TP.HCM: Tăng cán bộ, công chức phường, xã, giảm áp lực cho cấp cơ sở
TP.HCM cụ thể hóa thêm ba nghị quyết quan trọng từ cơ chế mà Nghị quyết 98 trao cho, tạo khung pháp lý làm cơ sở để cấp xã, khu phố ấp làm căn cứ thực hiện, giảm áp lực cho cấp cơ sở.
Kỳ họp thứ 14, HĐND TP.HCM khóa X diễn ra sáng 14-3 đã thông qua 22 nghị quyết quan trọng. Trong đó có ba nghị quyết cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98; năm nghị quyết về nhân sự; 14 nghị quyết liên quan nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Phường, xã, thị trấn có không quá ba phó chủ tịch
Đại biểu HĐND TP.HCM đã thông qua dự thảo Nghị quyết về tiêu chí, tiêu chuẩn, cơ cấu, định mức đối với số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn thuộc TP.HCM theo Nghị quyết 98, có hiệu lực từ ngày 1-4.
Cụ thể, phường, xã, thị trấn có dân số từ 30.000 người trở lên được tăng thêm một công chức; từ 50.000 người trở lên được tăng thêm một phó chủ tịch UBND, hai công chức và hai người hoạt động không chuyên trách; từ 100.000 người trở lên được tăng thêm một phó chủ tịch UBND, ba công chức và ba người hoạt động không chuyên trách.
TP.HCM cũng cho phép tăng thêm một công chức và một người hoạt động không chuyên trách cấp xã nếu phường, xã, thị trấn có từ 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh trở lên hoạt động trên địa bàn hoặc có từ 200 cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện trở lên và nơi có diện tích tăng thêm 100% so với diện tích theo quy định.
Nghị quyết HĐND TP.HCM cũng quy định cơ cấu, định mức số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn.
Phường thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị được giao ba công chức giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch UBND và 12 công chức đảm nhiệm các chức danh chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường, văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội.
Xã, thị trấn loại I được giao 12 công chức và xã, thị trấn loại II được giao 10 công chức.
Phường, xã, thị trấn loại I có 19 người đảm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; phường, xã, thị trấn loại II là 18 người; phường, xã, thị trấn loại III là 16 người.
HĐND TP.HCM cũng nêu rõ nguyên tắc UBND phường, xã, thị trấn có dân số từ 50.000 người trở lên có không quá ba phó chủ tịch.
Các phường, xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030 chưa thực hiện bố trí tăng thêm để tránh xảy ra việc dôi dư cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp.
Bổ sung 39 phó chủ tịch phường, 12 phó chủ tịch xã
HĐND TP cũng thống nhất việc giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn thuộc TP.HCM năm 2024 theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế, đặc điểm địa bàn.
Tại 80 phường thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2030, HĐND TP.HCM giao 480 cán bộ, 1.200 biên chế công chức hành chính và 1.052 người hoạt động không chuyên trách.
Từ năm 2024 đến 2026, tại 169 phường tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131/2020, HĐND TP.HCM giao 1.037 cán bộ; 2.765 biên chế công chức hành chính và 3.345 người hoạt động không chuyên trách.
Trong đó, giao bổ sung 230 biên chế công chức hành chính làm việc tại phường năm 2024, gồm 39 phó chủ tịch UBND phường tăng thêm theo quy định của Nghị quyết 98 và Nghị quyết 191 biên chế công chức hành chính làm việc tại phường tăng thêm theo dân số, hoạt động, kinh tế và đặc điểm địa bàn.
Như vậy, TP Thủ Đức và bảy quận được tăng thêm phó chủ tịch UBND phường. Cụ thể, quận 12 và quận Bình Tân được tăng thêm chín phó chủ tịch; TP Thủ Đức và quận Gò Vấp được tăng thêm bảy phó chủ tịch phường; quận 8, quận Tân Bình, quận Tân Phú tăng thêm hai phó chủ tịch phường và quận Bình Thạnh tăng thêm một phó chủ tịch phường.
