TP.HCM quy hoạch 5 huyện thành đô thị vệ tinh: Cơ hội và thách thức

Các chuyên gia nhận định việc đưa năm huyện ngoại thành lên TP sẽ giúp TP.HCM tạo ra những giá trị bền vững nhưng cũng cần những bước đi thận trọng vì còn nhiều thách thức.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nổi bật trong đó là tương lai của năm huyện ngoại thành trong bức tranh quy hoạch tổng thể.

Hình hài của năm huyện ngoại thành sau năm 2030

Trong năm năm tới, TP.HCM sẽ là đô thị đặc biệt bao gồm một khu vực đô thị trung tâm và sáu đô thị trực thuộc: TP Thủ Đức (đô thị loại I) và năm đô thị vệ tinh (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) cố gắng đạt các tiêu chuẩn để nâng cấp lên TP.

 TP.HCM mong muốn đột phá hơn với quy hoạch vừa được duyệt. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

TP.HCM mong muốn đột phá hơn với quy hoạch vừa được duyệt. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Sau năm 2030, TP.HCM sẽ xây dựng các đô thị này theo mô hình TP đa trung tâm, trong đó có khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị quận 7 - Nhà Bè và đô thị sinh thái biển Cần Giờ.

Theo đó, TP.HCM sẽ sử dụng phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện với toàn bộ ranh giới hành chính của năm huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ.

Định hướng phát triển trọng tâm của vùng liên huyện theo hướng phát triển nhanh và bền vững; đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại.

 TP Thủ Đức với mô hình TP trong TP là hình mẫu để TP.HCM phát triển các TP vệ tinh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

TP Thủ Đức với mô hình TP trong TP là hình mẫu để TP.HCM phát triển các TP vệ tinh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường thiên nhiên và bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, cách mạng; phù hợp với cấu trúc không gian đa trung tâm toàn TP.

Vùng liên huyện có động lực phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên các ngành công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sinh thái hữu cơ và áp dụng công nghệ cao; các ngành thương mại - dịch vụ; kinh tế biển, công nghiệp và nông nghiệp tiên tiến và công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao.

Sắp xếp, tổ chức lại không gian hệ thống đô thị, nông thôn trên cơ sở hình thành các đô thị vệ tinh phù hợp với điều kiện của từng thời kỳ quy hoạch; tăng cường liên kết vùng; đảm bảo đô thị hóa có kiểm soát, cân bằng về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý, sử dụng đất và bảo vệ môi trường.

Cụ thể, hình hài của huyện Củ Chi là khu vực đô thị hóa ở phía bắc TP.HCM với định hướng là trung tâm công nghiệp, Khu công nghệ cao, phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Đồng thời là khu đô thị sinh thái, thương mại và dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, đào tạo, chăm sóc sức khỏe; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa - cách mạng, khu viện trường…

Huyện Hóc Môn là khu vực đô thị hóa ở phía bắc của khu vực đô thị trung tâm với định hướng phát triển khu đô thị ĐH quốc tế, thương mại dịch vụ, đào tạo chuyên nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, logistics, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao...

Huyện Bình Chánh là khu vực đô thị hóa phía tây của khu vực đô thị trung tâm với định hướng là trung tâm công nghiệp, trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo, thương mại và dịch vụ, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao...

Huyện Nhà Bè là khu vực đô thị hóa phía nam của khu vực đô thị trung tâm với định hướng phát triển cảng biển và đô thị cảng, logistics, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm hội chợ - triển lãm, văn hóa - giải trí, thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, khu ĐH tập trung, khu y tế kỹ thuật cao, du lịch sinh thái...

Huyện Cần Giờ là khu vực đô thị hóa phía nam của TP.HCM với các định hướng phát triển quan trọng như xây dựng Cần Giờ trở thành trung tâm phát triển kinh tế biển trên cơ sở xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phục vụ cho khu vực Đông Nam Á, vùng Đông Nam Bộ, vùng TP.HCM và cả nước.

