Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Thông tư 29 đưa dạy thêm vào khuôn khổ chứ không cấm

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, không cấm các hoạt động dạy thêm mà chỉ ban hành quy định làm rõ đối tượng, nội dung, cách thức quản lý. Hoạt động này phải bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, đảm bảo tính tự nguyện, không ép buộc dưới bất cứ hình thức nào.

Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm với các quy định mới, hiện đang nhận được đánh giá tích cực từ xã hội, sẽ có hiệu lực từ ngày 14.2.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc thưởng cho biết, Thông tư 29 quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”.

Thông tư quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy định; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy Thông tư lần này đã bổ sung các các lực lượng (chính quyền các cấp, tổ chức cá nhân có liên quan) cùng tham gia quản lý hoạt động này.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng

Thứ trưởng nhấn mạnh, Thông tư 29 bảo vệ, giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo, của ngành giáo dục, đồng thời giúp các thầy cô thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy. Học sinh chủ động, sáng tạo; thầy cô đóng vai trò định hướng, tổ chức các hoạt động giáo dục, hình thành cho các em thói quen, phương pháp, ý thức tự học và tự học suốt đời. Đây cũng chính là cốt lõi của nền giáo dục Việt Nam.

Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư 29 quy định: tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp…

 Thông tư 29 bảo vệ, giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo, của ngành giáo dục...

Thông tư 29 bảo vệ, giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo, của ngành giáo dục...

Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng.

Do đó, Bộ GD-ĐT không cấm. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời gian làm việc, an toàn, an ninh...

Dạy thêm, học thêm ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội với vấn đề này. Do đó, cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, thay đổi, đổi mới bao giờ cũng khó khăn, khó tiếp nhận. Tuy nhiên, những gì Thông tư quy định dạy thêm, học thêm đang hướng tới là vì một nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp. Do vậy, dù bước đầu khó khăn, song mong rằng, ngành giáo dục, địa phương, phụ huynh học sinh và cả xã hội có sự đồng lòng, quyết tâm trong triển khai Thông tư mới.

Quốc Việt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thu-truong-bo-gd-dt-thong-tu-29-dua-day-them-vao-khuon-kho-chu-khong-cam-post404419.html