TP.HCM nhiều nơi mua sắm, khách ngoại vẫn khó tiêu tiền

Thiếu cửa hàng miễn thuế, hàng hóa chưa đa dạng về phân khúc là lý do khách quốc tế chưa sẵn sàng rút hầu bao khi đến TP.HCM du lịch, theo chuyên gia.

Dạo hàng giờ quanh khu phức hợp The New Playground (quận 1, TP.HCM), du khách Apoorva (quốc tịch Ấn Độ) chỉ mua được 2 chiếc áo. Trước đó, tại một trung tâm thương mại, cô mua vài món mỹ phẩm, tổng chi tiêu khoảng 7.000 rupee (tương đương 2,1 triệu đồng).

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Apoorva cho biết đây là lần thứ 2 mình đến TP.HCM du lịch, trải nghiệm ẩm thực kết hợp mua sắm. Lần đầu tiên vào tháng 2/2023, cô mang một vali lớn đến Việt Nam tìm mua các mặt hàng thời trang đặc sắc, nhưng kết quả hành lý lượt về không tăng trọng lượng.

"Thương hiệu thời trang địa phương (local brand) Việt Nam thu hút tôi bởi nhiều mẫu mã trẻ trung. Nhưng so với năm trước, các điểm mua sắm không có nhiều thay đổi. Giá hàng hóa rẻ, nhưng chưa đa dạng phân khúc. Ví dụ, trung tâm thương mại chỉ bán mỹ phẩm high-end (cao cấp), trong khi tôi muốn mua dòng drugstore (tầm trung)", nữ du khách nói.

Đường xa, ít lựa chọn

Theo số liệu từ Sở Du lịch TP.HCM, tổng doanh thu du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt 92.643 tỷ đồng. Du khách quốc tế đến TP.HCM đạt 2,6 triệu lượt. Trong đó, hoạt động mua sắm của khách quốc tế đóng góp 9%, khách nội địa 2%.

Mua sắm được xem là sản phẩm du lịch tiềm năng để rút hầu bao du khách, nhưng tỷ lệ chi tiêu của khách ngoại tại TP.HCM vẫn khiêm tốn. Số tiền khách quốc tế mua sắm chiếm 17% tổng doanh thu du lịch ở TP.HCM ,thấp hơn các thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á. Ở Bangkok (Thái Lan), tỷ lệ này là 23%, Kuala Lumpur (Malaysia) 32% và Singapore 28%.

Một tuần ở TP.HCM, Apoorva đi tới nhiều quận, vào hàng chục cửa hàng để săn mỹ phẩm drugstore như mong muốn. Theo nữ du khách, khoảng cách các cửa hàng khá xa nhau, chưa đồng bộ trên một con đường khiến trải nghiệm mua sắm không liền mạch.

"Tôi đi từ cửa hàng này sang cửa hàng kia bằng taxi hoặc xe công nghệ. Việc di chuyển nhiều tốn chi phí và thời gian, lại mất sức. Tôi đi khoảng 2-3 cửa hàng là về khách sạn. Có những cửa hàng Việt Nam bán đa thương hiệu, nhưng tôi không tin tưởng các mỹ phẩm ở đây là chính hãng", Apoorva bày tỏ.

 Rebecca, du khách Hà Lan, chỉ tiêu dưới 50 euro (khoảng 1,3 triệu đồng) cho việc mua sắm ở TP.HCM. Ảnh: Linh Huỳnh.

Rebecca, du khách Hà Lan, chỉ tiêu dưới 50 euro (khoảng 1,3 triệu đồng) cho việc mua sắm ở TP.HCM. Ảnh: Linh Huỳnh.

Rebecca (quốc tịch Hà Lan) cũng dành phần lớn thời gian cho việc mua sắm vì TP.HCM là điểm đến cuối cùng ở Việt Nam. Với nữ du khách, giá thành hàng hóa ở TP.HCM rẻ nhất trong những nơi từng đi qua, nhưng lại thiếu tính đa dạng và cách phục vụ chưa nhã nhặn.

"Mục đích của tôi là mua quần áo và đồ lưu niệm cho bạn bè. Nhưng các điểm mua sắm như Sài Gòn Square, chợ Bến Thành… bán những mặt hàng giống nhau, không dễ tìm đồ mới lạ. Ngoài ra, những người bán hàng đôi khi chèo kéo tôi đến cửa hàng của họ. Tôi ước họ để tôi xem đồ một cách tự nhiên", du khách này bộc bạch.

