TP HCM: Tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Thực hiện Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025. UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8/6/2022 về phê duyệt đề án OCOP giai đoạn 2021 - 2025, nhằm triển khai các giải pháp hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.
Tận dụng lợi thế sân nhà
Thành phố đã triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP, nhất là việc phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể OCOP. Phát huy giá trị tài nguyên, truyền tải về văn hóa, tri thức dân gian của địa phương; phản ánh các hoạt động về quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Thành phố sẽ hỗ trợ giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại và thúc đầy kết nối cung cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng, miền. Đồng thời triển khai triển khai ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM và 38 tỉnh, thành phố thuộc các vùng: Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Trung Bộ, phía Bắc và Bắc Trung Bộ thông qua tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng miền năm 2023 diễn ra tại TP HCM và các chương trình hội chợ giới thiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền do thành phố tổ chức.
Việc ký kết các biên bản thỏa thuận giữa TP HCM với các đơn vị nhằm hỗ trợ giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại và thúc đầy kết nối cung cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng, miền tại các tỉnh, thành phố thuộc 05 vùng và TP HCM để tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn thành phố và khách quốc tế. Đồng thời khẳng định vai trò của TP HCM là cầu nối hiệu quả, kênh xúc tiến thương mại quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của các vùng trong cả nước.
Qua đó, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, đầy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới và giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đặc biệt là nông dân nghèo từ các vùng nông thôn khắp các vùng trong cả nước.
Tích cực triển khai hợp tác chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ kỹ thuật về nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo điều kiện doanh nghiệp TP HCM và các tỉnh, thành tìm hiểu, đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của các tỉnh, thành.
Trong năm 2023, UBND TP HCM đã công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố năm 2022 cho 39 sản phẩm, trong đó có 15 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 24 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Cũng trong đợt này, nhiều sản phẩm được công nhận OCOP đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Australia. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã có 66 sản phẩm đạt OCOP đạt 3-4 sao và 1 sản phẩm đang trình Trung ương xem xét 5 sao.
Nâng cao chất lượng và đổi mới sản phẩm
Để cạnh tranh với các sản phẩm OCOP của các địa phương khác, thành phố phải tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao nhận thức và quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, đưa OCOP trở thành một dấu hiệu nhận diện về sản phẩm trên thị trường, tạo niềm tin để thúc đẩy thương mại. Đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là năng lực tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, sàn giao dịch và thương mại điện tử.
Xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, đặc sắc để tạo điểm nhấn, thúc đẩy tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động kết nối cung – cầu, kết nối ngay từ giai đoạn tổ chức sản xuất, tạo sự kết nối giữa sản xuất và thị trường. Đồng thời ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia Đề án Chương trình OCOP của thành phố.
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng sản xuất hữu cơ, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái. Song song với việc xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng tại địa phương.
Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức hội nhập quốc tế để phát huy năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đến hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các tuyến du lịch trên địa bàn, đồng thời quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đến các hệ thống nhà hàng, khách sạn có du khách lưu trú.
Thời gian tới, để Chương trình OCOP trên địa bàn tiếp tục phát triển hiệu quả, các Sở, ngành của thành phố cần chú trọng công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức hội thảo diễn đàn dựa trên phương thức công nghệ số về các hoạt động xây dựng thương hiệu, tư vấn, chứng nhận sản phẩm, chứng nhận OCOP, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ, đổi mới phương thức tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.