TP.HCM: Thu phí hàng nghìn tỷ, đường vào cảng vẫn tắc

TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4/2022, đến nay đã thu 3.000 tỷ, nhưng việc đầu tư đường vào cảng để giảm ùn tắc vẫn chưa được triển khai.

Gian nan đường vào cảng

Ghi nhận của PV trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, con đường độc đạo vào cảng Phú Hữu, Tân Cảng - Cát Lái nhưng rất nhỏ hẹp. Tại đây xe container qua lại nườm nượp, trộn dòng với xe máy, tiếng còi xe container inh ỏi làm người đi đường bất an, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Vinh, nhà mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh chia sẻ: “Người dân chúng tôi gọi đây là con đường tử thần vì tai nạn xảy ra liên tục. Mong Nhà nước mau chóng mở rộng chứ đường này rất nhỏ, không an toàn cho các xe qua lại”.

Giao thông phức tạp trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Ảnh: Đỗ Loan

Giao thông phức tạp trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Ảnh: Đỗ Loan

Tương tự, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ đi vào cảng Hiệp Phước huyện Nhà Bè cũng nhỏ hẹp và thường xuyên ùn tắc giao thông. Hay cảng ICD Trường Thọ (TP Thủ Đức) trên trục đường Xa lộ Hà Nội cũng kẹt xe như cơm bữa.

Đặc biệt tại trục đường Võ Chí Công, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định hướng ra vào cảng Cát Lái lưu lượng xe container trên các tuyến đường này quá đông, ùn tắc diễn ra thường xuyên. Có thời điểm kẹt xe các xe container nối đuôi nhau kéo dài 4km, tài xế ăn ngủ nằm chờ trên xe nhiều tiếng đồng hồ mới có thể di chuyển.

Khi các tuyến đường độc đạo vào cảng kẹt xe, kéo theo hàng loạt các tuyến đường xung quanh cũng kẹt theo như tuyến đường Mai Chí Thọ, nút giao An Phú hoặc vòng xoay Mỹ Thủy…

Theo Sở GTVT TP.HCM, toàn bộ hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cảng này đều được vận chuyển bằng đường bộ. Chỉ tính riêng cảng Cát Lái, trung bình mỗi ngày có khoảng 20.000 ô tô ra, vào thông qua các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đặc biệt, có một số ngày lên đến 26.000 lượt xe ra, vào dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc.

Hơn 3.000 tỷ đồng thu phí để làm gì?

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, TP tổ chức thu phí hạ tầng cảng biển đến nay được 1 năm. Số tiền thu được khoảng 3.000 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày khoảng 7,7 tỷ đồng.

Việc tổ chức thu phí hạ tầng cảng biển ngay từ đầu được xác định là để đầu tư các tuyến đường vào cảng biển hiện đang ùn tắc. Thế nhưng trước thực trạng trên, nhiều người đặt câu hỏi: Thành phố đã thu hàng nghìn tỷ đồng nhưng sao chưa thấy đầu tư cho tuyến đường nào?

Trả lời câu hỏi này, ông An nói: “Đầu tư các đường vào cảng không phải muốn là làm được ngay mà giải ngân theo tiến độ, sắp xếp chủ trương đầu tư, ưu tiên thế nào. Số tiền phí thu được đảm bảo không chạy ngoài mục tiêu hạ tầng cảng biển. Nhưng hiện nay thành phố mới thu được 3.000 tỷ đồng, mục tiêu trong 5 năm là 15.000 tỷ đồng cũng chỉ mới đáp ứng 14 - 16% nhu cầu”.

Theo ông An, trên thực tế, tổng nhu cầu vốn đến năm 2025 cần tới 103.347 tỷ đồng. Như vậy nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển chỉ bù đắp một phần so với tổng nhu cầu vốn để tập trung hoàn thiện các tuyến đường vào cảng biển. Hơn nữa, theo Luật Đầu tư công, nếu lấy toàn bộ tiền thu phí để đầu tư sẽ không đúng luật, mà phải khởi công theo tiến độ, thi công tới đâu, giải ngân tới đó…

Ông An cho biết, có 14 dự án hạ tầng cảng biển chuẩn bị đầu tư. Cụ thể, quanh cảng Cát Lái là đường Nguyễn Thị Định mở rộng 8 làn xe đoạn từ Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng.

Hoàn chỉnh vòng xoay Mỹ Thủy, với các hạng mục còn lại như cầu vượt cho xe rẽ trái theo hướng từ cảng Cát Lái về cầu Phú Mỹ; xây cầu Kỳ Hà 4... Đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu cũng được mở rộng lên 30m, vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng.

Đồng thời, thành phố cũng xây thêm tuyến đường mới từ cảng Cát Lái đến Phú Hữu, dài 1,6km, rộng 30m, tổng mức đầu tư gần 950 tỷ đồng...

Cũng theo ông An, giai đoạn đến năm 2025, thành phố ưu tiên vốn đầu tư hai đoạn Vành đai 2 qua TP Thủ Đức, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (dài 3,5km) và từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8km), với tổng kinh phí hơn 17.000 tỷ đồng.

Các dự án này khi hoàn thành tạo trục mới nối các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ. Ngoài tăng năng lực khai thác hàng hóa cho các cảng, trục đường này giúp phân luồng, giảm ùn tắc cho nội đô.

Ngoài ra còn có các công trình mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận (quận 7) với đường Nguyễn Văn Linh; nghiên cứu bổ sung tuyến ven sông để kết nối giữa các bến cảng dọc sông Soài Rạp...

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, hiện nay các tuyến đường vào cảng đều kẹt xe trầm trọng. Do ùn tắc, kẹt xe tại các tuyến đường ra, vào cảng khiến tỷ lệ quay vòng xe thấp, chi phí đầu tư xe tải, xe container của doanh nghiệp vận tải và dịch vụ logistics tăng lên.

“Hiện TP đã thu phí cảng biển rồi, số tiền này cần được tái đầu tư hạ tầng cảng biển. Nếu TP chưa đủ tiền thì cần kêu gọi nhà đầu tư ứng vốn để làm nhanh, còn chờ đủ tiền từ việc thu phí thì không biết đến bao giờ”, ông Quản nói.

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong nhóm 14 dự án hạ tầng cảng biển đang có kế hoạch đầu tư, thành phố ưu tiên đầu tư trước 3 dự án gồm: Nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên QL13; nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên QL1; nâng cấp mở rộng đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2). Cả 3 dự án này chuẩn bị đầu tư năm 2023 – 2024 và thi công hoàn thành năm 2025.

Có 4 dự án chuẩn bị đầu tư năm 2024, thi công hoàn thành trong giai đoạn 2026 – 2028 gồm: Xây dựng 2 đoạn Vành đai 2; Vành đai 4; cầu Thủ Thiêm 4.

Có 7 dự án chuẩn bị đầu tư năm 2024, thi công hoàn thành trong giai đoạn 2027 – 2030.

Đỗ Loan

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-thu-phi-hang-nghin-ty-duong-vao-cang-van-tac-d588209.html