TP.HCM quản lý 11 bến thủy nội địa ra sao?

Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP chấp thuận giao Trung tâm Quản lý Đường thủy thực hiện quản lý tài sản 11 bến thủy nội địa theo phương thức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ mục đích công cộng.

Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP về việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy đối với 11 bến thủy nội địa phục vụ du lịch trên địa bàn TP.HCM.

 Sở GTVT TP.HCM kiến nghị giao Trung tâm Quản lý Đường thủy thực hiện quản lý tài sản 11 bến thủy nội địa theo phương thức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ mục đích công cộng. Ảnh: ĐT

Sở GTVT TP.HCM kiến nghị giao Trung tâm Quản lý Đường thủy thực hiện quản lý tài sản 11 bến thủy nội địa theo phương thức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ mục đích công cộng. Ảnh: ĐT

Theo Sở GTVT, hiện Chủ tịch UBND TP.HCM đã giao Trung tâm Quản lý đường thủy quản lý 11 bến thủy nội địa được được điều chuyển từ Cảng vụ Đường thủy nội địa TP sang Trung tâm Quản lý đường thủy.

Các bến thủy nội địa này đã được Sở GTVT TP cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định.

Từ ngày 10-3-2024, Sở GTVT đã chuyển giao hồ sơ liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động các bến thủy nội địa đến UBND TP Thủ Đức và các quận huyện để tiếp tục gia hạn hoạt động theo quy định tại Nghị định số 06/2024.

Hiện nay, nhu cầu bến thủy nội địa của các doanh nghiệp du lịch rất lớn nhằm phục vụ phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn TP.

Sở GTVT TP đã báo cáo cụ thể các nội dung liên quan về quy định đối với phương thức quản lý tài sản, các khó khăn, vướng mắc khi xây dựng Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản và đề xuất phương thức quản lý tài sản theo quy định phục vụ mục đích công cộng.

Việc đầu tư xây dựng cầu tàu, nhà chờ, bến đỗ (11 bến thủy nội địa) phục vụ phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn TP với mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch đường thủy, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch đường thủy của TP.

Từ đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội của các quận vùng ven còn nhiều khó khăn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa phương tiện vào khai thác bình đẳng, tránh tình trạng doanh nghiệp độc quyền kinh doanh khai thác nếu được giao.

Do đó, đối với 11 bến thủy nội địa này, Sở GTVT trình UBND TP xem xét, chấp thuận giao Trung tâm Quản lý Đường thủy thực hiện quản lý tài sản 11 bến thủy nội địa theo phương thức quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa phục vụ mục đích công cộng.

Trung tâm Quản lý đường thủy có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý tài sản 11 bến thủy nội địa phục vụ mục đích công cộng theo đúng quy định; cập nhật tài sản 11 bến thủy vào danh mục tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, báo cáo Sở GTVT trình Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định giao quản lý tài sản theo quy định tại Nghị định số 45/2018 của Chính phủ.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-quan-ly-11-ben-thuy-noi-dia-ra-sao-post813727.html