TP.HCM sẽ làm du lịch trên toàn tuyến sông Sài Gòn
TP.HCM đặt mục tiêu phát triển du lịch thủy trên toàn tuyến sông Sài Gòn, đến năm 2030, đây sẽ là sản phẩm du lịch khác biệt của địa phương.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023 - 2025. Mục tiêu đến năm 2025, du lịch đường thủy tiến đến khai thác trên toàn tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô.
UBND TP nhìn nhận doanh thu du lịch từ tàu biển trên địa bàn trong 2 năm qua đạt 500 tỷ đồng/năm. Dự kiến, doanh thu tiếp tục tăng 12% trong những năm tiếp theo với lượng khách đạt khoảng 100.000 lượt.
TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch khác biệt của địa bàn. Đến năm 2025, số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đặt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại.
Dự kiến, TP.HCM khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông. Số lượng khách du lịch đường thủy trong hai năm tới đạt khoảng 500.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Tương tự, mục tiêu doanh thu du lịch đường thủy đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.
TP.HCM đặt nhiệm vụ trọng tâm cho từng giai đoạn 2023 - 2024 và 2024 - 2025 lần lượt là cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có và đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy mới.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy nhằm cung cấp thêm các dữ liệu về lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng về các hệ thống sông, kênh, rạch gắn với các tuyến du lịch đường thủy; xây dựng bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS…
Mạng lưới giao thông đường thủy TP.HCM gồm 101 tuyến, tổng chiều dài 913km, trong đó có nhiều loại hình vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy.
Với lợi thế 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp, dòng chảy đã tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết nối với các tỉnh lân cận: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, TP.HCM có nhiều tiềm năng khai thác giao thông thủy kết hợp phát triển nhiều loại hình du lịch đường thủy nội địa.
Hôm 4/8, TP.HCM khai mạc lễ hội sông nước lần thứ nhất năm 2023 với chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện”. Lễ hội được thực hiện tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch, công nghệ ánh sáng; với sự tham gia của gần 700 diễn viên, nghệ nhân.
Qua hơn 300 năm lịch sử TP.HCM, dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp. Điều đó, làm nên đặc trưng riêng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, đô thị ven sông không chỉ gắn với phù sa mà còn dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập.
Đầu thế kỷ XX, nhiều con kênh thông với sông Sài Gòn bị san lấp để xây dựng chợ búa (Bến Thành, Bình Tây...). Nhiều thập niên sau đó, loạt ao hồ và rạch suối lớn nhỏ ở khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dần dần bị lấp làm đất ở.
Nhiều năm qua, việc khai thác quỹ đất, không gian sông nước của sông Sài Gòn để phục vụ lợi ích công cộng, phát triển kinh tế, du lịch chưa hiệu quả. Đến nay, TP vẫn chưa có quy hoạch tổng thể bài bản về sông Sài Gòn và chủ yếu còn manh mún.