Khai thác, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới ngoài khơi; bảo vệ, phát triển khu dự trữ sinh quyển thế giới - rừng ngập mặn Cần Giờ; xây dựng Cần Giờ trở thành khu vực trọng điểm du lịch sinh thái của vùng Đông Nam Bộ và vùng TP.HCM…

TP.HCM với mô hình chuyển đổi huyện lên đô thị

Vào năm 2017, TP.HCM đã mong muốn chuyển đổi mô hình quản lý năm huyện ngoại thành để phát triển tốt hơn, bắt đầu từ các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn.

Đến năm 2020, chủ trương đưa huyện lên quận được cụ thể hóa tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Sau đó Sở Nội vụ TP trình UBND TP.HCM kế hoạch xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM giai đoạn 2021-2030. Ở kế hoạch này, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ thành quận (hoặc TP) trước năm 2025, còn Củ Chi và Cần Giờ thành quận trong giai đoạn 2025-2030.

Cuối năm 2023, Sở Nội vụ TP nhận định đến năm 2030, cả năm huyện không đủ điều kiện lên quận, vì vậy năm địa phương này sẽ chuyển đổi lên TP thuộc TP.

Cuối tháng 6-2024, tại kỳ họp HĐND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong vòng năm năm tới, TP.HCM vẫn giữ nguyên 22 đơn vị hành chính gồm TP Thủ Đức, 16 quận, năm huyện. Các huyện ngoại thành được đầu tư để trở thành đô thị loại III.

Năm huyện lên TP: Thời cơ và thách thức

Dưới góc độ về kinh tế, TS Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý, ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc năm huyện ngoại thành phát triển lên đô thị vệ tinh, sau đó lên TP đa trung tâm sẽ mang lại cơ hội phát triển những mảng, lĩnh vực, vấn đề mà TP.HCM đang cần.

Ví dụ như phát triển thêm những mảng về công nghiệp, dịch vụ, đô thị ĐH, tăng thêm các vai trò của cảng biển, gia tăng thêm sức cạnh tranh chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế TP.

Theo ông Nghĩa, đây cũng là cơ hội để TP phát triển thương mại dịch vụ, tập trung vào công nghệ, năng lực sáng tạo, cung cấp những dịch vụ mang tính chất nghiên cứu nhiều hơn, hàm lượng chất xám nhiều hơn.

Ví dụ, Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM có PPP, TOD hay TP sử dụng nguồn lực nhiều hơn từ thu hút nguồn lực xã hội.

“Những huyện ngoại thành có thể kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực xã hội, cho phép TP.HCM tối ưu thu hồi đất, phát triển dự án kèm theo đó là chuyển đổi quyền sử dụng đất đai như một nguồn vốn để bổ sung… đây là những đóng góp rất rõ khi phát triển năm huyện thành đô thị vệ tinh hay “TP trong TP”” - ông Nghĩa chia sẻ.

Song song với đó là vai trò của TP.HCM trong vùng Đông Nam Bộ, nếu muốn thu hút được đầu tư phát triển cho TP.HCM thì năm huyện này phải có kế hoạch phát triển chiến lược, đảm bảo thu hút dịch chuyển dân cư… tạo điều kiện cho TP.HCM tự tin rằng sẽ đạt được mục tiêu phát triển GDP hai con số.

Theo ông Nghĩa, nhìn ra xa hơn là vấn đề quản trị đô thị của TP.HCM. TP hiện nay hướng đến vừa xây dựng chiến lược phát triển sang khu vực phía đông, phía tây, phía nam, vừa cải cách hành chính, tiếp theo nữa là không gian đô thị TP phải đi vào đô thị hiện đại với việc quản trị “TP trong TP”.

“Việc chuyển hướng đầu tư, hướng phát triển sang năm huyện ngoại thành sẽ giúp TP nhanh chóng hoàn thành mục tiêu để có thể cạnh tranh với các TP khác trong khu vực châu Á. Đó là những điểm căn cơ về mặt vĩ mô để nhìn từ không gian quy hoạch phát triển của năm huyện này” - ông Nghĩa nhìn nhận.

Bên cạnh những cơ hội phát triển vừa kể ở trên, việc chuyển đổi này cũng sẽ mang lại cho TP.HCM không ít những thách thức.

