TP.HCM muốn làm 6 dự án BOT gần 100.000 tỉ đồng

Sở GTVT TP.HCM đề xuất sáu dự án thuộc các công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở KH&ĐT TP.HCM về bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, trong đó có đề cập về các dự án BOT trên địa bàn TP.

Theo đó, sở này đề xuất sáu dự án thuộc các công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ (gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ) hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT.

Sáu dự án BOT nâng cấp, sửa chữa, mở rộng

Cụ thể, Sở GTVT TP cho biết theo quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP): “Đối với dự án quy định tại điểm b khoản 9 Điều 3 của luật này, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng… Như vậy, việc áp dụng hình thức BOT chỉ áp dụng tuyến đường mới, không áp dụng cho tuyến đường cải tạo, nâng cấp sửa chữa, mở rộng công trình hiện hữu”.

Tuy nhiên, theo Sở GTVT, hệ thống đường bộ của TP.HCM, trong đó các tuyến đường trục chính đô thị, cửa ngõ, kết nối với các tỉnh lân cận và các tuyến quốc lộ qua TP dù đã được đầu tư và đang khai thác nhưng quy mô hiện hữu chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông, chưa được mở rộng theo lộ giới quy hoạch. Đồng thời, ngân sách cũng chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng.

Quốc lộ 13, đoạn từ TP.HCM đi Bình Dương được đề xuất nâng cấp theo hình thức BOT. Ảnh: KC

Quốc lộ 13, đoạn từ TP.HCM đi Bình Dương được đề xuất nâng cấp theo hình thức BOT. Ảnh: KC

Vì thực tế đó, Sở GTVT đề xuất xem xét áp dụng hình thức hợp đồng BOT cho sáu tuyến đường cải tạo, nâng cấp sửa chữa, mở rộng công trình hiện hữu. Cụ thể các dự án gồm: Quốc lộ 1 (đoạn An Lạc - ranh Long An), cải tạo - nâng cấp Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, dự án kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường vành đai 3, trục đường Bắc - Nam (đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước), đường động lực (đường song song Quốc lộ 50).

Sở GTVT cho rằng việc xem xét làm sáu dự án BOT nói trên không làm thay đổi thủ tục hành chính theo quy định do chỉ mở rộng đối tượng áp dụng hình thức hợp đồng BOT theo quy định của Luật PPP.

Phạm vi áp dụng nội dung cơ chế, chính sách chỉ xác định trên địa bàn TP.HCM. Trường hợp cơ chế thí điểm được áp dụng hiệu quả trên địa bàn TP.HCM sẽ là mô hình được nhân rộng và sẽ là cơ sở cập nhật, điều chỉnh đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Các lưu ý khi làm dự án theo BOT cải tạo, nâng cấp

“Theo tôi thì không có nước nào mà ngân sách có thể đảm đương hết việc đầu tư cho hạ tầng nên cần huy động các nguồn lực khác nhau, trong đó có BOT…” - PGS-TS Chu Công Minh, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết.

Theo ông Minh, quan trọng khi làm BOT là có khung pháp lý đảm bảo, nhà đầu tư cảm thấy rõ ràng thì họ sẵn sàng đầu tư. BOT sẽ mang lại lợi ích cho các bên, cả nhà đầu tư, người dân cũng như Nhà nước.

“Theo quy định, các dự án BOT sẽ là các dự án mới nên việc làm các dự án nâng cấp, sửa chữa… theo BOT thì cần chính sách rõ ràng. Nếu người dân cảm thấy hợp lý và doanh nghiệp cũng thoải mái thì tôi nghĩ sẽ thu hút được đầu tư” - ông Minh phân tích.

Tương tự, KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, cũng cho rằng khi Sở GTVT TP đề xuất nâng cấp các dự án hiện hữu theo hình thức BOT thì chắc đã có lý do và đã thấy được giá trị của loại hình đầu tư này. Dễ thấy các dự án BOT giúp phát triển hạ tầng nhanh hơn, nhà đầu tư cũng có trách nhiệm với dự án từ đầu đến cuối.

“Còn giá trị của dự án theo BOT thì sẽ có sự thẩm định của Nhà nước. Mặt khác, hai yếu tố cần thiết cho đầu tư hạ tầng TP.HCM lúc này là nhanh chóng và chất lượng. BOT cơ bản đáp ứng hai yếu tố này” - ông Mười nói.

Ông Mười cũng cho biết làm BOT cho dự án nâng cấp, sửa chữa tất nhiên sẽ khác làm dự án BOT mới hoàn toàn. Tuy nhiên, cuối cùng thì nhà đầu tư vẫn là bên chịu trách nhiệm cho toàn bộ tuyến đường khi đã hoàn thành và phải đảm bảo chất lượng.

“Đương nhiên khối lượng công việc, giá trị hợp đồng BOT phải có sự đánh giá của cơ quan chức năng kèm theo các chính sách hợp lý để thu hút nhà đầu tư tham gia” - ông Mười nhận định.•

Sáu dự án BOT đầu tư gần 100.000 tỉ đồng

Theo đề xuất của Sở GTVT, tổng mức đầu tư cho sáu dự án BOT là gần 100.000 tỉ đồng. Thứ nhất, Quốc lộ 1 đoạn An Lạc - ranh Long An: Chiều dài 9,6 km, hiện trạng mặt cắt ngang (MCN) đường 19 m (bốn làn ô tô, hai làn xe máy). Dự kiến đầu tư quy mô MCN 52 m (mở rộng từ bốn lên tám làn xe). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án: 12.876 tỉ đồng.

Thứ hai: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22, hiện trạng MCN đường 37-39 m. Quy mô đầu tư cải tạo, nâng cấp với chiều dài 9,1 km, rộng 39,5 m, xây dựng hai cầu vượt trên Quốc lộ 22. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án: 1.200 tỉ đồng.

Thứ ba: Quốc lộ 13 đoạn nội thành - ranh Bình Dương, chiều dài 5,8 km. Hiện trạng MCN đường 19 m (bốn làn ô tô, hai làn xe máy). Lộ giới theo quy hoạch 40-60 m; đầu tư quy mô MCN theo quy hoạch. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án: 12.192 tỉ đồng.

Thứ tư: Xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường vành đai 3, chiều dài 9,7 km. Lộ giới theo quy hoạch 60 m, quy mô đầu tư MCN theo quy hoạch. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án: 13.837 tỉ đồng.

Thứ năm: Trục đường Bắc - Nam (đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước) chiều dài 26,8 km, hiện trạng MCN đường 18-24 m. Lộ giới theo quy hoạch 40-60 m; đầu tư quy mô MCN theo quy hoạch 40-60 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án: 54.204 tỉ đồng.

Đường động lực (đường song song Quốc lộ 50), chiều dài 5,8 km. Lộ giới theo quy hoạch 40 m; quy mô đầu tư MCN theo quy hoạch 40 m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án: 3.816 tỉ đồng.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-muon-lam-6-du-an-bot-gan-100000-ti-dong-post718013.html