TP. HCM phấn đấu tiêm xong vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi trước tháng 9
UBND TP. HCM vừa có văn bản khẩn gửi các sở, ngành liên quan về kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi trên địa bàn thành phố…
Ảnh minh họa.
Theo đó lộ trình triển khai tiêm vaccine, TP.HCM dự kiến sẽ bắt đầu ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vaccine và phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2022. Hiện nay, UBND TP cũng cho biết số lượng trẻ cần tiêm tại thành phố là khoảng 898.537 trẻ. Trong đó có 885.739 trẻ đi học và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.
Đối với trẻ đi học, dự kiến tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.
Đối với trẻ không đi học, sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện quyết định. Đối với trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện: tổ chức tiêm vaccine ngay tại bệnh viện, kể cả trẻ cư trú tại tỉnh, thành khác.
Về việc tiêm cho trẻ, UBND TP yêu cầu khi tổ chức tiêm chủng phải đảm bảo yêu cầu giãn cách, bố trí khu vực chờ cho phụ huynh… Bố trí số lượng trẻ được tiêm trong ngày phù hợp; bảo đảm thông tin và kết quả tiêm của trẻ phải được cập nhật đầy đủ lên "Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19" và cuối mỗi ngày cần rà soát, thống kê số lượng trẻ chưa đến tiêm để lên lịch tổ chức tiêm kịp thời.
Cùng với ban hành kế hoạch tiêm chủng, UBND TP còn giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan. Trong đó Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phải rà soát, lập danh sách học sinh thuộc độ tuổi quy định, thống kê số liệu đồng thuận theo trường học tại mỗi phường/xã/thị trấn…
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua tại cuộc họp báo cung cấp thông tin phòng chống Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, đại diện Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Kết quả khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh học sinh trên địa bàn đối với việc tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, ở bậc mầm non là 60,49%, bậc tiểu học là 81,19%, bậc THCS (lớp 6) là 87,68%.
Với kết quả như trên, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vaccine để nhận thêm sự đồng thuận của phụ huynh. Đồng thời tiếp tục tổ chức tập huấn quy trình tiêm chủng, cấp tài khoản điểm tiêm cho mỗi cơ sở giáo dục có trẻ thuộc đối tượng tiêm tạo điều kiện cho các cơ sở nhập thông tin của trẻ lên hệ thống được thuận lợi.
Ngoài ra Sở lưu ý, những trẻ chưa tiêm vaccine vẫn được đến trường, giáo viên sẽ có sự quan tâm, chăm lo kỹ lưỡng hơn để bảo vệ các em chứ không giới hạn các hoạt động học tập trực tiếp của trẻ.
Chia sẻ thêm về việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, đại diện Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cũng bổ sung một số thông tin, đó là các đợt cao điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 trước đây, ngành y tế đã thực hiện 200.000 - 300.000 mũi tiêm/ngày, với 1.000 - 1.500 đội tiêm.
Theo vị này thì trong đợt tiêm cho trẻ sắp tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để nắm số lượng trẻ em, tổ chức phù hợp với từng thời điểm. Đặc biệt việc tiêm vaccine cho trẻ phải chuẩn bị kỹ hơn người lớn với tất cả các khâu từ: khám sàng lọc, cấp cứu, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm. Mặt khác cũng hướng dẫn phụ huynh theo dõi trẻ sau tiêm tại nhà.
Ngoài ra vị đại diện cũng khẳng định, mọi hình thức mua bán thuốc điều trị Covid-19 trên mạng xã hội là bất hợp pháp, người dân phải hết sức cảnh giác. Hiện có hai hướng để bệnh nhân có thể tiếp cận được thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19.
Thứ nhất, khai báo y tế qua ứng dụng hoặc trạm y tế để được phát thuốc miễn phí nếu nằm trong nhóm cần sử dụng thuốc.
Thứ hai, người dân có thể mua tại các hiệu thuốc được cấp phép bán, bệnh nhân phải có toa thuốc của bác sĩ chịu trách nhiệm chỉ định dùng thuốc cho bệnh nhân. Các bệnh viện ở thành phố đã có khoa khám Covid-19 và hậu Covid-19, người dân có thể đăng ký dịch vụ này để chuẩn đoán và điều trị.