Ông Nghĩa nhận định việc quy hoạch năm huyện lên TP đòi hỏi nguồn lực triển khai rất lớn, TP.HCM có thể đối mặt với năm thách thức lớn trong việc chuyển mình này.

Thứ nhất, tính ưu tiên rất quan trọng, quyết định rất lớn đến sự thành công, nếu không thiết lập được một trình tự bài bản thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, TP.HCM sẽ đối mặt với những khó khăn liên quan đến mức độ chấp nhận rủi ro khi triển khai (rủi ro là về vĩ mô, ngân sách, nguồn lực).

Thứ ba, liên quan đến khả năng sử dụng sáng tạo và vận dụng chính sách hiệu quả để thực thi vấn đề. Chúng ta có Nghị quyết 98 là lợi thế của TP.HCM nhưng sử dụng như thế nào, phán quyết ra sao để triển khai nhanh, đúng mục tiêu, đặt ra thách thức về vận dụng cơ chế, sử dụng ưu thế, sử dụng điều kiện đặc thù của TP.HCM.

Thứ tư, TP đang trong bối cảnh vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thu hút nguồn lực xã hội, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số, lại đang cải cách hành chính, tái cấu trúc cũng là một dạng thách thức tiềm ẩn.

Cuối cùng, có nhiều nhận định cho rằng sự chuyển biến mạnh mẽ trong mô hình phát triển kinh tế của TP.HCM chưa rõ nét so với các địa phương khác, đây cũng là thách thức cho kế hoạch này, đòi hỏi phải có những bước chuyển mạnh mẽ, đột phá, thấy rõ kết quả.

TS Huỳnh Phước Nghĩa nhận định trên thực tế, TP.HCM đã triển khai mô hình TP trong TP nhiều năm qua.

Bài học từ mô hình TP Thủ Đức đã cho thấy rằng chúng ta buộc phải cố gắng đơn giản hóa hệ thống, buộc phải có mô hình TP đủ sức để phát triển mạnh mẽ hơn, buộc phải đơn giản hóa những khía cạnh về thể chế.

Thực hiện chặt chẽ, linh hoạt

Tại hội nghị, công bố Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chiều 4-1. Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển cấu trúc không gian TP đa trung tâm, có TP Thủ Đức giữ vai trò cực tăng trưởng mới, phát triển năm huyện ngoại thành thành hệ sinh thái “làng trong phố, phố trong làng” rất mới, rất hay và bản sắc.

Thủ tướng cũng khẳng định hài lòng với quy hoạch TP.HCM vì đây là quy hoạch có đầu tư công sức, trí tuệ, phát huy vai trò đầu tàu, giá trị biểu tượng luôn luôn đi đầu trong đổi mới, thể hiện rõ tầm nhìn xa trông rộng, tư duy đổi mới, quyết tâm rất lớn.

Quy hoạch đã có, việc của TP.HCM là làm sao để huy động sức mạnh tổng hợp của người dân, doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế. Muốn vậy phải có chiến lược phát triển phù hợp, kết hợp xu thế thời đại với sức mạnh dân tộc.

Cũng tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng thời gian tới, TP.HCM sẽ thực hiện một cách chặt chẽ, đảm bảo khoa học, linh hoạt, phù hợp với quy hoạch tổng thể, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển TP, gắn với liên kết phát triển vùng, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực…

TP.HCM sẽ tập trung khơi thông, tháo gỡ những vướng mắc để phát huy nguồn lực đất đai, xây dựng hạ tầng, tạo động lực mới để TP bứt phá.

TP sẽ phát huy mạnh mẽ Nghị quyết 98 mà Quốc hội đã ban hành, trên tinh thần của Bộ Chính trị đã giao, tiếp tục ban hành các cơ chế vượt trội để thu hút nguồn lực, tăng đầu tư xã hội, tăng hiệu quả đầu tư phục vụ cho phát triển TP theo quy hoạch, ông Nên nhấn mạnh.

