịt heo; bình ổn thị trường thông qua quy luật cung cầu, thông tin minh bạch; kiểm soát hiệu quả an toàn thực phẩm; kiểm soát kiểm dịch thú y và tăng thu ngân sách từ chuỗi cung ứng các mặt hàng thịt heo…
Cần nắm bắt nhu cầu thị trường
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM cho rằng, phương thức giao dịch hàng hóa qua sàn đã được Tp.HCM và một số tỉnh thành triển khai nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi đóng cửa vì chưa mang lại hiệu quả.
“Việc Sở Công thương Tp.HCM hợp tác với Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam triển khai các sàn giao dịch hàng hóa, trước mắt là sàn giao dịch thịt heo sẽ mang lại nhiều lợi ích như hạn chế tầng lớp trung gian; tạo cơ hội cho cơ quan quản lý nhà nước điều tiết cung cầu; bắt nhịp với xu thế đưa công nghệ thông tin ứng dụng giao dịch điện tử khi giao dịch hàng hóa…”, ông Hòa nhìn nhận.
Theo ông Hòa, Tp.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi khi mở sàn giao dịch thịt heo. Đó là thành phố có chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo; có 2 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn, Bình Điền; có kênh phân phối hiện đại; tập trung những công ty, trang trại nuôi heo lớn. Khi lên sàn, giá cả được công khai trên sàn, người có đủ điều kiện giao dịch đều tham gia vào đây.
“Đây là hướng đi đúng và cần được triển khai nhanh. Tuy nhiên, để tổ chức được sàn giao dịch thịt heo thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan”, ông Hòa nói.
Là người bảo vệ thành công đề án thành lập sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam, TS. Đinh Thế Hiển đánh giá, hiện nay các chợ đầu mối ở Tp.HCM như Bình Điền, Hóc Môn và một số tỉnh đang làm chức năng sàn giao dịch giao ngay rất tốt. Vì vậy, nếu Tp.HCM lập sàn giao dịch thịt heo giao ngay chưa chắc đã năng động như các chợ đầu mối.
“Cà phê, tôm… sản xuất tập trung với quy mô lớn và chuẩn hóa cao, nhà xuất khẩu mua số lượng lớn, đấu giá trên sàn còn chưa thành công. Quy mô thị trường Tp.HCM tiêu thụ trung bình 10.000 con heo/ngày, nguồn cung không phong phú, khó chuẩn hóa nên chưa đủ nền tảng cho giao dịch giao sau”, chuyên gia kinh tế chỉ ra.
Ngoài ra, nhắc đến sàn giao dịch hàng hóa có nghĩa là phải đấu giá. Tuy nhiên, nguồn cung thịt heo hiện nay nằm trong tay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp này không có nhu cầu lên sàn giao dịch do họ có chuỗi cung ứng, họ đã quyết định giá, liên kết với các nhà phân phối.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, những người chăn nuôi nhỏ lẻ liệu có nhu cầu giao dịch giao sau hay không. Vì thực tế heo đến kỳ xuất chuồng thì họ bán cho thương lái và lấy tiền ngay. Vì vậy, ý tưởng rất hay nhưng ông Hiển nhận xét khả năng lập sàn giao dịch đối với thịt heo là khó thực hiện.