TP.HCM: Mua bột năng về sản xuất thuốc giả

Bị cáo Nguyễn Xuân Cường đã mua nguyên liệu, đặt in nhãn mác, bột năng... để sản xuất thuốc giả bán ra thị trường.

Ngày 25-2, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo trong đường dây chủ công ty tân dược sản xuất, buôn bán thuốc giả.

Bị cáo Nguyễn Xuân Cường, Ao Vạn Hạnh cùng 9 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Phiên tòa tạm hoãn do một bị cáo đang tại ngoại không đến tòa. Dự kiến phiên xét xử sẽ mở lại vào ngày 13-3.

 Bị cáo Nguyễn Xuân Cường bị cáo buộc chủ mưu, cầm đầu đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả. Ảnh: SONG MAI

Bị cáo Nguyễn Xuân Cường bị cáo buộc chủ mưu, cầm đầu đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả. Ảnh: SONG MAI

Theo cáo trạng, ngày 13-12-2022, Cơ quan CSĐT Công an quận 8 kiểm tra bãi xe không số trên đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8 do Ao Vạn Hạnh quản lý, phát hiện 2 kho hàng ở cuối bãi xe có chứa số lượng lớn tân dược giả ghi giả các nhãn hiệu TERPIN-CODEIN, Decotyl, Asmacort, Glotal… cùng với nguyên vật liệu, dụng cụ, phương tiện dùng để sản xuất thuốc giả.

Bước đầu xác định số tân dược trên là hàng giả do Nguyễn Xuân Cường thuê Hạnh và một số đối tượng sản xuất, buôn bán tại địa chỉ trên.

Từ tháng 1-2021 đến khi bị phát hiện, Cường đã tổ chức sản xuất thuốc tân dược giả các loại. Theo đó, Cường thuê nhiều địa điểm khác nhau để sản xuất thuốc giả. Đến tháng 10-2022, Cường thuê mặt bằng trên đường Cao Lỗ để sản xuất và cất giấu thuốc giả thành phẩm.

Cường thuê Ao Vạn Hạnh, Trương Thùy Trinh và hai đối tượng chưa rõ lai lịch để sản xuất thuốc giả các nhãn hiệu: Gold 500, Celecod 200, Cephalexin 500; Terpin - Codein viên nang và viên nén… Cường chịu trách nhiệm mua nguyên liệu; Hạnh trông coi, quản lý việc sản xuất thuốc giả, dán tem nhãn, đóng thùng sản phẩm và thay mặt cường trả tiền công cho nhân viên; cho bột năng vào khuôn ép, cho thuốc vào lọ để Trinh dán nhãn, đóng thùng sản phẩm.

Đối với nguyên liệu sản xuất thuốc giả, Cường đặt mua chai, lọ, miếng dán nắp nhựa của một công ty ở quận Gò Vấp; đặt in nhãn và tờ hướng dẫn các loại thuốc làm giả tại công ty của Bùi Khắc Khoa làm giám đốc. Cường trực tiếp đi mua bột năng, bông gòn ở nhiều địa điểm tại quận 5.

Cường thành lập và sử dụng pháp nhân Công ty Dược Thức Tân Sơn để đặt mua viên thuốc nén, viên nén bao phim.

Đối với thuốc giả dạng viên nén, các bị cáo cho vỏ viên nang vào khuôn rồi cho bột năng vào ép thành viên nang. Thuốc giả viên nén được sản xuất bằng cách lấy viên nén đã có sẵn cho vào lọ rồi đậy nắp, dán nhãn là đã hoàn thành thành phẩm thuốc giả.

 Các bị cáo trong đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả. Ảnh: SONG MAI

Các bị cáo trong đường dây sản xuất, mua bán thuốc giả. Ảnh: SONG MAI

Thuốc giả sau khi sản xuất, Cường bán cho Huỳnh Nhật Khoa, Phạm Quốc Quyền, Lý Thị Diễm Phương, Đào Tấn Phát cùng các đối tượng khác chưa rõ lai lịch. Cường sẽ trực tiếp hoặc chỉ đạo Trương Phong Hào đi giao hàng.

Các bị cáo cho Huỳnh Nhật Khoa, Phạm Quốc Quyền, Lý Thị Diễm Phương, Đào Tấn Phát mua thuốc giả từ Cường rồi mang đi bán lại cho các cá nhân mua thuốc thông qua mạng xã hội. Căn cứ sao kê tài khoản, các bị cáo này đã chuyển khoản tiền mua thuốc giả cho Cường từ 302 triệu đồng đến 4,3 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, Cường khai nhận, ban đầu tự sản xuất thuốc để bán. Đến năm 2021 Cường thuê các bị cáo khác đến sản xuất thuốc giả. Cường thu lợi bất chính 0,5%/tổng số tiền bán thuốc giả cho khách.

Cáo trạng xác định, Nguyễn Xuân Cường là chủ mưu, cầm đầu; trực tiếp mua nguyên liệu, đặt in nhãn hiệu; phân công, chỉ đạo các bị cáo khác sản xuất thuốc giả các nhãn hiệu. Cường phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số thuốc giả đã thu giữ với giá trị tương đương hàng thật hơn 1 tỉ đồng.

Ngoài ra, kết quả sao kê tài khoản, Cường đã bán thuốc giả do mình sản xuất với tổng số tiền hơn 7,7 tỉ đồng.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-mua-bot-nang-ve-san-xuat-thuoc-gia-post835983.html