Tp.HCM: Nông nghiệp hàng hóa thúc đẩy nông thôn mới ở Củ Chi
Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, sự hiệu quả của các mô hình HTX, Tổ hợp tác vườn mẫu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đang giúp diện mạo kinh tế, xã hội vùng 'đất thép' Củ Chi (Tp.HCM) có những chuyển biến mạnh mẽ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - ông Lê Đình Đức, cho biết: “Những thành công trong xây dựng nông thôn mới (NTM) đang giúp giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện giai đoạn 2009 - 2019 tăng bình quân 8,24%/ năm, doanh thu bình quân năm 2018 đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Đời sống người dân liên tục được nâng lên”.
Khởi sắc bộ mặt NTM
Tất cả 20 xã của Củ Chi đã cơ bản đạt đủ 19 tiêu chí NTM, đồng thời, huyện cũng đã cơ bản đạt chuẩn cả 9 tiêu chí huyện NTM. Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của giai đoạn nâng cao, xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại.
Củng cố và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn; tập trung cải thiện và nâng cao hiệu quả các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn nhằm tăng sản lượng tiêu thụ rau, quả của các HTX, Tổ hợp tác (THT)…
Thái Mỹ là xã điển hình trong xây dựng NTM của huyện. Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ - bà Lê Ngọc Sương, cho biết: “Hiện xã có 7 THT sản xuất nông nghiệp với 540 thành viên, hằng năm gieo trồng từ 200 ha đến 300 ha bắp giống, lợi nhuận bình quân từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng/ha”.
Xã có THT sản xuất mây - tre - lá xuất khẩu (làng nghề đan đát), giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động (công nhân) với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/ tháng, đồng thời, tạo ra việc làm cho 1.138 lao động (chủ yếu là người nội trợ, người lớn tuổi) làm việc tại nhà với thu nhập bình quân 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Đến đầu năm 2019, thu nhập bình quân của người dân xã Thái Mỹ đạt hơn 58 triệu đồng/ người/năm; số hộ nghèo đa chiều (theo tiêu chí của thành phố) giảm còn dưới 0,5% tổng số hộ dân toàn xã; tất cả các hộ dân được sử dụng nước sạch…
Không chỉ Thái Mỹ, mà những xã khác cũng đã đạt được nhiều mốc phát triển đáng mừng. Điển hình, tại xã Tân Thạnh Tây đến nay không còn nhà tạm, tất cả hộ dân đã có nhà ở bán kiên cố và kiên cố. Hiện, số hộ nghèo của xã chỉ còn 25 hộ, chiếm 0,91% tổng hộ dân; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 56 triệu đồng/người/năm, xã phấn đấu cuối năm nay sẽ đạt mức 60 triệu đồng/người/năm.
Ở xã Trung Lập Thượng, số hộ nghèo ở xã đã giảm xuống còn 19 hộ, chiếm 0,58% tổng hộ dân; 99,86% nhà ở đạt tiêu chuẩn nhà ở; tất cả các hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch.
Sự ra đời và phát triển của hàng loạt các HTX, mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi đang là động lực giúp vùng “đất thép” Củ Chi ghi dấu ấn trong xây dựng NTM, trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn Tp.HCM.
Đẩy mạnh sản xuất chuỗi
HTX Bò sữa Tân Thông Hội hiện có hơn 300 thành viên, quy mô đàn bò khoảng 5.000 con, sản lượng thu mua hàng ngày khoảng 27 tấn sữa, doanh thu bình quân của HTX đạt trên 100 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Minh Khánh - Giám đốc HTX, cho biết: “Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX đã kết hợp với Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM, Trung tâm Khuyến nông, các nhà sản xuất thuốc thú y tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao kiến thức cho thành viên, nông dân”.
Tương tự, HTX Chăn nuôi an toàn Tiên Phong thành lập năm 2007, đến nay, HTX có 12 thành viên, tổng đàn hơn 3.000 con lợn nái, 20.000 con lợn thịt và 2.000 con nái hậu bị.
“Nhờ chăn nuôi theo chuỗi, HTX nhanh chóng khẳng định tên tuổi trên thị trường, thu nhập của thành viên liên tục tăng lên. Sản xuất theo quy trình VietGAP giúp HTX bảo đảm an toàn lao động cho thành viên, người lao động và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Hữu Chí - Giám đốc HTX, cho hay.
Không chỉ các HTX, các mô hình sản xuất an toàn cũng đang phát huy hiệu quả cao. Vườn lan Ba Được của bà Trần Thị Mỹ Trinh ở ấp Hậu, xã Tân Thông Hội là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương với thu nhập trên 40 triệu đồng mỗi tháng.
Vườn lan Ba Được hiện trồng hơn 30.000 cây lan cắt cành giống Mokara, với nhiều loại như lan vàng nến, lan hồng, lan đỏ, lan tím, lan vàng chanh… Bình quân mỗi tuần, vườn lan Ba Được cung cấp khoảng 30.000 - 40.000 cành lan cho thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng.