TP.HCM sẵn sàng ứng phó khi có 5.000 ca dương tính với SARS-CoV-2

Đó là cấp độ cao nhất trong các phương án mà TP.HCM đã chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Sở Y tế TP.HCM vừa trình lên UBND TP.HCM 3 phương án ứng phó tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Mỗi phương án sẽ được áp dụng cho từng tình huống với cấp độ tăng dần.

Cụ thể, trong tình huống thứ nhất, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt: số ca nhiễm dao động dưới 100 (tối đa 20 giường hồi sức) thì những bệnh nhân không có triệu chứng hoặc nhẹ và F1 có triệu chứng sẽ được cách ly điều trị ở Bệnh viện (BV) Dã chiến Củ Chi, BV Cần Giờ, BV Nhi Đồng Thành phố.

Cơ quan chức năng phong tỏa hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu do liên quan đến ca nhiễm mới tại quận 3, TP.HCM

Cơ quan chức năng phong tỏa hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu do liên quan đến ca nhiễm mới tại quận 3, TP.HCM

Những trường hợp nặng sẽ chuyển về các khoa, đơn vị hồi sức của BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Đồng Thành phố và Nhi Đồng 2 (trẻ em). Trong tình huống này, TP.HCM chuẩn bị 970 giường, 42 giường hồi sức, 39 giường đặt trong buồng áp lực âm và 42 máy thở tại các bệnh viện: Chợ Rẫy, Dã chiến Củ Chi, Cần Giờ, Nhi Đồng Thành phố, Bệnh Nhiệt đới.

Tình huống thứ hai, khi dịch bùng phát trong cộng đồng, nhưng còn trong tầm kiểm soát, số ca bệnh từ 100 - 1.000 người.

Ngoài các bệnh viện trên, TP.HCM sẽ tăng cường BV Phạm Ngọc Thạch, BV Nhi Đồng 1 và chuyển đổi thêm giường bệnh ở BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Đồng Thành phố với tổng công suất 1.944 giường, 200 giường hồi sức, 66 giường đặt trong buồng áp lực âm và 200 máy thở.

Tình huống nghiêm trọng nhất, trường hợp dịch bùng phát trong cộng đồng, số ca bệnh dao động từ 1.000 - 5.000 người (tối đa 1.000 giường hồi sức): Những trường hợp nhẹ sẽ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến hình thành từ các cơ sở không thuộc hệ thống y tế; những ca bệnh nặng sẽ được điều trị ở các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 như nêu trên và tăng cường các bệnh viện dã chiến ở Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), Nhà triển lãm quận 7, nhà văn hóa thể thao các quận với tổng công suất 5.000 giường, 1.000 giường hồi sức, 55 giường đặt trong buồng áp lực tâm và 1.000 máy thở.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Ảnh: H.T

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Ảnh: H.T

Đối với công tác xét nghiệm, trên địa bàn TP.HCM, ngoài Viện Pasteur TP.HCM và các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành khác còn có 12 bệnh viện, đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2. Sắp tới, dự kiến có thêm 2 bệnh viện được xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.

Ngoài ra, ngành y tế TP.HCM cũng yêu cầu tất cả các bệnh viện hạng 1, 2, 3 còn lại và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xây dựng kế hoạch, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực gửi Viện Pasteur TP.HCM để thẩm định công nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 trong năm nay, bảo đảm mỗi 300 giường phải có một hệ thống xét nghiệm PCR.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tphcm-san-sang-ung-pho-khi-co-5000-ca-duong-tinh-voi-sars-cov-2-n192958.html