TP.HCM quyết tâm hạn chế đà suy giảm kinh tế
TP.HCM cần tìm kiếm các dư địa để nỗ lực phát triển, cố gắng giữ tốc độ tăng trưởng không suy giảm quá nhiều so với mức 8-8,5% đề ra bằng nhiều giải pháp.
Tại phiên họp kinh tế - xã hội tháng 2 và nhiệm vụ giải pháp tháng 3 của UBND TP.HCM diễn ra sáng nay (3/3), các chuyên gia nhận định, đà suy giảm của kinh tế của TP.HCM có thể còn kéo dài nhưng cũng bắt đầu có những điểm sáng, tín hiệu tích cực để có thể hạn chế, giữ vững tăng trưởng.
Hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng
Phát biểu tại hội nghị, TS. Trần Du Lịch đánh giá, hiện kinh tế thế giới đã sáng hơn so với các dự báo từ cuối năm ngoái, các nền kinh tế lớn không rơi vào cảnh suy thoái, nhưng vẫn còn tình trạng trì trệ, suy giảm…
Theo TS. Trần Du Lịch, các vấn đề lớn hiện nay đối với kinh tế của Việt Nam là sự phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường tài chính và lãi suất ngân hàng cao. Đây là các thách thức rất lớn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2023 là 6,5%.
Trong bối cảnh đó, ông Lịch cho rằng, TP.HCM cần tìm kiếm các dư địa để nỗ lực phát triển, cố gắng giữ tốc độ tăng trưởng không suy giảm quá nhiều so với mức 8-8,5% đề ra bằng nhiều giải pháp. Trước mắt, những khởi sắc cho kinh tế TP.HCM sẽ chưa xuất hiện và thành phố cần tập trung để kết quả của 6 tháng cuối năm bù đắp cho giai đoạn hiện tại.
Đòn bẩy tạo nên sức bật cho thành phố được kỳ vọng là việc Quốc hội sẽ kịp ban hành Nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào tháng 5/2023.
Đồng quan điểm này, TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, quý I/2023 là vệt dài của đà giảm từ năm 2022 và theo dự báo đà giảm này có thể đến đầu quý II.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, để ngăn chặn đà suy giảm và giữ vững tăng trưởng, TP.HCM cần đẩy mạnh, tập trung thực hiện giải ngân đầu tư công, thúc đẩy các dự án hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Còn một số vấn đề vướng ở cấp có thẩm quyền cao hơn, nhưng có một số vấn đề trong thẩm quyền, trong khả năng của UBND TP.HCM có thể làm được, nên cần nhanh chóng nghiên cứu và thúc đẩy thành chính sách cụ thể để kích kinh tế dịch vụ lên, đạo động lực mới cho thành phố”, TS. Trương Minh Huy Vũ nêu rõ.
Nắm bắt ngay các tín hiệu tích cực để tăng tốc sớm hơn
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, trong tháng 2, thành phố đã có nhiều nỗ lực như tập trung gặp gỡ lắng nghe cộng đồng DN để có giải pháp tháo gỡ khó khăn; đầu tư công có chuyển biến tích cực, các hoạt động văn hóa – xã hội sôi động, thu hút đông đảo người dân…Bên cạnh đó, trong tháng vẫn còn nổi lên một số vấn đề cần phải nhìn nhận như sản xuất công nghiệp giảm, số DN rút lui khỏi thị trường cao gấp 3 số DN thành lập mới...
Trong tháng 3/2023, ông Phan Văn Mãi đề nghị các ngành các địa phương và cộng đồng DN cần nắm bắt ngay các tín hiệu tích cực từ kinh tế thế giới, để kết thúc đà suy giảm sớm hơn. Cụ thể, thành phố cần phải tập trung giải quyết cơ bản các vướng mắc mà các doanh nghiệp đặt ra tại các cuộc gặp gỡ, giải quyết dứt điểm.
“Hiện đang có những tín hiệu tích cực cho cộng đồng DN trong nước, khi Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, nếu nắm bắt được cơ hội đà suy giảm sẽ sớm kết thúc tạo lực chi tăng tốc sớm. Thành phố và các DN không chủ quan những phải kịp nắm bắt cơ hội, trong đó có sự đồng lòng, tập trung mới tạo nên hiệu ứng”, ông Mãi chỉ đạo./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tphcm-quyet-tam-han-che-da-suy-giam-kinh-te-post1005249.vov