TP.HCM nêu nhiều bất cập trong xử phạt hành chính lĩnh vực môi trường
UBND TP.HCM còn cho rằng, một số mức phạt hành chính trong bảo vệ môi trường là quá cao có thể gây khó khăn trong việc thực hiện quyết định xử phạt, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ.
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường, đánh giá việc thi hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7 2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
TP.HCM cho rằng, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đã cụ thể hóa nhiều quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chi tiết hóa các hành vi vi phạm và mức xử phạt tương ứng, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng luật; Các hành vi vi phạm được phân loại rõ ràng như xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, vi phạm quy định về quản lý chất thải, khai thác tài nguyên trái phép, và các hành vi gây ô nhiễm khác. Nghị định cũng bổ sung quy định về các hành vi vi phạm mới liên quan đến chất thải nhựa, phát thải khí nhà kính, và các nghĩa vụ môi trường trong sản xuất kinh doanh; đã tăng mức tiền phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm lớn như xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng, phù hợp với yêu cầu nâng cao tính răn đe và phòng ngừa.
![Một cơ sở luyện nhôm tái chế ở TP.HCM xả 100 tấn chất thải độc hại ra môi trường vừa bvị phát hiện](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_72_51470875/8b446dda5c94b5caec85.jpg)
Một cơ sở luyện nhôm tái chế ở TP.HCM xả 100 tấn chất thải độc hại ra môi trường vừa bvị phát hiện
Tuy nhiên trong quá trình thực thi còn nhiều hạn chế đáng lưu ý như: Một số mức phạt quá cao (Ví dụ, tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức) có thể gây khó khăn trong việc thực hiện quyết định xử phạt, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân.
Một số hành vi xả thải bất hợp pháp có thể mang lại lợi nhuận cao hơn mức phạt, dẫn đến hiệu quả răn đe chưa đủ mạnh. Những hành vi vi phạm nghiêm trọng (như xả thải nguy hại không qua xử lý), mức xử phạt hành chính có thể chưa tương xứng với thiệt hại gây ra. Điều này có thể khiến các cơ sở vi phạm chấp nhận chịu phạt thay vì đầu tư vào biện pháp bảo vệ môi trường.
Đáng lưu ý, nhiều quy định...bất khả thi. Điển hình, quy định biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường”. Trong khi đó, hiện nay Quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường chưa được ban hành nên việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả này là chưa thể áp dụng.
Tương tự, với quy định xử lý vi phạm đối với hành vi “để lẫn chất thải nguy hại ở dạng thải bỏ đơn chiếc”, trong thực tế, có phát sinh trường hợp chủ nguồn thải để lẫn trên 10 túi nylon cùng loại có nhiễm thành phần nguy hại (khối lượng không đáng kể) vào khu vực lưu giữ tạm thời chất thải công nghiệp thông thường. Khi đó cơ quan phát hiện vi phạm lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi này với khung tiền phạt từ 140 triệu đồng đến 200 triệu đồng (đối với tổ chức) là chưa phù hợp với mức độ vi phạm
Hoặc quy định buộc đình chỉ nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường. Thực tế quá trình triển khai đình chỉ hoạt động thì phát hiện quy định này chỉ phù hợp đối với loại hình sản xuất, chưa khả thi đối với loại hình đầu tư công như bệnh viện, trường học hoặc loại hình khu dân cư, nhà ở. Do nguồn thải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của người dân, việc đình chỉ (niêm phong) sẽ không khả thi và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
![TP.HCM cho rằng xử phạt hành chính vi phạm môi trường vẫn còn nhiều bất cập](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_72_51470875/ef7206ec37a2defc87b3.jpg)
TP.HCM cho rằng xử phạt hành chính vi phạm môi trường vẫn còn nhiều bất cập
Với quy định xử vi phạm tiếng ồn, độ rung đo đạc được tại doanh nghiệp sẽ từ hoạt động của doanh nghiệp và tại khu vực . Tuy nhiên theo QCVN 26:2010/BTNMT, QCVN 27:2010/BTNMT không quy định đo tiếng ồn nền, độ rung nền nên kết quả đo được tại doanh nghiệp sẽ không khách quan, phát sinh khiếu kiện.
Hay quy định cơ quan chức năng sẽ thực hiện niêm phong nhà xưởng, máy móc, thiết bị đối với các trường hợp vi phạm bị buộc đình chỉ hoạt động, nhưng lại chưa quy định thời gian thực hiện và chưa quy định rõ trường hợp doanh nghiệp đã hết thời hạn đình chỉ mà chưa khắc phục xong thì sẽ thực hiện như thế nào.
Qua thực tế triển khai công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Thành phố, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng cần phải đồng bộ hóa các quy định liên quan đến môi trường trong các văn bản pháp luật khác, tránh xung đột hoặc mâu thuẫn; Nâng mức xử phạt tối đa đối với Chủ tịch UBND cấp xã để phù hợp với thực tiễn tại địa phương; Xây dựng thêm hướng dẫn cụ thể cho các hành vi mới như phát thải khí nhà kính, quản lý rác thải điện tử, và các tiêu chí đánh giá về trách nhiệm môi trường của doanh nghiệp.