TP.HCM sẽ gỡ vướng cho nhà đầu tư Singapore
Doanh nghiệp, nhà đầu tư Singapore cam kết làm ăn lâu dài, đồng hành cùng sự phát triển của TP.HCM.
Ngày 19-12, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM tổ chức chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư Singapore năm 2023. Chương trình nhằm lắng nghe, trao đổi trực tiếp với cộng đồng DN Singapore về cải thiện môi trường đầu tư cũng như định hướng hợp tác phát triển trong thời gian tới.
TP.HCM bước sang giai đoạn mới trong thu hút đầu tư
Ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP.HCM, đại diện các DN đề nghị Sở KH&ĐT TP cho biết những ngành nghề cụ thể mà TP ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới. Ông cũng đề nghị TP đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển… để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài.
Trả lời các vấn đề này, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TP, thông tin: Hiện TP.HCM đang tập trung phát triển bốn ngành công nghiệp trọng điểm, tới đây sẽ hướng tới những ngành mới gồm công nghệ sinh học, dược phẩm, tự động hóa, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao… Trong ngắn và trung hạn, TP ưu tiên thu hút đầu tư vào kinh tế số, điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin.
“Chúng tôi hạn chế thu hút các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường” - bà Mai nói.
Bà Mai thông tin thêm Nghị quyết 98 đưa ra danh mục ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược gồm xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, năng lượng sạch, vi mạch điện tử thích hợp… Ngoài ra còn có dự án quy mô từ 50.000 tỉ đồng trở lên như xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Tính đến tháng 11-2023, Singapore là nhà đầu tư số 1 vào TP.HCM với 1,3 tỉ USD.
Mời gọi DN đầu tư nhiều lĩnh vực
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết về ngành nghề cụ thể, địa bàn đầu tư cụ thể đó là Khu công nghệ cao TP.HCM. Tại đây có các trung tâm về đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển… cho các ngành chip bán dẫn, sinh học, vật liệu mới, kể cả hàng không vũ trụ. Đặc biệt ở đây còn có cơ sở ban đầu để nghiên cứu sản xuất các bộ phận trong hàng không vũ trụ.
Về lĩnh vực hạ tầng, TP đang phối hợp triển khai các tuyến đường vành đai, cao tốc kết nối liên vùng. Tiêu biểu như cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ; các đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc kết nối TP.HCM với các địa phương còn lại của khu vực Đông Nam Bộ, ĐBSCL; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai...
Bên cạnh đó, TP.HCM quy hoạch đường sắt đô thị giai đoạn 1 là 220 km, tuyến metro số 1 vay ODA của Nhật Bản xây 20 km, còn lại 200 km đang có kế hoạch sẽ xây dựng đề án từ nay đến năm 2035 hoàn thiện 200 km còn lại.
“Tôi nghĩ Singapore có kinh nghiệm, các cơ quan quản lý của Singapore có thể giúp chúng tôi nghiên cứu hoàn thiện đề án này. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Singapore có thể tham gia đầu tư ở góc độ cung cấp vốn, tham gia trực tiếp xây dựng dự án, quản lý dự án hay vận hành sau này” - Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ.
Ngoài ra, TP.HCM, Singapore bước sang giai đoạn mới trong thu hút đầu tư. Ví dụ trước đây có Khu công nghiệp VSIP, bây giờ sẽ có các khu VSIP thế hệ mới.
Để TP.HCM thật sự là nơi để sống, làm việc lâu dài
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Singapore là một trong những quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại TP.HCM. Theo đó, có 41 câu hỏi, kiến nghị của DN Singapore tập trung vào các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực xây dựng; đất đai; pháp luật; đầu tư; lao động; giao thông vận tải; thuế; hải quan; xuất nhập khẩu.
“Chúng ta có thể trao đổi thấu đáo các vấn đề này. TP mong muốn lắng nghe các góp ý để xây dựng được môi trường chung tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, để TP.HCM thật sự là nơi không chỉ đầu tư mà để sống và làm việc lâu dài” - ông Mãi nói.
Lãnh đạo UBND TP tin rằng với định hướng đầu tư mới, nếu TP huy động đủ nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài thì có thể khai thác tốt cơ hội đầu tư kinh doanh tại TP.HCM, Đông Nam Bộ. Vì vậy, ông mong cộng đồng DN Singapore nghiên cứu để đưa ra quyết định đầu tư kinh doanh.
“Chúng tôi mong muốn tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM thúc đẩy mở rộng quan hệ chính quyền với các DN và chính phủ Singapore. Đồng thời tư vấn để giúp TP phát triển thêm nhiều cơ sở, môi trường tốt cho các DN sản xuất, kinh doanh nói chung” - ông Mãi nói.
Tính đến tháng 11-2023, Singapore là nhà đầu tư số 1 vào TP.HCM với 1,3 tỉ USD. Số lượng các nhà đầu tư Singapore tiếp tục gia tăng.
Cần “một cửa” duy nhất để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Tổng Lãnh sự Singapore tại TP.HCM Kho Ngee Seng Roy phản ánh có những quy định do các sở, ngành đưa ra yêu cầu không rõ ràng, gây vướng mắc cho nhà đầu tư. “Chúng tôi cho rằng có những vấn đề liên quan đến nhiều sở, ngành thì nên thực hiện theo cơ chế “một cửa” duy nhất để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư” - ông đề nghị.
Tương tự, đại diện Công ty Luật Mc Kinsey nhận xét TP.HCM đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có vấn đề đất đai. Tuy nhiên, nhà đầu tư mong được tiếp cận các thông tin về quy hoạch đất đai.
“TP.HCM đang thay đổi với định hướng thu hút đầu tư công nghệ cao, thu hút đầu tư vào lĩnh vực mới. Nhưng thực tế nếu nhà đầu tư muốn tìm hiểu thông tin về quy hoạch, quy hoạch phân khu chức năng… thì khó tiếp cận thông tin” - vị này nêu dẫn chứng.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết đây là vấn đề TP trăn trở, nỗ lực nhưng thời gian qua giải quyết chưa tốt lắm. Năm 2023, TP đã giao cho ITPC là một đầu mối, từ xúc tiến cho đến khi dự án đi vào hoạt động.
Ông đề nghị nhà đầu tư có vấn đề thì thông tin đến ITPC. Từ đây, cơ quan này sẽ tư vấn, kết nối với các sở, ngành, địa phương liên quan trao đổi giải quyết và ITPC theo dõi tiến độ… Sắp tới, TP sẽ nghiên cứu để hoàn thiện một đầu mối này.
“Năm 2023, TP tập trung hệ thống lại, phân nhóm DN của TP, DN đầu tư nước ngoài, DN bất động sản và nhóm DN khác. Tôi và một số phó chủ tịch UBND TP sẽ trực tiếp giải quyết các vướng mắc của các dự án này. Riêng nhóm các dự án bất động sản, Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường trực tiếp phụ trách chỉ đạo. Chúng tôi sẽ giao tổ công tác TP theo dõi, đôn đốc…” - ông Mãi nhấn mạnh.
Về cải thiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, TP tiếp tục rà soát thực hiện tốt hơn. “Tôi đề nghị các cơ quan chức năng của TP.HCM tiếp tục theo dõi, giải quyết dứt điểm, đồng thời giao cho ITPC theo dõi, đôn đốc các vấn đề này” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.•
Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-se-go-vuong-cho-nha-dau-tu-singapore-post767597.html