TP. HCM tìm lời giải cho tăng trưởng công nghiệp
Ngày 17/7, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Quốc tế (BCEC), Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm 'Động lực phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh – Từ tiềm năng đến hành động'.

Các chuyên gia thảo luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, khu vực công nghiệp – xây dựng hiện đóng góp khoảng 30% GRDP, là nền tảng quan trọng để TP. Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng GRDP hai con số trong những năm tới. Tuy nhiên, công nghiệp TP. Hồ Chí Minh còn đối mặt nhiều thách thức như chi phí logistics cao (chiếm 16–20% giá thành sản phẩm), quỹ đất sạch hạn chế, công nghệ sản xuất lạc hậu, tỷ lệ tự động hóa thấp, thuế quan...
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp phát triển hạ tầng công nghiệp – logistics – năng lượng đồng bộ; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao năng suất; cơ chế thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ; chiến lược đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao và kiểm soát ô nhiễm, thúc đẩy công nghiệp xanh. TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ xây dựng các khu công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ mới như AI, IoT và phát triển chuỗi cung ứng bền vững, qua đó khẳng định vai trò trung tâm sản xuất – công nghiệp hàng đầu cả nước.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Lộc Hà phát biểu kết luận tọa đàm. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN
Phát biểu tại tọa đàm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đề xuất ba định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm – lĩnh vực thiết yếu và có giá trị xuất khẩu cao. Trong số đó, cần quy hoạch lại hệ thống khu công nghiệp chuyên ngành thực phẩm, gắn với vùng nguyên liệu và hệ thống logistics lạnh tại khu vực Cái Mép – Thị Vải. Bà Chi kiến nghị sớm ban hành bộ hướng dẫn đầu tư, an toàn thực phẩm và môi trường thống nhất trên toàn địa bàn. Đáng lưu ý, doanh nghiệp đang gặp vướng mắc trong việc cập nhật địa chỉ hành chính sau sáp nhập, ảnh hưởng đến tính pháp lý của hồ sơ xuất khẩu. Bà Chi cũng đề xuất thành phố thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ với doanh nghiệp, thành lập tổ công tác ngành để tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Dệt may – Thời trang TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc mở rộng địa giới hành chính là cơ hội tái cấu trúc vai trò của thành phố trong chuỗi giá trị công nghiệp phía Nam. Ông đề xuất xác lập TP. Hồ Chí Minh là trung tâm điều phối chiến lược chuỗi công nghiệp với ba trụ cột: thiết kế – sáng tạo, logistics – kết nối và dữ liệu công nghiệp liên vùng. Với ngành dệt may, ông Việt cho rằng không thiếu đơn hàng, chỉ thiếu năng lực nội địa hóa.
Ông Việt kiến nghị quy hoạch vành đai công nghiệp theo chuỗi khép kín sợi – dệt – nhuộm – may; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn tích hợp liên vùng; đồng thời thí điểm gói tín dụng xanh riêng cho ngành và thành lập quỹ bảo lãnh xuất xứ để thúc đẩy nội địa hóa nguyên liệu. Về nhân lực, ông Việt đề xuất mô hình đào tạo nghề theo cơ chế “doanh nghiệp đặt hàng – trường nghề triển khai – nhà nước đồng tài trợ”; đầu tư trung tâm kỹ năng xanh và số hóa tại vùng chuyển tiếp TP. Hồ Chí Minh – Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ).

Các đại biểu tập trung phân tích hiện trạng, cơ hội và thách thức sau sáp nhập. Ảnh: Huyền Trang - TTXVN
Ông Park Hee Sung, đại diện Công ty Kumho Tire Việt Nam kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghiệp và logistics; hỗ trợ doanh nghiệp FDI qua mô hình một cửa, đường dây nóng riêng; đồng thời có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững theo chuẩn Environmental – Social – Governance (Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp).
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ông Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, việc hợp nhất ba địa phương công nghiệp trọng điểm đã tạo ra vùng động lực mới, song mô hình tăng trưởng hiện nay vẫn còn dựa vào công nghiệp truyền thống, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp và đang có xu hướng giảm tỷ trọng trong GRDP. Trước bối cảnh mới, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đề xuất định hướng chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, phát triển công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn, nâng cấp chuỗi giá trị và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với liên kết vùng.
Cần phát huy vai trò liên kết “ba nhà” – nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp để tạo động lực đột phá. Đồng thời, yêu cầu các sở ngành khẩn trương rà soát quy hoạch công nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải thiện hạ tầng khu công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đầu tư bền vững.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tp-hcm-tim-loi-giai-cho-tang-truong-cong-nghiep/380687.html