Rebecca cho biết mình không ghé vào trung tâm thương mại vì cửa hàng miễn thuế hay hàng hiệu giảm giá (outlet store) tại TP.HCM còn quá ít.

"Mặt hàng cao cấp thường chịu thuế nên giá khá cao, khi đến sân bay phải làm thêm thủ tục hoàn thuế. Trong những ngày ở TP.HCM, tôi chỉ mua sắm tại cửa hàng địa phương tìm được trên những con đường", nữ du khách nói thêm.

 Đến TP.HCM cùng một người bạn, Mei (áo xanh) chỉ mua một số quần áo và giày dép. Ảnh: Linh Huỳnh.

Đến TP.HCM cùng một người bạn, Mei (áo xanh) chỉ mua một số quần áo và giày dép. Ảnh: Linh Huỳnh.

Tương tự, trong lần đầu đến TP.HCM, Mei (quốc tịch Nhật Bản) dành 3 ngày để khám phá các khu mua sắm sầm uất. Nữ du khách chi khoảng 20.000 yen (tương đương 3,2 triệu đồng) cho quần áo và giày dép.

"Các cửa hàng quần áo ở TP.HCM bán nhiều mẫu mã, dễ phối, chất vải đẹp và giá rẻ hơn nhiều so với Nhật Bản. Tôi tìm thấy vài cửa hàng đúng phong tôi thích trên Instagram. Tuy nhiên, mỗi cửa hàng nằm ở một quận, hơi khó trong việc di chuyển", du khách này cho biết.

Khó 'dốc túi' tại trung tâm thương mại

Tỷ lệ doanh thu từ mua sắm đối với hoạt động du lịch cho thấy TP.HCM cần cải thiện sự đa dạng của phân khúc sản phẩm và đồng bộ các điểm mua sắm nếu muốn "hốt bạc" từ du khách quốc tế.

Theo tiến sĩ Hyejin Park, giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam), mua sắm là hoạt động giải trí mang lại nguồn thu lớn cho du lịch. Mặt khác, trải nghiệm mua sắm cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của du khách.

Liên hệ đến sự thành công của Hàn Quốc, quốc gia đi đầu châu Á về du lịch mua sắm, việc tập trung vào sản phẩm thế mạnh, đồng bộ các điểm mua sắm giúp du khách dễ dàng tiếp cận và có niềm tin để chi tiền.

 TP.HCM có thể tận dụng nét độc đáo của chợ đường phố và các khu mua sắm truyền thống để du khách quốc tế mở hầu bao. Ảnh: Linh Huỳnh.

TP.HCM có thể tận dụng nét độc đáo của chợ đường phố và các khu mua sắm truyền thống để du khách quốc tế mở hầu bao. Ảnh: Linh Huỳnh.

Khảo sát từ chính quyền thành phố Seoul và Tổ chức Du lịch Seoul (STO) cho thấy chi phí mua sắm trung bình của mỗi du khách khi đến Hàn Quốc là 620.000 won (tương đương 11,2 triệu đồng), cao hơn chi phí cho việc ăn uống.

"Sức mạnh của quốc gia này nằm ở các sản phẩm làm đẹp và thời trang, nổi tiếng về chất lượng và thương hiệu từ lâu. Ở Seoul có phố Myeongdong hay trung tâm thương mại Coex Mall chuyên bán mỹ phẩm từ xa xỉ đến bình dân. Nhiều mặt hàng được sản xuất trong nước, tạo nên dấu ấn riêng", tiến sĩ Park chia sẻ.

TP.HCM cũng có các trung tâm mua sắm ở trung tâm như Takashimaya, Diamond Plaza…, nhưng vẫn có sự khác biệt lớn về quy mô và sự đa dạng phân khúc, thương hiệu khi so sánh với các trung tâm mua sắm ở các nước châu Á.

"Du khách muốn tìm mặt hàng mới, những mẫu mã lỗi thời trên kệ không khiến họ rút hầu bao. Tôi cho rằng hướng đi tiềm năng cho TP.HCM là thiết lập mô hình mua sắm tương tự Coex Mall (Hàn Quốc) hay The Landmark (Hong Kong). Ngoài quy tụ thương hiệu quốc tế với nhiều phong cách, các trung tâm mua sắm biểu tượng này còn mang đến trải nghiệm giải trí mới mẻ", tiến sĩ này nói.

