TP.HCM thiếu thuốc phóng xạ, bệnh nhân xếp hàng chờ đợi

TP.HCM chỉ có một lò cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ đang hoạt động, không đủ đáp ứng nhu cầu chụp PET/CT, bệnh nhân ung thư phải xếp hàng dài chờ đợi.

Con gái bà NTB (67 tuổi, ngụ Trà Vinh) được chẩn đoán bị khối u trung thất cách đây khoảng 1 năm, đang điều trị tại khoa Huyết học (Bệnh viện Chợ Rẫy).

Mệt mỏi xếp hàng chờ chụp chiếu

Bà B cho biết vào năm ngoái, con bà thấy mệt, đau nhói sau lưng, không nằm được nên đi khám ở bệnh viện huyện. Bác sĩ chẩn đoán con bà bị tràn dịch màng phổi, chuyển lên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiếp tục điều trị.

Dù đã được hút dịch nhưng con bà vẫn còn đau. Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị ung thư, điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch được một tháng thì chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

 Một bệnh nhân đang chụp PET/CT tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC

Một bệnh nhân đang chụp PET/CT tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BVCC

Tại đây, bệnh nhân được làm nhiều xét nghiệm chẩn đoán, trong đó có chụp PET/CT (chụp ghi hình cắt lớp positron) kiểm tra khối u. Sau đó bệnh nhân được hóa trị, mỗi tháng đến bệnh viện một lần để vô thuốc. Điều trị được 6 toa thuốc bệnh nhân không đau nữa nên bác sĩ cho về nhà.

"Gần đây con tôi đau trở lại nên nhập Bệnh viện Chợ Rẫy. Khác với lần trước chụp chiếu gì cũng nhanh, lần này rất nhiều người phải chờ vì bác sĩ nói máy chụp hư, đang sửa. Thấy người thân bệnh đau còn phải đợi sửa máy thật nóng ruột quá!" - bà B tâm sự.

 Nhiều bệnh nhân ung thư phải xếp hàng dài để chờ chụp PET/CT vì thiếu thuốc phóng xạ. Ảnh: KHƯƠNG NGUYỄN

Nhiều bệnh nhân ung thư phải xếp hàng dài để chờ chụp PET/CT vì thiếu thuốc phóng xạ. Ảnh: KHƯƠNG NGUYỄN

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chị LTMT cho biết vừa đưa cha từ Đắk Lắk xuống điều trị ung thư phổi. Như nhiều người, chị được bác sĩ thông báo ráng chờ đến giữa tháng 8 bệnh nhân mới được chụp PET/CT kiểm tra tình hình khối u, từ đó mới có phác đồ điều trị.

“Không riêng ba tôi, nhân viên y tế cho hay hiện khá đông bệnh nhân cũng đang phải chờ đợi. Hầu hết chúng tôi ở các tỉnh đến, người bệnh mỗi lần đi lại rất khó khăn, mệt mỏi... Gia đình tôi cũng chưa biết tính sao" - chị T thở dài.

Thuốc chuyển nhượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu

TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chia sẻ bệnh viện được trang bị 2 máy PET/CT, công suất ghi hình 30 ca/máy. Với 2 máy tại 2 cơ sở, có thể nâng công suất đáp ứng tối đa lên 50-60 ca/ngày nếu đủ thuốc phóng xạ.

Hiện Bệnh viện Ung bướu được chuyển nhượng thuốc phóng xạ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, chụp PET/CT cho khoảng 7-9 ca/ngày (1/3 nhu cầu thực tế). Vì vậy, bệnh nhân tại đây phải chờ đợi khoảng 10 ngày mới đến lượt chụp PET/CT.

 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mỗi ngày chụp PET/CT cho khoảng 7-9 bệnh nhân, chỉ 1/3 nhu cầu thực tế. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mỗi ngày chụp PET/CT cho khoảng 7-9 bệnh nhân, chỉ 1/3 nhu cầu thực tế. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

TP.HCM chỉ có một lò cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, do đó những khi lò bị trục trặc, nhiều bệnh nhân phải ra tận Hà Nội hay các tỉnh khác, thậm chí ra nước ngoài để chụp chiếu.

Ngoài ra, cũng có trường hợp bác sĩ buộc phải cho chỉ định cận lâm sàng khác thay thế như CT scan (chụp cắt lớp vi tính), MRI (chụp cộng hưởng tử)... Song với nhiều người, thay thế này không thể đánh giá một cách toàn toàn diện, đầy đủ và sớm những thay đổi sau điều trị.

 Hiện nay nhu cầu chụp PET-CT tại TP.HCM ngày càng cao. Ảnh: BVCC

Hiện nay nhu cầu chụp PET-CT tại TP.HCM ngày càng cao. Ảnh: BVCC

Đại diện Bệnh viện Quân y 175 cho biết hiện trung bình một ngày khoa Y học hạt nhân của bệnh viện chụp được 7 ca PET/CT (chưa đến 1/2 nhu cầu), trong khi công suất tối đa có thể thực hiện khoảng 14-15 ca/ngày. Do đó, bệnh nhân thường phải đợi từ 4-5 ngày.

