TP.HCM sẽ có hình mẫu chuẩn về bồi thường, tái định cư
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án đường vành đai 3 TP.HCM sẽ là hình mẫu cho các dự án sắp tới.
Mới đây, trong chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã khẳng định: TP.HCM sẽ thực hiện thật tốt các chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BTHTTĐC) tại dự án xây dựng đường vành đai 3. Sau đó, TP sẽ xem đây là hình mẫu để áp dụng cho các dự án tiếp theo nhằm đảm bảo cho người có đất bị thu hồi sẽ có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Bốn bất cập nổi cộm trong bồi thường, tái định cư
Đánh giá về công tác BTHTTĐC, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng lâu nay công tác này còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trong đó, có những hạn chế chưa được giải quyết dứt điểm nên kéo dài, dẫn đến người dân có nhiều kiến nghị, khiếu nại.
Cụ thể, theo ông Mãi, có bốn vấn đề bất cập mà TP cũng đã nhận diện sau quá trình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn TP.
Thứ nhất là bất cập giữa giá bồi thường và giá thị trường. Về vấn đề này, Ban Thường vụ Thành ủy đã có Chỉ thị 17 nêu vấn đề cốt lõi sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) là phải làm cho người dân có đất bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Ông Mãi cho rằng đây là quan điểm xuyên suốt của TP trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Chủ tịch UBND TP lý giải thêm về bất cập này là do quá trình BTHTTĐC, TP đã dựa trên một khung pháp lý chung theo quy định của các luật có liên quan. Cùng với đó, thực tế triển khai các dự án, TP cũng đã có những chính sách linh hoạt để giải quyết cho người dân phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo ông Mãi, TP phải tuân thủ quy định chung chứ không thể áp dụng một chính sách riêng, ngoài quy định pháp luật.
“Bất cập này phải được giải quyết đồng bộ từ chủ trương, thể chế. Điều thuận lợi là hiện nay đang trong thời điểm sửa Luật Đất đai và cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương. Vì vậy, chúng ta phải tích cực góp ý sửa luật. Nếu không sửa cái nền thì lần sau sẽ tiếp tục vướng” - ông Mãi nói.
Bất cập thứ hai theo ông Mãi là khâu bố trí quỹ nhà đất TĐC còn có tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và nhiều khi không đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Việc bố trí TĐC quá xa nơi ở cũ đã ảnh hưởng đến sinh kế, học hành và đời sống của người dân.
Thứ ba là công tác định giá để bồi thường, GPMB. Cùng với đó là việc bố trí vốn chưa phù hợp dẫn đến bồi thường kéo dài. Vì vậy, nhiều dự án kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa thể triển khai hoặc chưa hoàn thành. Cuối cùng, theo ông Mãi, chính là thông tin về dự án chưa minh bạch khiến người dân còn thắc mắc, khiếu nại.
Lấy dự án vành đai 3 làm hình mẫu
Theo ông Mãi, các bất cập nêu trên TP đã nhìn thấy. Rút kinh nghiệm từ những bất cập trên, TP sẽ làm tốt hơn công tác BTHTTĐC làm sao đảm bảo được nguyên tắc: Dân TĐC sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đó không chỉ là vấn đề nhà ở đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mà còn phù hợp với nguyện vọng của người dân, gắn liền với sinh kế, học hành và những hỗ trợ khác.
Để giải quyết được các bất cập nêu trên, ông Mãi cho biết sắp tới TP sẽ tập trung góp ý sửa đổi Luật Đất đai. Cùng với đó, khi thực hiện Nghị quyết 18, TP sẽ gắn liền với những cơ chế đặc thù đã được trung ương cho phép TP.HCM áp dụng theo Nghị quyết 54/2017. “Chúng ta phải làm sao để thu hẹp khoảng cách giữa giá bồi thường và giá thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân” - ông Mãi nói.
Về vấn đề TĐC, TP đã chỉ đạo một trong những vấn đề quan trọng là phải điều tra xã hội học, hỏi ý kiến của người dân có đất bị thu hồi để tìm hiểu kỹ tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ông Mãi khẳng định hiện nay khi triển khai dự án xây dựng đường vành đai 3, TP đã chỉ đạo các sở, ngành và quận, huyện phải thực hiện tốt khâu này để hiểu được đặc điểm sinh kế của bà con để từ đó có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
“TP mong muốn việc BTHTTĐC dự án đường vành đai 3 sẽ tạo ra một hình mẫu trong công tác này để tiến hành thực hiện các dự án khác trong thời gian tới. Đối với người dân có đất bị thu hồi, dù TP có bồi thường, hỗ trợ đúng, đủ thì họ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều khi phải thay đổi nơi ăn chốn ở, việc học hành, sinh kế…” - ông Mãi nói.•
Khảo sát lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi
Liên quan đến vấn đề này, trong chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời do Thường trực HĐND TP tổ chức, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP, cũng nhìn nhận trong thời gian qua, TP đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, từng bước khắc phục, hạn chế dần các vướng mắc, tồn tại. Tuy nhiên, thực tiễn cũng rất khó khăn để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người bị thu hồi đất và chủ đầu tư dự án. Trong khi chính sách BTHTTĐC vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc, nhiều thay đổi.
“TP cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng trong một số trường hợp, việc BTHTTĐC, thu hồi đất một số nơi thực hiện còn chậm, còn chưa đảm bảo hoàn toàn theo nguyện vọng của người dân. Dẫn đến phần nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người dân có đất bị thu hồi” - bà Lệ nêu.
Sắp tới, để đảm bảo cuộc sống của người dân TĐC bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, chủ tịch HĐND TP yêu cầu việc tổ chức BTHTTĐC phải chú ý đến công tác điều tra, khảo sát, lấy ý kiến của người dân. Cùng với đó là đánh giá tác động xã hội để xác định phương thức BTHTTĐC phù hợp.
TP cùng các sở, ngành, quận, huyện cần xác định nhu cầu TĐC để có kế hoạch chuẩn bị trước quỹ nhà đất phục vụ TĐC sát với nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí TĐC thì phải hoàn thành bố trí TĐC trước khi thu hồi đất.
Phải đảm bảo 100% người dân bị ảnh hưởng được tiếp cận đầy đủ, thường xuyên các thông tin về chính sách BTHTTĐC và giải quyết việc làm. “Người dân đã hy sinh nơi ăn chốn ở của mình cho sự phát triển của TP thì TP cũng phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn” - bà Lệ nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-se-co-hinh-mau-chuan-ve-boi-thuong-tai-dinh-cu-post699487.html