Ý kiến chuyên gia

TSKH-KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN

Phải nâng cấp giá trị vật chất chứ không chỉ là tên gọi

TP.HCM ngày càng phát triển lớn mạnh, bằng chứng là quy mô dân số đến nay đã hơn 10 triệu dân. Điều này đặt ra vấn đề về công tác vận hành một đô thị cực lớn như TP.HCM làm sao cho hiệu quả trong bối cảnh mới và việc tổ chức TP.HCM thành đô thị đa trung tâm là một vấn đề tất yếu.

Đa trung tâm nghĩa là TP.HCM sẽ bao gồm những khu đô thị lớn, nhỏ, có khu trung tâm, có đô thị ở phía đông, tây, nam, bắc. Mỗi khu đô thị lớn hay nhỏ này đều sẽ có đầy đủ tiện ích, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giống như nội thành trung tâm.

Nghĩa là người dân không cần chạy vào trung tâm để hưởng các tiện ích đó mà ngay ở khu đô thị họ ở, họ cũng được hưởng các tiện ích tương tự, ông Sơn lý giải.

Theo ông Sơn, để đạt được các tiêu chí này, cách phát triển cho TP.HCM trong thời gian tới sẽ theo hướng đa trung tâm, nghĩa là những dự án phát triển địa ốc, đô thị không chỉ tập trung vào diện tích ở mà nó phải song hành với việc xây dựng tiện ích tại chỗ đi kèm cho những cư dân.

Hiểu đơn giản, trong bán kính khoảng 15 phút đi lại phải có đầy đủ tiện ích trường học, bệnh viện, thể dục thể thao, công viên, dịch vụ thương mại, văn hóa, nhà hát, bảo tàng…

Ở các TP lớn trên thế giới hiện nay đã và đang phát triển theo mô hình này. Điển hình như ở những đô thị của Paris, New York, London, San Francisco… người dân chỉ cần đi bộ khoảng vài trăm mét hoặc đi xe vài phút sẽ có đầy đủ các tiện ích.

Việc của TP.HCM là làm sao mỗi đơn vị dân cư có đầy đủ tiện ích phục vụ người dân, để người dân không phải chạy vào khu trung tâm và những khu TP lớn, TP nhỏ, những khu đô thị được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch TP.HCM vừa được Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM sẽ có hệ thống TP đa trung tâm, trong đó TP Thủ Đức là đô thị loại I, năm huyện ngoại thành là đô thị loại III.

Ông Sơn nhận định Quy hoạch TP.HCM vừa được phê duyệt là mục tiêu TP đang hướng đến và lần nâng cấp này phải mang giá trị vật chất chứ không chỉ đơn thuần là nâng cấp tên gọi. Trong tiêu chí đô thị loại III có tiêu chí về mật độ dân số, tổng số dân, công ăn việc làm, tiện ích hạ tầng… đây là mục tiêu cho việc phát triển của các quận, huyện trong năm năm tới.

Việc phấn đấu để đạt được tiêu chí đô thị loại III là một phần nhỏ trong bức tranh tổng thể, điểm mấu chốt năm huyện ngoại thành cần đạt được là câu chuyện năm huyện này trên con đường trở thành “TP trong TP” sẽ giúp đời sống, kinh tế - xã hội người dân ngày càng tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách, đó mới là mục tiêu chính.

Nếu làm được, chắc chắn TP.HCM sẽ phát triển bền vững - phát triển nhưng không đánh mất đi giá trị về môi trường, không đánh mất di sản, đảm bảo các cơ hội phát triển cho người dân an cư lạc nghiệp.

Tôi cũng kỳ vọng TP Thủ Đức - mô hình TP trong TP đầu tiên của TP.HCM sẽ đóng thêm vai trò bản lề kinh tế nối kết kinh tế TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu…

Đó sẽ là nhân tố thúc đẩy cho TP Thủ Đức vươn mình mạnh mẽ, TP Thủ Đức cũng nên đẩy mạnh phát triển đô thị ĐH, đô thị công nghệ cao, đô thị sáng tạo, đặc biệt xây dựng khu vực trung tâm của Thủ Đức bao gồm cả khu Trường Thọ, Thanh Đa…

KTS KHƯƠNG VĂN MƯỜI, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM:

Giá trị pháp lý cao, khẳng định tiềm năng phát triển cho khu vực

Trong cấu trúc mới, TP.HCM hình thành năm đô thị vệ tinh xung quanh TP, điều này mang giá trị pháp lý rất cao để khẳng định rằng nó sẽ được phát triển.

