TP.HCM: Nỗ lực trước những bộn bề của năm học mới

Ngoài áp lực tăng học sinh hàng năm thì dịch covid-19 phức tạp, kéo dài khiến ngành giáo dục TP.HCM nhiều 'bộn bề' trong năm học mới.

Áp lực tăng học sinh

Năm nay toàn thành phố dự kiến có hơn 1,714 triệu học sinh từ các bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT. So với năm học trước, học sinh tăng thêm 30.939 em, trong đó khối trường công lập tăng 27.991 em, còn lại là trường ngoài công lập tăng 2.948 em.

Tăng học sinh hàng năm là một trong những áp lực của TP.HCM. Học sinh TP.HCM tăng nhiều nhất ở cấp tiểu học (31.517 em) tập trung tại những nơi mà tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao như TP Thủ Đức, Quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.

Có 373.624 học sinh chiếm 22,2 % tổng số học sinh thành phố thuộc gia đình không có hộ khẩu tại TP.HCM. Áp lực này làm gia tăng sĩ số lớp học vượt cao so với chuẩn, đặc biệt ở cấp tiểu học. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều bị co hẹp. Chưa kể việc tăng học sinh làm tăng cán bộ, giáo viên, nhân viên, biên chế, tăng nguồn chi ngân sách.

Không có phòng học mới kịp đưa vào sử dụng

Cách đây vài năm, ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó đang là Bí thư Thành ủy TP.HCM đã ví von, TP.HCM như một "tổng công ty xây dựng trường học" vì năm nào cũng xây trường. Trung bình cứ 5 năm, TP.HCM lại có thêm 1 triệu dân nên 5 năm phải xây đủ trường cho 1 triệu người này. Cả nước quy định dành 20% ngân sách cho giáo dục, nhưng TP.HCM luôn bố trí 25% ngân sách cho giáo dục đào tạo.

Năm học 2021-2022, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 801 phòng học mới, trong đó số phòng đưa vào sử dụng trước 5/9 là 591, còn lại sẽ đưa vào sử dụng sau ngày này. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm mọi thứ gần như đảo lộn. Trong hai năm nay tiến độ xây dựng các công trình trường học đều bị chậm. Tất cả công trình xây dựng, sửa chữa trường lớp đều chậm tiến độ. Đến ngày 5/9, không có phòng học mới nào kịp đưa vào sử dụng.

Hàng nghìn giáo viên, học sinh diện F0, F1

Dịch Covid-19 khiến các trường ngoài công lập điêu đứng, đặc biệt bậc mầm non. Học sinh nghỉ, trường không nguồn thu trong khi phải chi trả tiền thuê cơ sở vật chất, mặt bằng, giữ chân đội ngũ giáo viên…

151 cơ sở giáo dục mầm non trong đó có 27 trường và 124 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập đã giải thể và ngưng hoạt động. Nếu năm 2017 tỉ lệ trường ngoài công lập ở TP.HCM tăng 11,74% thì năm nay chỉ còn 1,77%. Đặc biệt trong 2 năm 2020 và 2021 số trường tiểu học, THCS và THPT ngoài công lập không tăng.

Trước thềm năm học mới, hàng trăm trường học ở TP.HCM đang được trưng dụng cho công tác chống dịch. 249 trường đang sử dụng làm nơi cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, chích ngừa. Có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1.

Chỉ riêng tại Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng, cho hay tính đến hôm nay 3/9 nhà trường có 9 giáo viên cùng với gia đình của các thầy cô bị F0. Có bố mẹ của giáo viên đã tử vong, có thầy cô đang ở bệnh viện điều trị. 25 học sinh của trường cũng bị F0, có những em đang nằm trong bệnh viện và có em đang điều trị ở nhà. Rất nhiều phụ huynh của nhà trường cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhà trường đã làm mọi cách hỗ trợ họ để vượt qua dịch bệnh như hỗ trợ thuốc, kinh phí, mua 3 máy thở hỗ trợ những gia đình giáo viên có các ca bệnh chưa đi cấp cứu kịp…

Hàng chục nghìn học sinh không thể học trực tuyến

Không thể bắt đầu năm học mới bằng trực tiếp, TP.HCM quyết định học trực tuyến và điều này có thể kéo dài tới hết học kỳ I. Sở GD-ĐT thành phố đã yêu cầu các trường rà soát, nắm số liệu gồm: Học sinh không có thiết bị tối thiểu và đường truyền internet, có thiết bị nhưng không có đường truyền, các lý do khác.

Sau khi các trường tiểu học, THCS, THPT thực hiện việc rà soát thì có khoảng 4% học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến, trong khi tỷ lệ này ở bậc tiểu học thì khoảng 8,5%.

Cụ thể trong gần 700.000 học sinh trung học thì có khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có internet.

Còn ở bậc tiểu học, trong tổng số 647.253 học sinh tiểu học thì có 53.349 học sinh không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến, trong đó 19.669 học sinh không có thiết bị, 3.633 gia đình thiếu đường truyền internet, 11.186 học sinh không có người hỗ trợ, học sinh đang ở quê…

UBND TP.HCM vừa quyết định hỗ trợ 100% học phí kì I cho các trường công lập và ngoài công lập nhằm chia sẻ với khó khăn của phụ huynh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong khi đó, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM kêu gọi các mạnh thường quân, những gia đình có điều kiện, không dùng đến các thiết bị có thể hỗ trợ học online thì ủng hộ cho các nhà trường.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nhấn mạnh, nếu trong trường hợp phụ huynh không có bất kỳ phương tiện nào để học sinh học online, Sở GD-ĐT đã làm việc với các giáo viên có kinh nghiệm ghi hình các bài dạy và phát trên các video này truyền hình. Hàng ngày, phụ huynh có thể xem trên truyền hình để học bài với con.

Với những học sinh đang kẹt lại ở các tỉnh thì học tại nơi đang ở. Đồng thời, có thể theo dõi học internet với lớp cũ. Khi hết dịch phụ huynh đón học sinh lên TP.HCM, Sở GD-ĐT tiếp nhận kết quả học tập của các học sinh.

Bên cạnh đó, đề xuất có kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh trên 12 tuổi. Nếu kiểm soát được dịch, giáo viên và học sinh đã tiêm vắc xin có thể trở lại trường học trực tiếp.

Ông Hiếu thừa nhận, việc dạy trên internet đối với học sinh tiểu học sẽ rất khó khăn. Nếu lùi 1 tháng hay 2 tháng để học trực tiếp cũng không thể biết được, do vậy dạy học trên internet là giải pháp phải chấp nhận. Sở GD-ĐT đã có giải pháp khi học sinh đến trường bổ sung các giải pháp để đáp ứng mục tiêu giáo dục.

Minh Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tp-hcm-bon-be-truoc-nam-hoc-moi-771687.html