Vụ ồn ào mẹ bé Bắp: Người nhận tiền từ thiện không phải sao kê là xong
Luật sư khẳng định người đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện và nhận tiền từ thiện có trách nhiệm sao kê, giải trình cách chi tiêu số tiền đã nhận được từ cộng đồng.

Chị Lê Thị Thu Hòa gây tranh cãi trên mạng xã hội vì phát ngôn về sao kê từ thiện. Ảnh: FBNV.
“Sao kê để làm gì ạ, lấy giấy hả chị? Nhiều người vô tri thật, thật sự luôn”, chị Lê Thị Thu Hòa (27 tuổi, còn được biết đến là mẹ bé Bắp) trả lời bình luận trong một phiên livestream. TikToker Phạm Thoại cũng tham gia buổi trò chuyện, nói thêm: “Người ta đã mở tài khoản online rồi, cùng lắm thì vô đấy mà kiểm tra sao kê chứ mắc cái gì”.
Vài ngày qua, lùm xùm liên quan đến chuyện sao kê số tiền từ thiện hơn 16 tỷ đồng mà nhiều người ủng hộ cho bé Bắp (con trai chị Hòa) trong hành trình chữa bệnh ung thư máu với sự đồng hành của Phạm Thoại trở thành tâm điểm chú ý.
Những phát ngôn trước đây của chị Hòa nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Người mẹ bị cộng đồng mạng chỉ trích vì nghi ngờ sử dụng tiền quyên góp sai mục đích, như mua nhà, mua xe, cho con lớn học trường quốc tế, bọc răng sứ...
Tối 24/2, chia sẻ với báo chí, chị Hòa khẳng định video đã được cắt ghép không đúng sự thật. Về việc sao kê tiền từ thiện, chị cho biết TikToker Phạm Thoại (người đăng bài kêu gọi quyên góp ủng hộ cho bé Bắp - PV) sẽ livestream chia sẻ minh bạch vào tối 25/2.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, TS. LS Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết người đứng ra kêu gọi từ thiện còn có nhiều nghĩa vụ phải thực hiện chứ không phải sao kê là xong.
Không dừng ở bước sao kê
TS. LS Đặng Văn Cường cho hay Chính phủ Việt Nam có quy định rõ nghĩa vụ các cá nhân, tổ chức phải thực hiện khi đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện trong Nghị định số 93/2021/NDd-CP (Nghị định 93).
Nghị định nêu rõ cá nhân đứng ra kêu gọi, phân phối tiền từ thiện phải đảm bảo công khai, đúng đối tượng, mục đích. Đồng thời, người này cũng phải phối hợp với địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Cụ thể, điều 17 của Nghị định 93 quy định cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, thời gian cam kết phân phối tiền từ thiện.
Mặt khác, người này phải gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để được theo dõi và cung cấp thông tin khi cần.
Trong trường hợp nguồn tiền quyên góp được sử dụng chưa hết, người đứng ra kêu gọi phải thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

TS. LS Đặng Văn Cường cho biết người đứng ra kêu gọi từ thiện còn có nhiều nghĩa vụ phải thực hiện chứ không dừng ở bước sao kê. Ảnh: NVCC.
Cá nhân đứng ra kêu gọi phải ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
Họ còn phải gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày.
Phạm Thoại đứng ra kêu gọi mọi người quyên góp tiền để ủng hộ cháu bé đang bệnh ung thư thì nội dung kêu gọi, thời gian tiếp nhận, phương thức chuyển giao tiền cho mẹ cháu bé hoặc trực tiếp chi trả cho cơ sở chữa bệnh phải được công bố cụ thể. Đặc biệt, anh phải mở tài khoản riêng và thông báo với chính quyền địa phương.
“Trường hợp cá nhân đứng ra kêu gọi, tiếp nhận tiền từ thiện nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật theo Nghị định 93 thì Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ tính công khai minh bạch của hoạt động kêu gọi, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện trong tình huống này để xem xét có sai phạm, vi phạm pháp luật hay không để xử lý theo quy định”, ông Cường cho biết.
Rủi ro pháp lý
TikToker Phạm Thoại tuyên bố livestream công khai sao kê và giải trình các khoản chi trong tối 25/2. TS. LS Đặng Văn Cường khuyến nghị người từng đóng góp từ thiện theo dõi buổi livestream này trước khi kết luận tiền từ thiện được sử dụng đúng hay sai mục đích.
Về bản chất pháp lý trong câu chuyện này là hợp đồng tặng cho tài sản và ủy quyền sử dụng tài sản.
Những người đóng góp vào tài khoản ngân hàng hỗ trợ cho cháu bé mắc bệnh ung thư là người cho tài sản, người đăng số tài khoản để nhận tiền là người đại diện theo ủy quyền. Sau khi nhận tiền, người đại diện phải thực hiện công việc theo đúng thỏa thuận, cam kết trước đó.

TikToker Phạm Thoại tuyên bố sẽ livestream công khai sao kê vào tối 25/2. Ảnh: Phạm Thoại/Facebook.
Nếu cá nhân lợi dụng việc kêu gọi từ thiện để trục lợi thì sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Người đã chuyển tiền vào các tài khoản này cũng có quyền giám sát đến việc sử dụng tiền, yêu cầu sử dụng tiền đúng mục đích.
“Đây là câu chuyện pháp lý nếu có tranh chấp thì sẽ đưa ra pháp luật để làm rõ, nếu sử dụng tiền không có hiệu quả, sai mục đích thì người chuyển tiền vẫn có quyền đòi lại và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc”, ông Cường nhấn mạnh.
Trong trường hợp điều tra của cơ quan chức năng cho thấy tiền từ thiện được sử dụng sai và người này cố tình không trả hoặc có mục đích chiếm đoạt, các bên có thể xem xét trách nhiệm pháp lý hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (nếu có).
“Người mẹ cháu bé trong tình huống này cũng cần phải lên tiếng, xác nhận là đã nhận được bao nhiêu tiền và có sử dụng tiền đúng mục đích hay không để công khai minh bạch các khoản hỗ trợ thiện nguyện, tuân thủ các quy định của pháp luật”, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nói thêm.