TP.HCM tạo điều kiện để hàng hóa các tỉnh miền Tây vào siêu thị, chợ
Hội nghị kỳ vọng tạo ra mục tiêu mới cho sự gắn kết hợp tác chặt chẽ hơn để TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cùng nhau phát triển.
Ngày 15-1 lãnh đạo TP.HCM và các doanh nghiệp TP.HCM đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL về kết nối tiêu thụ hàng hóa.
Tại đây Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi chính sách "Zero COVID" trong khi Việt Nam đang thực hiện Nghị quyết 128, nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình này, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp đã chủ động liên hệ TP.HCM để cùng nhau phối hợp, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Theo đó, bà Thắng đề nghị lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các DN sản xuất và xuất khẩu TP.HCM đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu. Các tỉnh tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước và từng bước chuyển nhanh hoạt động xuất khẩu theo hình thức chính ngạch.
Ngoài ra các tỉnh mua bán hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận hàng hóa rõ ràng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, để tạo lập một khu vực thị trường mới, quy mô lớn, ổn định lâu dài cho DN TP.HCM.
Lãnh đạo các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp Sở Công Thương TP.HCM triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho các Hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thực hiện theo chuẩn VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc…và các điều kiện tuân thủ cam kết với đối tác, với người tiêu dùng.
TP.HCM giao cho Sở Công Thương và các tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ký kết.
“Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của thành phố; tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã các tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại tại TP.HCM trong thời gian tới”- bà Thắng nhấn mạnh.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, rất lo sau dịch COVID-19 thị trường trầm lắng, nếu không tạo ra sự kết nối, liên kết để vực dậy thì địa phương, đặc biệt là nông dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi vừa qua nông sản bị ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc.
Qua hội nghị kỳ vọng tạo ra mục tiêu mới cho sự gắn kết hợp tác chặt chẽ hơn để TP.HCM, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cùng nhau phát triển, đi xa hơn. Đồng Tháp sẵn sàng chào đón nhà đầu tư đến bất cứ lúc nào trong thời gian tới.
Ký kết 22 biên bản hợp tác
Tại hội nghị diễn ra lễ kí kết 22 biên bản hợp tác giữa các DN bán lẻ, sản xuất, thương mại điện tử TP.HCM với các hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp.
Cụ thể Công ty TNHH TMDV XNK T&T, Công ty CP Thực phẩm Cholimex, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, Công ty TNHH San Hà kí kết xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Đồng Tháp.
Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Tổng hợp Vincommerce, Công ty CP Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam, Công ty CP Tiki, Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Nông sản Hóc Môn.
Liên Hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ, Công ty CP Quản lý và Kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức, Công ty TNHH MM Mega Market kí kết tiêu thụ hàng hóa phục vụ tết.
Đặc biệt, Công ty CP Tập đoàn Vinatech Việt Nam, Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh, Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam kí kết về nguồn hàng hóa phục vụ tết và logistics.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Đồng Tháp ký kết về phát triển thương mại điện tử và thu mua hàng hóa với Công ty CP Tiki, Công ty CP Công nghệ Sendo, Hội Công nghệ cao, Big C. Sở Công Thương TP. HCM ký với Sở Công Thương Đồng Tháp.