TP.HCM quyết liệt gỡ vướng, tạo đột phá phát triển nhà ở xã hội

nhà ở xã hội, bộ xây dựng, thứ trưởng nguyễn văn sinh, nhà ở xã hội tphcm

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đi kiểm tra thực tế dự án NƠXH Lý Thường Kiệt hôm 11/4.

Thực tế còn nhiều điểm nghẽn

Nhà ở xã hội (NƠXH) được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị của TP.HCM. Thế nhưng trên thực tế, việc triển khai các dự án NƠXH tại thành phố trong nhiều năm qua vẫn vấp phải không ít khó khăn.

Dự án NƠXH Lý Thường Kiệt dự kiến hoàn thành trong năm 2025 nhưng vẫn đang vướng mắc quy hoạch.

Một trong những nguyên nhân lớn nhất đến từ vướng mắc về pháp lý và quy hoạch. Điển hình như tại dự án NƠXH Lý Thường Kiệt (quận 10) do Công ty CP Đức Mạnh làm chủ đầu tư, dù dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, nhưng do khu đất trước đây thuộc đất quốc phòng, chưa cập nhật vào quy hoạch phân khu 1/2000 nên phát sinh một số vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Ngoài ra, việc xác định giá bán NƠXH theo các chính sách mới cũng khiến dự án này và nhiều dự án khác gặp khó khi chi phí đầu vào tăng cao nhưng khung giá chưa điều chỉnh kịp với thị trường.

Quyết liệt tháo gỡ, khơi thông thủ tục

Trước thực tế đó, mới đây Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại các dự án NƠXH trên địa bàn TP.HCM, đồng thời làm việc với lãnh đạo UBND thành phố để đưa ra các giải pháp tháo gỡ.

Làm việc với đoàn công tác Bộ Xây dựng, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM báo cáo, thành phố đang đặt mục tiêu hoàn thành 100.000 căn NƠXH đến năm 2030. Riêng trong năm 2025, thành phố phấn đấu hoàn thành 2.800 căn hộ, khởi công 8 dự án mới với quy mô khoảng 8.000 căn, đồng thời kêu gọi đầu tư thêm 5 dự án lớn với quy mô khoảng 20.000 căn.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin về các dự án NƠXH trên địa bàn thành phố.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm: Để đạt được mục tiêu này, TP.HCM đã quy hoạch hơn 400ha đất dành cho phát triển NƠXH và dự kiến bố trí thêm khoảng 1.000ha trong giai đoạn tới.

Không chỉ tập trung vào phân khúc NƠXH truyền thống, TP.HCM cũng đang khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá hợp lý, nhà ở cho thuê, nhà lưu trú công nhân nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhiều đối tượng khác nhau.

Dự kiến trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư NƠXH lần thứ 2 để tiếp tục thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia thị trường nhà ở xã hội, đồng thời tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định: Chỉ tiêu năm 2025 hoàn thành 2.800 căn NƠXH là chỉ tiêu khiêm tốn trước nhu cầu, quy mô và tốc độ phát triển của thành phố. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị trong năm nay và những năm tới, thành phố không chỉ đặt mục tiêu hoàn thành mà còn hướng tới vượt mục tiêu đề ra.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, TP.HCM cần rà soát lại tất cả các dự án NƠXH đang triển khai, phân nhóm dự án đã đủ điều kiện, dự án đang vướng thủ tục, dự án chưa triển khai… để từ đó có phương án tháo gỡ cụ thể.

Thứ trưởng khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ đồng hành, hỗ trợ thành phố trong việc áp dụng cơ chế mới, đặc biệt là hướng dẫn điều chỉnh giá bán NƠXH, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn trong triển khai dự án, đồng thời hạn chế tối đa tình trạng dự án bị "treo" nhiều năm gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ nhằm hoàn thành chỉ tiêu số lượng, mà quan trọng hơn là bảo đảm chất lượng sống, hạ tầng dịch vụ, môi trường sống văn minh cho người dân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, TP.HCM với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, đang đứng trước áp lực rất lớn về nhu cầu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp. Chính vì vậy, việc phát triển NƠXH phải đi kèm với quản lý chặt chẽ về quy hoạch, không gian sống, hạ tầng giao thông và dịch vụ xã hội đi kèm.

Bài toán nhà ở xã hội cũng là thước đo năng lực quản lý nhà nước, sự vào cuộc của chính quyền trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, nhất là trong bối cảnh Luật Nhà ở, Luật Đất đai sửa đổi đã có hiệu lực.

Nếu tận dụng tốt các cơ chế đặc thù, tăng cường sự phối hợp giữa các sở ngành và đồng hành cùng doanh nghiệp, TP.HCM hoàn toàn có thể không chỉ đạt mà còn vượt chỉ tiêu 100.000 căn NƠXH đến năm 2030, qua đó khẳng định vai trò là đô thị dẫn dắt phát triển nhà ở bền vững của cả nước.

Quang Bảo

Viết Dũng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/tphcm-quyet-liet-go-vuong-tao-dot-pha-phat-trien-nha-o-xa-hoi-19225041309563914.htm