TP.HCM tạo cú hích lớn đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế xanh và phát triển bền vững.
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Công điện 34/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch, với mục tiêu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hai con số của thành phố.
Đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch hàng đầu Đông Nam Á
Kế hoạch nhấn mạnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương xác định rõ thúc đẩy phát triển du lịch, để du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng của Thành phố.
Theo kế hoạch, TP.HCM xác định mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đô thị văn minh và nâng cao ý thức cộng đồng.
Ngành du lịch thành phố sẽ hướng đến tính chuyên nghiệp cao, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; cung cấp các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á, một điểm đến đẳng cấp, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, TP.HCM đề ra nhiều nhóm giải pháp trọng tâm.
Trước hết là đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; chủ động triển khai chương trình kích cầu du lịch từ năm 2025.
Trong đó, thành phố sẽ chú trọng quảng bá sản phẩm du lịch thông qua ứng dụng công nghệ 4.0 như truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, các Trạm Thông tin du lịch và Hỗ trợ du khách. Tổ chức các chương trình kích cầu du lịch quy mô lớn nhằm thu hút khách trong và ngoài nước đến thành phố, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Phát triển Du lịch thông minh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm thu hút du khách trở lại và nâng cao hiệu quả công tác kích cầu.
Nâng tầm các sự kiện du lịch định kỳ hiện có, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thêm nhiều sự kiện thường niên quy mô lớn, hướng đến mục tiêu đưa TP.HCM trở thành điểm đến của các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư để nâng cấp hạ tầng giao thông, cảng biển, cầu tàu, bến bãi phục vụ phát triển du lịch, thông qua các hình thức hợp tác công tư (PPP) hoặc xã hội hóa. Đồng thời, tập trung phát triển các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, mua sắm và các khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, quy mô lớn tại những khu vực được xác định là động lực phát triển du lịch của thành phố, nhằm tạo dựng thương hiệu và những điểm đến hấp dẫn cho ngành.

Du khách trải nghiệm xích lô tại khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
Kêu gọi đầu tư trung tâm mua sắm miễn thuế
UBND TP.HCM giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường quản lý điểm đến, kiểm soát sức chứa tại các khu, điểm du lịch, đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường du lịch.
Sở Du lịch cũng cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ và môi trường tại các điểm đến. Đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm tạo dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và mến khách.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Du lịch và các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình mua sắm tập trung, mua sắm trực tuyến và các chương trình khuyến mãi kết hợp với kích cầu du lịch.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cần tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng các tổ hợp mua sắm hiện đại, trung tâm mua sắm miễn thuế, khu mua sắm đặc sản và hàng Việt Nam chất lượng cao phục vụ du khách, nhằm tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của họ.
Sở Xây dựng tham mưu việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư thực hiện những dự án du lịch quy mô lớn.
UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý hiệu quả các điểm đến du lịch trên địa bàn.
Các địa phương này cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; phòng chống các hiện tượng tiêu cực như đeo bám, lừa đảo du khách.
Trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND TP.HCM bố trí nguồn kinh phí để triển khai Kế hoạch phát triển du lịch này theo đúng quy định.
Theo Công điện số 34/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2025 đặt mục tiêu tăng tốc phát triển du lịch, phấn đấu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch dự kiến tăng trưởng 12% - 13% so với năm 2024.
Mục tiêu này nhằm tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đóng góp hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của đất nước đạt từ 8% trở lên.
Qua đó, góp phần tăng tốc, tạo đà cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở các giai đoạn tiếp theo, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trong đó, Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của địa phương; chịu trách nhiệm toàn diện, tăng cường công tác quản lý nhà nước toàn diện về du lịch và quản lý điểm đến du lịch trên địa bàn.
Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, Công điện cũng yêu cầu thực hiện thanh toán điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trường hợp không thực hiện sẽ bị thu hồi giấy phép hoặc cấm kinh doanh.