TP.HCM nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào các cổng dịch vụ công, Tổng đài 1022

Sở Thông tin TP.HCM đặt hàng nghiên cứu ứng dụng ChatGPT hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính, Tổng đài 1022,…

Lãnh đạo thành phố cùng các sở ban ngành và chuyên gia tại Tọa đàm ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp sáng 1/3.

Lãnh đạo thành phố cùng các sở ban ngành và chuyên gia tại Tọa đàm ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp sáng 1/3.

Thông tin trên được công bố tại tọa đàm: "Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và thách thức" do Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP.HCM và Thành Đoàn TP.HCM tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM vào sáng 1/3.

NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG CHATGPT CÓ CHỌN LỌC

Tại tọa đàm, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết ngay khi ra mắt tháng 11/2022 thì chỉ sau 2 tháng, ChatGPT đã đạt khoảng 100 triệu người dùng, tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu. Một khảo sát 1.000 doanh nghiệp được công bố ngày 25/2 vừa qua cho thấy khoảng 48% số công ty đã ứng dụng ChatGPT vào công việc.

Ở lĩnh vực quản lý nhà nước, ông Thắng cho hay, nhiều ý kiến cho rằng ChatGPT có thể ứng dựng vào hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc ra quyết định. Tuy nhiên, ChatGPT cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn, thách thức cho quản lý nhà nước, như việc đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn thông tin, hoặc việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT.

"Đứng trước một vấn đề mới như ChatGPT, chúng ta phải có cách tiếp nhận nhanh chóng nhưng bình tĩnh, thận trọng; xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh”, ông Thắng nói.

PGS.TS. Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán – Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho rằng, có thể ứng dụng ChatGPT để tạo câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến của cơ quan hành chính, giúp tiết kiệm công sức cho công chúng và nhân viên hành chính.

Để làm được điều này, theo TS. Đinh Điền, nhân viên hành chính phải rành, hiểu và làm chủ được ứng dụng này bởi không phải lúc nào cũng trả lời đúng. Công cụ này chỉ mang tính hỗ trợ, tham khảo chứ không nên phụ thuộc vào nó.

Nhiều doanh nghiệp, đại diện các sở ban ngành và chuyên gia cũng thừa nhận, AI nói chung và ChatGPT nói riêng, nếu được cung cấp dữ liệu đầu vào tốt thì nó sẽ hình thành sản phẩm tốt, có ích. Điều lo ngại là thời gian tới, AI còn phát triển mạnh hơn, nếu không có sự kiểm soát nguồn dữ liệu đầu vào, thông tin tạo ra sẽ sai lệch và đó cũng là nguy cơ lớn của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thất thoát dữ liệu, thậm chí là lừa đảo trên không gian mạng, thông tin sai lệch, bị xuyên tạc sự thật,…

TS. Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam, cũng chỉ ra các vấn đề liên quan đến an toàn thông tin. Về lâu dài, cần có hệ sinh thái, hỗ trợ cộng sinh với ChatGPT để phát huy những thành tựu khoa học, ứng dụng vào thực tế và xem nó là công cụ hỗ trợ vì con người mới chính là quyết định cuối cùng.

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định, TP.HCM hết sức quan tâm đến ứng dụng công nghệ. Tọa đàm là một trong số các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030”. Thông qua tọa đàm, tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) đến công tác quản lý nhà nước, phục vụ người dân. Đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý tìm ra các giải pháp và xây dựng kế hoạch tương lai trong việc sử dụng và ứng dụng AI.

“ChatGPT và các ứng dụng AI là cơ hội mới, chúng ta cần nhanh nhẹn nắm bắt nhưng cần sáng suốt, không chạy theo một cách mù quáng, không nên phản ứng tiêu cực và nên tiếp nhận một cách có chọn lọc và đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu ChatGPT và các ứng dụng AI để đưa vào phục vụ người dân, phục nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền TP.HCM”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm.

TP.HCM ĐẶT HÀNG ỨNG DỤNG CHATGPT VÀO 4 LĨNH VỰC

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã đặt hàng nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào 4 lĩnh vực.

Đầu tiên, ứng dụng ChatGPT hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, ứng dụng ChatGPT vào dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; và ứng dụng ChatGPT vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai, Thành phố cũng mong muốn ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố, như xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu.

Thứ ba, Thành phố cũng đặt hàng ứng dụng ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, thầy, cô giáo, học sinh trên địa bàn.

Thứ tư, nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.

Hồng Vinh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tp-hcm-nghien-cuu-ung-dung-chatgpt-vao-cac-cong-dich-vu-cong-tong-dai-1022.htm