Tp.HCM: Rác thải từ nhà dân đến nhà máy, chi phí nào đang 'nhảy múa'?

Vì chưa có đơn giá thống nhất toàn địa phương, nên việc thu tiền rác sinh hoạt tại hộ gia đình ở Tp.HCM vẫn khác nhau giữa các quận, huyện.

Nhà này hỏi nhà kia về tiền rác

Đến đầu tháng 7/2023, thấy tiền rác tăng gần gấp đôi so với trước, chị Hoàng Thị Châu Tường, ngụ quận 1 thắc mắc thì nhân viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1 giải thích, giá dịch vụ thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quận 1 đã có thay đổi từ ngày 1/3.

Theo đó, đối với người dân có khối lượng rác phát sinh không quá 120kg/tháng thì sẽ đóng 66.000 đồng tiền phí thu gom và vận chuyển rác (bao gồm thuế giá trị gia tăng). Cụ thể, tiền phí thu gom là 42.640 đồng, phí vận chuyển là 17.360 đồng, thuế giá trị gia tăng là 6.000 đồng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 1 cho biết, theo quy định trước đây, giá thu gom rác hộ mặt tiền và hẻm chỉ 15.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng, nhưng trên thực tế nhiều nơi thu - trả cao hơn mức giá này.

Thời điểm đó, người dân đóng tiền phí thu gom, còn phí vận chuyển và xử lý rác Tp.HCM chi cho quận huyện bằng tiền ngân sách.

Đến năm 2018, UBND Tp.HCM ban hành quyết định 38 về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Vì thế, người dân phải trả tiền vận chuyển và xử lý rác, bên cạnh tiền thu gom rác.

Giá thu gom rác vào năm 2021 là 364 đồng/kg với phương án thu gom thủ công, 166 đồng/kg với phương án thu gom cơ giới và tiền vận chuyển 227 đồng/kg.

Từ năm 2022 trở đi, giá thu gom vẫn không thay đổi, tuy nhiên tiền vận chuyển sẽ tăng lên 247 đồng/kg và thu thêm một khoản 475 đồng/kg cho chi phí xử lý rác.

Tuy nhiên, phương án tính giá thu gom rác theo ký khiến nhiều đơn vị thu gom gặp khó vì không thể mang cân theo để cân đống rác. Do đó, Tp.HCM đề ra mức giá sàn là 48.000 đồng/hộ/tháng. Từ giá chung này, các quận huyện sẽ căn cứ để xây dựng đơn giá cho địa phương.

Dịch vụ về chất thải rắn tại Tp.HCM được thực hiện qua 3 công đoạn là thu gom, vận chuyển và xử lý.

Dịch vụ về chất thải rắn tại Tp.HCM được thực hiện qua 3 công đoạn là thu gom, vận chuyển và xử lý.

Qua khảo sát, Người Đưa Tin ghi nhận mức thu tiền rác tại các địa phương ở Tp.HCM rất khác nhau.

Tại quận Bình Tân, phường Bình Hưng Hòa A có mức 62.000 đồng/hộ/tháng, còn phường Bình Hưng Hòa B thu 75.000 đồng/hộ/tháng.

Anh Lê Duy, ngụ phường 12, quận 8 cho biết, gia đình anh đóng tiền rác 65.000 đồng/tháng, tăng 40.000 đồng/tháng nhưng trước đó không nhận được thông báo về việc tăng giá này.

Trong khi phường Linh Trung, Tp.Thủ Đức tổ chức thu gom rác 50.000 đồng/hộ/tháng thì tiền rác ở quận 12 là 100.000 đồng/hộ/tháng. Còn ở quận Gò Vấp lại là 60.000 đồng/hộ/tháng. Nhưng ở quận 10 là mức 110.000 đồng/hộ/tháng.

Như vậy, mặc dù tiền thu gom có mức sàn do Tp.HCM đề ra nhưng cộng thêm tiền vận chuyển rác, tiền xử lý rác nên mỗi nơi tại Tp.HCM vẫn có chênh lệch về mức tổng thu/hộ/tháng.

Tại sao tiền rác tăng?

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Võ Thanh Quỳnh Anh, Phó Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên & Môi trường Tp.HCM cho biết, việc thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn Tp.HCM căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường, nghị định hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, 2 đối tượng là hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước hỗ trợ chi phí chứ chưa tính đúng tính đủ. Đối với đối tượng là chủ nguồn thải, cơ sở sản xuất kinh doanh thì Nhà nước thu đúng thu đủ chi phí cả 3 công đoạn là thu gom, vận chuyển và xử lý.

Lý giải việc thu tiền theo từng công đoạn, bà Quỳnh Anh diễn giải, khi đưa một khối lượng từ hộ gia đình đến nhà máy xử lý thì cần phải thu gom từ hộ gia đình đến điểm hẹn, tiếp theo vận chuyển từ điểm hẹn đến các khu liên hợp xử lý rác và cuối cùng các nhà máy xử lý rác theo các công nghệ khác nhau.

Đồng thời, hiện nay, mỗi công đoạn trong quy trình xử lý chất thải rắn có đơn gia định mức khác nhau nên tiền thu cũng khác nhau.

Thậm chí, các công đoạn này được thực hiện bởi các lực lượng khác nhau. Công đoạn thu gom tại nguồn là các hợp tác xã hoặc các đơn vị dân lập. Từng công đoạn vận chuyển và xử lý rác là tổ chức đấu thấu giữa các đơn vị.

Đại diện Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN&MT Tp.HCM thừa nhận, tiền rác đối với các hộ gia đình đã tăng so với trước đây vì bên cạnh tiền thu gom còn thu thêm vận chuyển và xử lý. Đơn giá định mức thay đổi do cập nhật chi phí lao động, nhiên liệu, nguyên liệu,...

Về việc phân cấp địa phương đối với mức giá này, bà Quỳnh Anh đánh giá, công tác ban hành giá dịch vụ cho chất thải rắn vừa phải chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, vừa chấp hành theo pháp luật về giá cả.

Trước đây, Tp.HCM ban hành giá tối đa còn địa phương ban hành giá cụ thể. Lúc đó cũng có tình trạng tiền rác mỗi nơi mỗi khác vì cự ly vận chuyển rác từ mỗi quận, huyện đến nơi xử lý rác là khác nhau.

Nói về giải pháp, bà Quỳnh Anh cho hay: “UBND Tp.HCM đã giao nhiệm vụ cho Sở TN&MT xây dựng giá thu gom, vận chuyển nên chúng tôi đang lấy ý kiến các quận huyện. Hiện nay, có nhiều phương án đang được thảo luận. Hoặc là căn cứ vào cự ly giữa từng nơi đến nhà máy. Hoặc Tp.HCM sẽ thống nhất đơn giá cho từng công đoạn (thu gom, vận chuyển, xử lý) để áp dụng”.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tp-hcm-rac-thai-tu-nha-dan-den-nha-may-chi-phi-nao-dang-nhay-mua-a614324.html