TP.HCM thay đổi phương thức xét nghiệm, nỗ lực cắt đứt đường lây nhiễm Covid-19
Cùng với kịch bản chống dịch đã chuẩn bị với 5.000 ca mắc, TP.HCM đã thay đổi phương thức xét nghiệm để sớm tìm ra ca bệnh, cắt đứt đường lây nhiễm Covid-19.
Tính đến 18h tối 18/6, số ca bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại TP.HCM đã lên đến hơn 1.346 trường hợp. TP.HCM đang đối mặt với đợt dịch phức tạp khi số lượng nhiễm lớn, độ lây lan cao với hàng chục ca mắc và các chuỗi chưa rõ nguồn lây.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế để hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, trong thời gian vừa qua, thành phố đã làm rất tốt công tác khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, xử lý nhanh khi có ca nhiễm, từ xét nghiệm diện vùng gần tâm dịch cho đến mở rộng các khu vực xung quanh.
Hiện TP.HCM bắt đầu triển khai quét nhiều lần với test nhanh kháng nguyên, xét nghiệm mẫu gộp, mẫu đơn, tận dụng mọi năng lực xét nghiệm thì việc phát hiện sớm ca bệnh thì sẽ được thực hiện một cách nhanh hơn so với thời điểm trước đây.
“Sử dụng test nhanh để quét ngay tại vùng có ổ dịch, đối tượng tiếp xúc gần, Test nhanh thì chỉ mất thời gian 2-3 giờ đồng hồ, khi dương tính thì cách ly rồi test RT-PCR để khẳng định. Đối với những người âm tính thì sẽ sử dụng test mẫu gộp để test qua một lần nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu rõ.
Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP.HCM cho biết, đối với SARS-CoV-2 khi lây lan ra cộng đồng thì khoảng 70% là có triệu chứng, vì vậy giám sát tại các địa bàn đông dân cư bắt buộc phải tập trung vào các đặc điểm “có triệu chứng”. Chính vì “có triệu chứng” mà hiện nay các bệnh viện qua sàng lọc xác định được người mang virus SARS-CoV-2, từ đó truy ngược trở lại trong cộng đồng tìm các diện tiếp xúc và lần ra chuỗi lây trong thời gian nhanh nhất.
“Thành phố sau khi họp với tổ thường trực đã ra quy định là trong vòng 1-2 giờ sau khi phát hiện ca nhiễm phải xác định được F1 và trong 6-10 tiếng phải xét nghiệm xong. Như vậy trọng tâm là các ca F1, khi F1 xác định một cách nhanh chóng, chúng ta sẽ giải quyết rất nhanh”, Giáo sư Phan Trọng Lân nêu rõ.
Tiếp cận nhanh nhất F0 “lang thang”
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện nay mầm bệnh đang âm thầm lây lan trong cộng đồng. Khi tổ chức ngăn chặn nguồn lây của các trường hợp liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng thì đã truy tìm được gần hết, thậm chí cách ly cả các vòng lây nhiễm thứ 3, thứ 4 và không có trường hợp nào xuất hiện bên ngoài mà liên quan đến chuỗi này, số ca cũng giảm dần. Tuy nhiên, thực tế là vẫn phát hiện các trường hợp mới.
Thành phố đang tập trung xét nghiệm tầm soát những khu vực nguy cơ, đặc biệt lưu ý có những khu vực có trường hợp đã có ca bệnh mở rộng thêm, chứ không phải có mầm bệnh âm thầm thì lấy hết toàn bộ người dân.
“Làm sao để chúng ta đánh đúng mục tiêu, thì nhắm vào các vị trí đang có dấu hiệu nguy cơ. Ví dụ như hiện nay ở Hóc Môn chẳng hạn, đang lây lan những chùm ca ở khu dân cư hoặc những chợ truyền thống nhỏ lẻ, chúng tôi đã tiến hành phối hợp với Hóc Môn để tầm soát ở khu vực chợ truyền thống, khu vực bán lẻ”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết.
Với chiến lược truy vết thần tốc, lấy mẫu tầm soát mở rộng, ngoài xét nghiệm F2 thì F3 cũng được xét nghiệm, nên số lượng mẫu bệnh phẩm đang chờ xét nghiệm còn rất nhiều.
Theo HCDC, đến ngày 17/6, còn 841 mẫu F1 chưa có kết quả, 8.567 mẫu F2 chờ kết quả, còn những trường hợp tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm hiện vẫn còn 39.185 mẫu chờ kết quả. Như vậy, còn hơn 50.000 mẫu đang chờ kết quả, một gánh nặng cho ngành y tế TP.HCM.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện thành phố phát huy hết công suất thực hiện xét nghiệm của các cơ sở y tế thuộc thành phố (công suất 14.300 mẫu/24 giờ), phối hợp cơ sở y tế trung ương như Viện Pasteur, Bệnh viện Chợ Rẫy, Đại học Y dược TP.HCM (công suất 3.800 mẫu/24 giờ) và một số bệnh viện tư nhân (công suất 1.900 mẫu/24 giờ). Đảm bảo cung ứng đầy đủ sinh phẩm xét nghiệm PCR và xét nghiệm nhanh.
Hiện các bệnh viện hạng 1,2,3 cũng đang được rà soát để triển khai xét nghiệm khẳng định, đảm bảo mỗi nơi 300 giường phải có 1 hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học cho rằng, hiện máy móc phục vụ xét nghiệm, nhân sự tham gia gần như thành phố huy động tối đa, có tăng thêm cũng không đáng kể, không giải quyết được hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm đang ứ đọng.
Việc đưa test nhanh vào, sử dụng đúng mục đích giúp cuộc chiến khoanh vùng dịch sớm nhất có thể, tầm soát được F0 đang “lang thang” ngoài cộng đồng. Càng nhiều cơ sở có thể làm được test nhanh thì càng giúp các F0 “lang thang” tiếp cận được xét nghiệm dễ nhất, gần nhất.
“Chúng ta phải huấn luyện cho được cách lấy mẫu, vì cách lấy mẫu PCR và test nhanh kháng nguyên hoàn toàn khác nhau. Cách lấy que giống nhau nhưng khi bỏ vào môi trường làm test nhanh kháng nguyên thì phải xoay que lấy đó để nó tan kháng nguyên ra môi trường, ép đầu que vô thành ống, trong khi đó lấy cho PCR thì để vào đó rồi thôi”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.
Để hướng dẫn và tháo gỡ các vướng mắc về an toàn sinh học, quản lý chất lượng và công tác lấy mẫu trong việc triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên nhằm tăng công suất xét nghiệm chống dịch tại TP.HCM, Viện Pasteur cũng đã phối hợp cùng Sở Y tế TP thực hiện tập huấn trực tuyến công tác xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho 125 bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc khống chế được dịch chỉ thực hiện được khi và chỉ khi TP.HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp giãn cách xã hội nghiêm túc, cùng với các chiến thuật về khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm phù hợp. Nếu người dân tiếp tục tụ tập đám đông, không tuân thủ nghiêm Chỉ thị 15, TP.HCM sẽ đứng trước nguy cơ rất lớn trong ứng phó với dịch Covid-19./.