TP.HCM tìm lối ra cho bãi đậu xe

Mới đây, chủ đầu tư dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám (quận 1) đã có các kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM xin gia hạn thời hạn thực hiện dự án này thêm 24 tháng.

20 năm không làm được bãi đậu xe ngầm nào

Cách đây gần 20 năm, theo định hướng quy hoạch bãi giữ xe ở khu vực trung tâm, UBND TP đã chọn tám địa điểm để kêu gọi đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm kết hợp với các trung tâm thương mại, dịch vụ. Đến khoảng năm 2010, TP.HCM chọn bốn địa điểm ở khu vực trung tâm để tiếp tục làm dự án là Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân bóng đá thuộc Công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư.

Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám theo hợp đồng có quy mô bốn tầng ngầm, gồm hai khu thương mại (chiếm 30% tổng diện tích xây dựng) và khu đậu xe (chiếm 70% tổng diện tích xây dựng). Theo thiết kế, bãi đậu xe này có sức chứa 2.024 chỗ đậu xe máy, 1.260 xe du lịch, 27 chỗ đậu xe buýt, xe tải và xe buýt mini. Tổng vốn đầu tư là 1.748 tỉ đồng.

Dự án bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng có vốn đầu tư gần 900 tỉ đồng, dự kiến được xây dựng trên diện tích hơn 5.300 m2, gồm bảy tầng hầm và ba tầng nổi, có sức chứa hơn 700 ô tô và 400 xe máy. Ngoài kinh doanh bãi đậu xe kết hợp thương mại, dịch vụ, doanh nghiệp còn xây dựng hoàn chỉnh sân khấu Trống Đồng, bàn giao lại cho đơn vị quản lý.

Tuy nhiên, các dự án trên đều chưa thể triển khai vì nhiều lý do. Như dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám, UBND TP đã quyết định “khai tử”, chấm dứt hợp đồng BOT vào tháng 8-2019 sau chín năm động thổ. Còn dự án bãi giữ xe sân khấu Trống Đồng thì loay hoay câu chuyện quy hoạch nên chưa thể triển khai.

Cụ thể, ngày 17-1-2017, Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (chủ đầu tư) nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng sau khi đã được Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ dù đã đầy đủ và được Bộ Xây dựng phê duyệt nhưng cũng không được cấp phép xây dựng do phải xem lại vùng kiểm soát xây dựng của tuyến metro số 2.

Văn bản mới nhất của Sở QH-KT TP (tháng 8-2022) cho biết hiện nay, đối với dự án này, quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2009, để đảm bảo dự án triển khai phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành, UBND TP cũng đã có văn bản ngày 12-7 giao Sở KH&ĐT TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP.

Ngoài ra, theo Sở KH&ĐT TP, đối với đề nghị giữ nguyên các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được Sở QH-KT hướng dẫn tại văn bản ngày 15-5-2015 (tỉ lệ phân chia chức năng dự án: 35% thương mại dịch vụ, 65% sử dụng đậu xe và diện tích sân khấu xây dựng mới) của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương là có thể xem xét chấp thuận. Tuy nhiên, công ty cần phối hợp với Ban quản lý đường sắt đô thị để thực hiện điều chỉnh phương án thiết kế phần ngầm công trình đảm bảo phạm vi bảo vệ tuyến metro số 2.

Bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng (quận 1) vẫn chưa thể triển khai vì nhiều lý do liên quan đến quy hoạch. Ảnh: HV

Bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng (quận 1) vẫn chưa thể triển khai vì nhiều lý do liên quan đến quy hoạch. Ảnh: HV

Phần diện tích sàn xây dựng trên mặt đất sau khi xây dựng sân khấu Trống Đồng sẽ hoàn trả cho đơn vị quản lý, còn lại cần bố trí đủ chỗ để xe, tập kết xe, giao thông, kỹ thuật (phục vụ cho sân khấu và phần ngầm bên dưới), đảm bảo hết các yếu tố nêu trên mà vẫn còn diện tích sàn trên mặt đất thì có thể bố trí chức năng thương mại phục vụ cho sân khấu Trống Đồng.

Ngoài ra, bãi đậu xe sân vận động Hoa Lư và bãi đậu xe ngầm Công viên Tao Đàn cũng đã đình trệ nhiều năm do khó thu hút đầu tư và có nhiều vướng mắc về hình thức đầu tư.