Cũng theo vị này, nhu cầu chụp PET/CT tại Bệnh viện Quân y 175 nói riêng và tại TP.HCM nói chung rất lớn, nhưng TP mới chỉ có 3 cơ sở là Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu là có hệ thống máy PET/CT phục vụ bệnh nhân trong chẩn đoán và điều trị ung thư.

“TP.HCM hiện chỉ có một lò cyclotron để sản xuất thuốc phóng xạ chẩn đoán ung thư dùng cho máy chụp PET/CT nên số lượng thuốc cung cấp cho 3 bệnh viện nói trên rất hạn chế, chưa thể đáp ứng được nhu cầu” - đại diện Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ.

Cần thêm lò sản xuất thuốc phóng xạ

TS.BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết với lò cyclotron của bệnh viện đang hoạt động, thuốc sản xuất ra được chia sẻ cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện Quân y 175 để chụp PET/CT.

Đáng chú ý, hệ thống máy sản xuất thuốc phóng xạ duy nhất tại TP có tuổi đời đã 15 năm, đã cũ nên năng suất không cao. Trong trường hợp máy hư hỏng phải chờ sửa chữa, bảo trì và cần có thời gian để mua linh kiện thay thế từ nước ngoài, bệnh nhân buộc phải đợi vì không có thuốc.

 Mỗi ngày khoa Y học hạt nhân (Bệnh viện Chợ Rẫy) chụp PET/CT cho khoảng 13-14 ca bệnh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Mỗi ngày khoa Y học hạt nhân (Bệnh viện Chợ Rẫy) chụp PET/CT cho khoảng 13-14 ca bệnh. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Thuốc phóng xạ 18F - FDG sản xuất ra có thời gian bán rã ngắn, phải sử dụng nhanh trong khoảng 6-8 giờ, do đó thuốc phải được sử dụng ngay sau khi sản xuất. Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác về TP.HCM trong trường hợp này là không khả thi. Do đó, các bệnh viện tại TP.HCM chỉ có thể tự sản xuất hoặc mua thuốc hoặc nhượng lại thuốc từ các bệnh viện có khả năng sản xuất trên địa bàn.

“Một số bệnh viện muốn sắm thiết bị chụp PET/CT cũng chưa mạnh dạn vì sợ chưa có đủ nguồn cung cấp thuốc phóng xạ. Hy vọng trong tương lai TP.HCM có thêm 3-4 lò sản xuất thuốc phóng xạ để các bệnh viện chia sẻ thuốc với nhau, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.

Thậm chí khi đó, các bệnh viện ở địa phương lân cận cũng sắm máy chụp, nhận chuyển nhượng nguồn thuốc từ TP.HCM về, giúp bệnh nhân không phải dồn lên tuyến trên gây quá tải” - bác sĩ Cảnh nói.

Bác sĩ Cảnh chia sẻ thêm, hiện nay người dân ưa chuộng chụp PET/CT vì đây là kỹ thuật có thể khảo sát toàn thân, giúp chẩn đoán bệnh ở mức độ chuyển hóa tế bào, có độ nhạy, chính xác cao; khả năng phát hiện tổn thương còn trong giai đoạn sớm và theo dõi hiệu quả điều trị.

Tuy nhiên trong chẩn đoán, điều trị ung thư vẫn còn nhiều phương pháp thay thế sẵn có và hiệu quả như chụp CT-scan, chụp MRI, siêu âm, nội soi… Tùy theo loại ung thư, giai đoạn ung thư và mục đích khảo sát mà bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp chẩn đoán phù hợp.

Giải pháp chủ động nguồn cung ứng thuốc phóng xạ

Hiện nay dây chuyền sản xuất thuốc phóng xạ của Công ty cổ phần Y học Rạng Đông (chi nhánh TP.HCM) do một số nguyên nhân khách quan nên chưa thể đưa vào hoạt động và cung ứng ra thị trường.

Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa nhà máy của công ty này ở TP Thủ Đức vào hoạt động. Về lâu dài, TP cần được trang bị thêm các lò cyclotron để đủ khả năng cung ứng thuốc phóng xạ cho các cơ sở y tế chuyên ngành.

Ngành y tế đang xây dựng đề án huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chủ trì dự án “Đầu tư xây dựng lò cyclotron sản xuất nguồn đồng vị phóng xạ dùng trong y tế” và dự án “Đầu tư xây dựng trung tâm xạ trị proton đặt tại Bệnh viện Ung bướu” nhằm chủ động nguồn cung ứng thuốc phóng xạ phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người dân.

Ông NGUYỄN HẢI NAM - Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-thieu-thuoc-phong-xa-benh-nhan-xep-hang-cho-doi-post804147.html