TP.HCM: Tăng tốc chi trả hỗ trợ cho người dân khó khăn

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị các sở, ngành cần đẩy nhanh tốc độ xem xét, chi trả hỗ trợ cho người dân, người lao động đủ điều kiện.

Ngày 21-9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị tăng tốc chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch. Ảnh: LÊ THOA

Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị tăng tốc chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch. Ảnh: LÊ THOA

Ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ chi trả

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết đã ghi nhận và đánh giá cao việc các sở, ngành chủ động triển khai công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.

Bà Tuyết cũng đề nghị các sở, ngành cần đẩy nhanh tốc độ xem xét, chi trả hỗ trợ cho người dân, người lao động đủ điều kiện; nhất là nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết nhanh chóng.

Đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM thông tin: Khi TP kiểm soát được dịch, bước vào trạng thái bình thường mới thì dự kiến số doanh nghiệp vay vốn sẽ rất nhiều. Vì vậy, ngân hàng đã xác định số lượng lớn doanh nghiệp cần vay và có phương án bố trí cán bộ tiếp cận hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo vị đại diện này, nhiều đối tượng vay vốn là hộ nghèo, gia đình chính sách là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Do vậy, đơn vị này sẽ có biện pháp hỗ trợ, nhất là các trường hợp khách hàng là F0, F0 mất việc với các biện pháp đề xuất giảm lãi, giãn nợ, khoanh nợ…

Đề nghị cộng điểm cho thí sinh thi cùng phòng với F0

Tại buổi làm việc, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị xem xét kiến nghị của cử tri về việc cộng từ 0,5 đến 2 điểm đối với các thí sinh bị ảnh hưởng tâm lý khi thi cùng phòng với F0 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.

“Nhiều trường hợp các em không được về nhà, phần nào ảnh hưởng đến điểm thi của các em” - ĐB Ngân nói.

Nhiều ngành lên kế hoạch phục hồi

Bên cạnh đó, các ĐBQH còn đặc biệt quan tâm đến kế hoạch phát triển, phục hồi của các ngành sau khi TP nới lỏng giãn cách.

Trao đổi với ĐBQH về chiến lược phục hồi phát triển sau dịch, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho biết sở đã tham mưu UBND TP, ban hành các bộ tiêu chí để sản xuất, kinh doanh, làm việc trong điều kiện an toàn đối với bốn nhóm.

Sở Công Thương cũng tham gia tham mưu kế hoạch phục hồi kinh tế, có nhiều giải pháp liên hoàn hỗ trợ kinh doanh như giảm chi phí, chăm lo đời sống người lao động, hỗ trợ mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối cung - cầu, công tác an sinh xã hội, đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực, hàng hóa cho người dân…

Trước ý kiến về việc khôi phục nhanh cơ sở giáo dục được trưng dụng làm nơi cách ly, trạm thu dung, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hoài Nam cho hay sở đã có phương án mở lại trường học hòa chung với chiến lược mở cửa chung của TP với đầy đủ các tiêu chí an toàn, chẳng hạn như tiêm đủ hai mũi vaccine cho giáo viên.

Theo ông Nam, ngành giáo dục có 1.253 trường học được trưng dụng làm cơ sở y tế, cần lấy lại sửa chữa mới mở lại trường học. Vừa qua, sở đã có kiến nghị với HĐND TP, UBND TP chuẩn bị tiền dự phòng để sửa chữa. Tuy nhiên, đối với các cơ sở được huy động làm các bệnh viện dã chiến, hiện không thể vào xem hư hỏng gì để dự toán và cũng chưa biết sử dụng đến bao giờ. Ngoài ra, sở cũng có kiến nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh mới quay lại trường.

Về kế hoạch học trực tuyến, ông Nam cho hay Sở GD&ĐT có phương án tinh giản nội dung chương trình, giảm bớt thời lượng học trực tuyến. “Thay vì học trực tiếp là 45 phút thì trực tuyến sẽ giảm còn 20-30 phút” - ông Nam nói.

Triển khai hoạt động du lịch với khách có thẻ xanh COVID

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị cần đào tạo kỹ năng cho hướng dẫn viên du lịch trong điều kiện có dịch.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết từ ngày 16-9 đến 31-10, ba lĩnh vực của ngành gồm lữ hành, lưu trú, điểm du lịch không được hoạt động như bình thường mà nhiều nơi dùng làm nơi cách ly y tế. Thời gian qua, ngành du lịch tuân thủ tiêu chí tiêm đủ hai mũi vaccine cho người lao động, đảm bảo phủ thẻ xanh COVID; rà soát nguồn nhân lực và các sản phẩm để chọn thí điểm tại vùng xanh.

Từ ngày 31-10 đến 15-1-2022, hoạt động du lịch sẽ được triển khai đối với khách có thẻ xanh COVID, tiêm đủ hai mũi vaccine, xét nghiệm định kỳ, kể cả với nhân viên phục vụ. Giai đoạn này, ngành du lịch TP chỉ tập trung các hoạt động tham quan ngoài trời tại vùng xanh như du lịch sinh thái, dã ngoại, về nguồn…

Còn từ ngày 16-1-2022, TP sẽ khôi phục toàn bộ sản phẩm du lịch trên địa bàn, kèm với kiểm soát chặt quy định phòng dịch.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tphcm-tang-toc-chi-tra-ho-tro-cho-nguoi-dan-kho-khan-1016890.html