Nhà đầu tư bãi đậu xe ngầm muốn làm tiếp

“Cách đây một tháng, chúng tôi đã có cuộc họp với UBND TP.HCM. Năm 2019, TP có chủ trương chấm dứt hợp đồng BOT dự án này nhưng cơ bản, chủ trương đầu tư là của Thủ tướng, giấy chứng nhận đầu tư là Bộ KH&ĐT cấp nên chúng tôi đề nghị xem xét lại” - ông Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS, chủ đầu tư dự án), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Tuấn, dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám là dự án tiên phong, không triển khai được một phần vì tính khả thi thấp. Thực tế cho thấy tới cuối năm 2022, sau hơn 17 năm, tất cả dự án bãi đậu xe ngầm tại TP.HCM đều không triển khai được trong khi nhu cầu là có và rất lớn.

Ông Tuấn cũng cho biết sau cuộc họp, ngày 31-8 Công ty IUS đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM đề nghị xem xét lại chủ trương chấm dứt hợp đồng BOT dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám. Trong đó, Công ty IUS nêu ba kiến nghị.

Thứ nhất, công ty kiến nghị xin chấp thuận chủ trương, được gia hạn tiến độ thực hiện dự án thêm 24 tháng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có cơ hội tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư cùng phát triển dự án và có thời gian làm việc với các tổ chức tài chính - tín dụng quốc tế.

Thứ hai, do dự án mang tính chất phục vụ lợi ích cộng đồng và nhằm tăng tính khả thi tài chính, xin chấp thuận chủ trương hỗ trợ cho tất cả dự án đầu tư bãi đậu xe ngầm trên địa bàn TP toàn bộ lãi vay trên tổng số tiền vay (không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án) trong thời gian 30 tháng xây dựng.

Thứ ba, trong trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước thấy việc chấm dứt hợp đồng BOT là cần thiết, UBND TP.HCM xem xét chủ trương hoàn trả cho IUS khoản vốn đã đầu tư dang dở (đã được kiểm toán).

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, cho biết gần 10 năm chưa hề có thông báo về chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của bãi đậu xe ngầm sân khấu Trống Đồng là bao nhiêu. “Hiện giờ chúng tôi vẫn đang liên tục làm các thủ tục cho dự án này” - bà Quỳnh nói.

Về những khó khăn khi triển khai các bãi đậu xe ngầm, PGS-TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia giao thông, cho rằng phí đậu xe là do Nhà nước quy định nên nhà đầu tư sẽ khó khăn vì khó có lợi nhuận. Thêm nữa, việc chỉ làm bãi đậu xe và thu phí giữ xe cũng khó bù đắp lại chi phí đầu tư. “Vì vậy, theo tôi thì nên cho chủ đầu tư tích hợp thương mại dịch vụ vào nhưng hiện nay vấn đề này cũng chưa giải quyết được” - ông Mai nói.•

Chuyên gia, cơ quan quản lý nêu quan điểm và hiến kế

Ông NGÔ HẢI ĐƯỜNG, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM)

Sở GTVT TP đang nghiên cứu và báo cáo UBND TP.HCM, đề xuất cho phép lắp đặt các nhà để xe thông minh, lắp ghép ở một số khu vực. Đặc biệt là khu vực trung tâm TP để giải quyết tạm thời trước mắt việc đậu xe của người dân.

.......................................

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA, nguyên Trưởng Khoa đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

TP có nhiều phố đi bộ ở trung tâm như Lê Lợi, Nguyễn Huệ… Phố đi bộ thì xe không được vào, nếu vào thì xe sẽ để đâu. TP.HCM hiện có nhiều dự án bãi đậu xe ngầm như Trống Đồng, Lê Văn Tám gần như thất bại.

Tuy nhiên, lưu ý là lãnh đạo TP đã cho phép làm các bãi giữ xe cao tầng, tự động như thế giới đã làm. Các bãi xe này có thể chứa vài trăm xe, với chiều cao 14-15 tầng hoặc nhiều hơn.

..................................................

TS DƯƠNG NHƯ HÙNG, Trưởng Khoa quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Nên lưu ý về mặt địa điểm xây dựng. Chẳng hạn, chúng ta không thể xây bãi giữ xe hoành tráng, lớn ngay sát khu vực chợ Bến Thành vì nó sẽ tạo kẹt xe xung quanh đó.

Nếu xây một loạt bãi giữ xe lắp ghép, quy mô nhỏ hơn và nằm rải rác ở các quận, huyện, đóng vai trò là đầu mối để người dân gửi xe và sử dụng phương tiện công cộng thì sẽ bớt tạo áp lực cho khu vực trung tâm hơn.

.............................................

ThS - kiến trúc sư NGÔ ANH VŨ, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM

Nên khai thác bãi giữ xe lắp ghép cùng với quỹ đất của công trình đường bộ thì sẽ tiết kiệm chi phí, vì khi xây bãi giữ xe lắp ghép độc lập thì phải đầu tư rất lớn. Nếu xây bãi giữ xe cạnh các công trình như metro thì chi phí thấp hơn.

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-tim-loi-ra-cho-bai-dau-xe-post701334.html