Cũng trong giai đoạn 2024-2026, tại 63 xã, thị trấn thuộc năm huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, HĐND TP.HCM giao 705 cán bộ, 805 công chức và 1.235 người hoạt động không chuyên trách.
Trong đó, giao bổ sung 12 phó chủ tịch UBND xã, thị trấn tăng thêm theo cơ chế của Nghị quyết 98 và Nghị quyết 57 công chức làm việc tại xã, thị trấn tăng thêm theo dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn.
Cạnh đó, HĐND TP cũng quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở khu phố, ấp; người trực tiếp tham gia hoạt động ở khu phố, ấp và mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, mức kinh phí hoạt động của khu phố, ấp trên địa bàn TP.
Đây là ba cơ chế, chính sách được HĐND TP.HCM cụ thể hóa theo cơ chế của Nghị quyết 98, tạo khung pháp lý làm cơ sở để cấp xã, khu phố ấp làm căn cứ thực hiện; các đoàn thể - xã hội tại khu phố, ấp duy trì các hoạt động; xây dựng lực lượng nòng cốt của hệ thống chính trị cơ sở phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Đầu tư 240 tỉ đồng cho hệ thống camera giám sát
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM đã biểu quyết thông qua nghị quyết về thực hiện sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn TP.HCM theo quy định của Trung ương.
HĐND TP thống nhất chủ trương sắp xếp với tổng số khu phố, ấp thành lập mới là 4.861, giảm 20.000 người làm việc.
Ngoài ra, HĐND cũng đồng ý cho việc chi gần 240 tỉ đồng để đầu tư hệ thống camera giám sát, hệ thống điều khiển giao thông linh hoạt trên địa bàn; chi 157 tỉ đồng để cải tạo cảnh quan trước chợ Bến Thành; chấp thuận chủ trương thu hồi đất với 31 dự án trong năm 2024, trong đó có các dự án trọng điểm như cầu đường Nguyễn Khoái, rạch Xuyên Tâm, đường vành đai 2...
HĐND TP cũng thông qua nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn ngân sách địa phương, điều chỉnh tăng vốn hơn 3.700 tỉ đồng. Đồng thời, thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; quyết định bổ sung 7.200 tỉ đồng từ nguồn thưởng vượt dự toán thu năm 2022 phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù…
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết HĐND luôn đồng hành, chia sẻ, trách nhiệm và chủ động phối hợp với UBND TP để kịp thời giải quyết những nội dung, công việc đột xuất trong công tác quản lý nhà nước và cụ thể hóa các chủ trương, tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 của Quốc hội để tạo các đột phá chiến lược, tiếp tục tập trung phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để TP phát triển.
Trên cơ sở các nghị quyết đã được thông qua, bà yêu cầu UBND TP.HCM quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nghị quyết.
Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng yêu cầu UBND TP chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan nâng cao trách nhiệm, phối hợp tốt trong thực hiện nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt các dự án, chương trình để sớm triển khai thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP theo kế hoạch đề ra.
Các ban của HĐND TP tiếp tục nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong các hoạt động giám sát, khảo sát, nhất là khảo sát nắm tình hình việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND TP, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri.•
Giám đốc Sở Nội vụ được bầu làm phó chủ tịch HĐND TP.HCM
Tại kỳ họp này, HĐND TP.HCM cũng thông qua năm nghị quyết về nhân sự. Cụ thể, cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP đối với đại biểu Tô Thị Bích Châu do đã chuyển công tác về Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Miễn nhiệm chức danh phó Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP của đại biểu Trần Hải Yến do chuyển công tác.
Miễn nhiệm chức vụ ủy viên UBND TP.HCM và tiến hành bầu nhân sự phó chủ tịch HĐND TP.HCM đối với Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân.
Bổ sung ủy viên UBND TP.HCM đối với bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.