TP HCM rà soát quỹ đất để xây dựng nhà máy xử lý nước thải

Mỗi ngày thành phố có gần 3 triệu m3 nước thải nhưng chỉ 12,6% trong số đó được xử lý; số còn lại đổ thẳng ra sông, kênh, rạch.

UBND TP HCM vừa có văn bản, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng UBND quận, huyện, TP Thủ Đức về thu gom, xử lý nước thải của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất và dự thảo văn bản cho UBND thành phố xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về thu gom, xử lý nước thải; trình UBND thành phố trước ngày 15-2.

Cống xả nước thải ra kênh Tàu Hũ trên đường Bến Bình Đông, quận 8, TP HCM; Ảnh: Tấn Thạnh

Cống xả nước thải ra kênh Tàu Hũ trên đường Bến Bình Đông, quận 8, TP HCM; Ảnh: Tấn Thạnh

Trong thời gian chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Quyết định 299/2021 về phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải thành phố giai đoạn 2020-2045; Kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030; đặc biệt đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện TP Thủ Đức rà soát quỹ đất, tổ chức cắm mốc tại các vị trí dự kiến xây dựng các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải của các khu dân cư, khu nhà ở, chung cư chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc và các sở, ngành liên quan cùng UBND quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, xác định khu vực không bố trí được mạng lưới thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung/khu dân cư không tập trung. Từ đó, tổng hợp, xây dựng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Đồng thời tiếp tục rà soát, yêu cầu xây lắp công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tổ chức kiểm tra trong quá trình thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân (khi xây dựng mới, cải tạo hoặc sữa chữa nhà ở riêng lẻ).

TP HCM hiện có 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị gồm Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1) công suất 141.000 m3/ngày; Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa công suất 30.000 m3/ngày; Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1) công suất 131.000 m3/ngày và một số trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư.

Mỗi ngày TP HCM có gần 3 triệu m3 nước thải nhưng chỉ 12,6% trong số đó được xử lý. Số còn lại đổ thẳng ra sông, kênh, rạch.

Hiện thành phố mời gọi đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức (khu vực II, III). Cụ thể là dự án nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m3/ngày; trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000m3/ngày; trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000m3/ngày.

PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-tri/tp-hcm-ra-soat-quy-dat-de-xay-dung-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-20230205102710026.htm