Ví dụ như trước đây TP Thủ Đức là quận nên việc đầu tư bị giới hạn nhưng từ khi lên TP nó đã thay đổi tất cả hoạt động, kích thích động lực phát triển, thu hút nhà đầu tư, tổ chức sự kiện, khai thác được giá trị quỹ đất.

Hiện nay, phần lớn quỹ đất ở vùng ngoại ô vẫn bỏ trống, không khai phá được giá trị tối đa. Khi thành lập TP vệ tinh sẽ thu hút sự phát triển, hình thành hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên một cấu trúc hoàn chỉnh, từ đó sẽ thu hút nhà đầu tư, giảm áp lực tập trung của TP.HCM, khai thác giá trị tối đa quỹ đất hiện có của các khu vực.

Khi TP.HCM có các cực đô thị như vậy sẽ thu hút đầu tư, giảm áp lực trung tâm.

Sườn bài đã có, việc quan trọng của TP.HCM là phải tổ chức được các nội dung, các chức năng mới ở các vùng trung tâm lẫn bên ngoài những hạ tầng xã hội cơ bản, tạo ra động lực để tạo nên hoạt động mới, chức năng mới để thu hút đầu tư.

Việc hình thành đô thị vệ tinh hay TP trong tương lai đều sẽ tạo nên một hành lang pháp lý rõ ràng, thu hút nhà đầu tư dễ dàng hơn, ông Mười nhận định.

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM:

Nhiều tiềm năng phát triển

Giữa quận/huyện và TP chênh lệch nhau các tiêu chuẩn về đô thị. Huyện là hệ thống hạ tầng nông thôn, TP là hệ thống là tầng đô thị, nó có sự khác biệt rõ rệt.

Khi huyện lên TP thì hệ thống hạ tầng và các tiêu chí khác của đô thị phải đảm bảo, ví dụ như hạ tầng phải đạt 70% so với quy chuẩn của đô thị cùng các tiêu chí khác về dân số, mật độ dân số, công trình…

Nói như vậy nghĩa là bước chuyển này đã phát triển được một hệ thống hạ tầng đô thị ở lãnh thổ, địa bàn vì huyện phải đảm bảo các tiêu chuẩn để chuyển đổi.

Về mặt quản lý, hệ thống chính quyền ở huyện là chính quyền nông thôn, có những vấn đề không phù hợp với chính quyền đô thị.

Khi chuyển một khu vực từ nông thôn lên thành thị bằng quyết định hành chính cũng đã tạo cơ sở về mặt tổ chức, tức bộ máy của đô thị thường mạnh hơn bộ máy của nông thôn về mặt nhân sự, chuyên môn vì khu vực đô thị thường là các khu vực phát triển nên cần quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn.

Việc chuyển đổi năm huyện lên TP có thể hình dung bằng hai cách khác nhau.

Một là chờ sự phát triển đầy đủ của khu vực đó để đạt tiêu chuẩn đô thị thì mới chuyển từ nông thôn lên đô thị - cách tiếp cận mang tính kỹ thuật.

Thứ hai là cách tiếp cận mang tính hành chính, nghĩa là không chờ khu vực đủ tiêu chuẩn thành đô thị mà chuyển ngay chính quyền nông thôn lên chính quyền đô thị, cách này có ưu điểm là chính quyền đô thị mạnh hơn nên quản lý, phát triển đạt lên chuẩn đô thị tốt hơn.

Tóm lại, qua những năm tháng thực hiện mô hình TP trong TP, khi đã quyết tâm thực hiện thì nên xem xét kỹ, mặt tốt đã phát huy đến đâu, mặt trở ngại cho phát triển nên khắc phục thế nào, từ đó sẽ tìm ra bài học cho các TP mới.

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-quy-hoach-5-huyen-thanh-do-thi-ve-tinh-co-hoi-va-thach-thuc-post828610.html