Tiến sĩ Hyejin Park cho biết thêm TP.HCM có thể tận dụng các thế mạnh hiện có như chợ đường phố sôi động hay khu mua sắm truyền thống bằng cách hiện đại hóa mặt hàng. Những mô hình này mang lại trải nghiệm mua sắm đa dạng, đáp ứng sở thích và ngân sách của nhiều đối tượng du khách.

Khoảng trống cửa hàng miễn thuế

Ngoài ra, việc TP.HCM không có cửa hàng hoặc khu mua sắm miễn thuế ở trung tâm là khoảng trống đáng kể. Hiện nay, mua sắm miễn thuế trở thành trải nghiệm không thể thiếu khi du lịch. Các cửa hàng miễn thuế ở trung tâm đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chi tiêu, du khách có thể ghé thăm cửa hàng cùng với các điểm tham quan một cách dễ dàng .

"Cửa hàng miễn thuế, hàng hiệu giảm giá tạo động lực mua sắm cho du khách. Họ không còn áp lực về tiền bạc khi mua những mặt hàng xa xỉ. Chưa kể, miễn thuế giúp du khách tiết kiệm tối đa ngân sách du lịch, việc mua sắm cũng trở nên hấp dẫn hơn", tiến sĩ Hyejin Park cho hay.

 Các doanh nghiệp và nhà bán lẻ cần xây dựng sản phẩm du lịch mua sắm phù hợp với từng thị trường khách. Ví dụ, khách châu Á thích mỹ phẩm và thời trang, khách châu Âu lại thích đồ thủ công, lưu niệm. Ảnh: Linh Huỳnh.

Các doanh nghiệp và nhà bán lẻ cần xây dựng sản phẩm du lịch mua sắm phù hợp với từng thị trường khách. Ví dụ, khách châu Á thích mỹ phẩm và thời trang, khách châu Âu lại thích đồ thủ công, lưu niệm. Ảnh: Linh Huỳnh.

Ngoài ra, tiến sĩ Matt Kim, giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam) cũng nhận định các cửa hàng miễn thuế nên phát triển ở sân bay để tạo doanh thu cho các sân bay và ngành du lịch nói chung.

"Cửa hàng miễn thuế ở sân bay được xem như một điểm bổ sung vì du khách có xu hướng tận dụng lợi ích mua sắm trước khi rời đi. Nếu du khách tin rằng số tiền mua sắm tương đương hoặc thấp hơn tiền đã chi cho vé máy bay, họ sẽ cảm thấy an toàn, mạnh dạn mua sắm", vị tiến sĩ nói.

Lấy ví dụ từ Singapore, quốc gia này có hơn 550 cửa hàng miễn thuế tại sân bay Changi và khu phức hợp Jewel. Phần lớn doanh thu sân bay đến từ hoạt động thương mại. Theo Tổng cục du lịch Singapore (STB), mua sắm là yếu tố đóng góp chính trong tổng doanh thu du lịch. Thống kê doanh thu du lịch mua sắm giai đoạn tháng 1-9/2023 đạt 3,71 tỷ SGD ( khoảng 2,74 tỷ USD).

 TP.HCM có thể phủ kín cửa hàng mua sắm ở sân bay để du khách có chỗ chi tiền. Ảnh: Duy Hiệu.

TP.HCM có thể phủ kín cửa hàng mua sắm ở sân bay để du khách có chỗ chi tiền. Ảnh: Duy Hiệu.

Hiện tại, trải nghiệm mua sắm miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) đang tụt hậu so với các điểm đến khác ở Đông Nam Á, lại khan hiếm cửa hàng. Trong khi đó, các du khách đều đánh giá cao cơ hội mua sắm trước khi lên máy bay.

Một số khía cạnh cần cải thiện gồm quy mô của khu vực mua sắm miễn thuế, sự sạch sẽ và chất lượng dịch vụ. Khi mua những món đồ nhỏ hay ít tiền, du khách vẫn muốn tận hưởng không gian dễ chịu và rộng rãi.

"TP.HCM cũng có thể áp dụng các chiến lược nhằm nâng cao sức cạnh tranh, kích thích nhu cầu mua sắm của du khách bằng cách quảng bá bản sắc, củng cố sản phẩm địa phương hoặc xem xét tăng trọng lượng hành lý cho phép của các hãng bay", tiến sĩ Matt Kim bày tỏ.

Trúc Hồ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tphcm-nhieu-noi-mua-sam-khach-ngoai-van-kho-tieu-tien-post1487403.html