TP.HCM ra mắt Hệ thống thông tin kinh tế xã hội và phản ánh, kiến nghị của người dân
Ngày 29/4/2022, UBND TP.HCM đưa vào hoạt động Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế xã hội và Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua Tổng đài 1022…
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi công bố Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế xã hội và Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua Tổng đài 1022.
Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), là nền tảng của việc xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh đúng theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.
NẮM BẮT KỊP THỜI, RA QUYẾT ĐỊNH VÀ ĐỊNH HƯỚNG
Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế xã hội bao gồm các nhóm chỉ tiêu áp dụng ở cấp thành phố, quận, huyện, sở, ngành sẽ được chia thành 20 nhóm lĩnh vực với 110 chỉ tiêu cụ thể.
"Công cụ trợ lý ảo có thể tích hợp các chức năng cảnh báo tự động đối với từng đối tượng người dùng. Chẳng hạn, khi sử dụng hệ thống, chuyên viên xử lý yêu cầu 1022 sẽ nhận được lời nhắc các công việc chưa hoàn thành; những yêu cầu của người dân cần xử lý trong tuần, trong tháng cũng sẽ được gửi đến các lãnh đạo."Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Ngoài ra, hệ thống được phân loại theo tháng, quý và năm, các nhóm, chỉ tiêu trên sẽ trình diễn dưới dạng đồ thị, biểu đồ, hình ảnh minh họa infographic. Từ đó, cho phép lãnh đạo UBND TP.HCM đánh giá mức độ tăng/giảm, tỉ lệ hoàn thành so với kế hoạch, so sánh số liệu cùng kỳ hoặc giữa các giai đoạn.
Thông qua Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế xã hội, lãnh đạo UBND TP.HCM có thể đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình hoạt động, hiệu quả kế hoạch công tác, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường để đưa ra các định hướng, quyết định và hành động phù hợp.
Đồng thời, hệ thống cũng được phân quyền về Sở ngành, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, giúp cho lãnh đạo các cấp có thể nắm bắt tổng quan về tình hình phát triển của địa phương, đơn vị.
Hệ thống tổng hợp thông tin kinh tế xã hội được chia thành 20 nhóm lĩnh vực với 110 chỉ tiêu.
Hệ thống cũng được phân quyền về Sở ngành, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức.
Trong khi đó, Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh của người dân thông qua Tổng đài 1022 sẽ cung cấp các thông tin, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị dưới dạng biểu đồ nhiệt, bản đồ GIS thành phố và các khối biểu đồ cột, biểu đồ tròn. Hệ thống này được thể hiện theo từng lĩnh vực, từng đơn vị xử lý (cấp quận, huyện, xã, phường), giúp trực quan hóa tình hình xử lý phản ánh kiến nghị của người dân.
Với Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh của người dân trên, lãnh đạo thành phố và các đơn vị có thể tra cứu, giám sát từng kiến nghị của người dân. Qua đó, theo dõi chất lượng, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, kịp thời ra quyết định điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tổ chức, doanh nghiệp trong thành phố.
Đánh giá đây là hai hệ thống quan trọng của TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đề nghị các Sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức quận, huyện cần tham gia hệ thống với thái độ tích cực. Cụ thể, phải giúp hệ thống có dữ liệu sâu, chính xác, liên tục. Đồng thời, tích cực phản ánh các vấn đề bất cập khi sử dụng một cách liên tục, kịp thời; các yếu tố an toàn và bảo mật thông tin cũng phải được quan tâm.
Theo ông Đức, ở hai hệ thống trên, công cụ trợ lý ảo có thể tích hợp các chức năng cảnh báo tự động đối với từng đối tượng người dùng. Chẳng hạn, khi sử dụng hệ thống, chuyên viên xử lý yêu cầu 1022 sẽ nhận được lời nhắc các công việc chưa hoàn thành; những yêu cầu của người dân cần xử lý trong tuần, trong tháng cũng sẽ được gửi đến các lãnh đạo.
TRUNG TÂM ĐIỀU HÀNH THÔNG MINH IOC BÌNH CHÁNH
Cùng ngày 29/4, UBND huyện Bình Chánh cũng ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Trung tâm Điều hành thông minh huyện Bình Chánh có tổng vốn đầu tư hơn 357 tỷ đồng, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư. Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) TP.HCM là đơn vị đồng hành. Qua 2 tháng thi công, giai đoạn 1 của Trung tâm đã hoàn thành với kinh phí thực hiện trên 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và xã hội hóa.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Bình Chánh sẽ trở thành thành phố phía Tây Nam của thành phố, việc xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế phát triển vượt bậc của TP.HCM.
Trung tâm điều hành thông minh IOC huyện Bình Chánh (đặt tại trụ sở UBND huyện Bình Chánh) được triển khai với nhiều chức năng trên mọi lĩnh vực điều hành quản lý như: Hệ thống phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội; Hệ thống giám sát giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống tiếp nhận phản ánh của người dân; Hệ thống quản lý văn bản điện tử; Hệ thống giám sát camera; Hệ thống giám sát thông tin mạng xã hội; Dữ liệu ngành Giáo dục; Dữ liệu ngành Y tế; Hệ thống quản lý dữ liệu không gian địa lý GIS.
Sau 2 tháng xây dựng, tất cả các lĩnh vực đã được, đưa vào vận hành từ ngày 29/4/2022. IOC huyện Bình Chánh là sự nỗ lực rất lớn từ đội ngũ cán bộ, công chức của huyện Bình Chánh; sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành có liên quan, đặc biệt là việc khẳng định vai trò dẫn dắt chiến lược chuyển đối số quốc gia của Tập đoàn VNPT.
Ông Nguyễn Văn Hổ, quyền Giám đốc VNPT TP.HCM cho biết: Các thông tin, dữ liệu tại Trung tâm Điều hành thông minh huyện Bình Chánh ở 11 lĩnh vực đã sẵn sàng chia sẻ với hệ thống của UBND TP.HCM. Thời gian tới, VNPT sẽ phối hợp với huyện hoàn thiện, làm giàu kho dữ liệu ở các lĩnh vực liên quan.
Được biết ở giai đoạn tiếp theo, huyện Bình Chánh sẽ phối hợp cùng VNPT TP.HCM tiếp tục bổ sung các lĩnh vực mới, cần thiết, trọng tâm trên địa bàn như: Thu thập, tinh chỉnh và hoàn thiện dữ liệu thô, tích lũy và mở rộng dữ liệu theo thời gian để làm giàu kho dữ liệu. Tận dụng hiệu quả dữ liệu sẵn có, đưa vào công nghệ AI, phân tích big data, mô hình dự báo, chủ động, xây dựng các công cụ hỗ trợ ra quyết định; đáp ứng kỳ vọng xây dựng thành công đô thị thông minh…