TP. HCM: Toàn cảnh đại công trường dang dở ở đoạn cuối Vành đai 3

Các đường dẫn rẽ làn từ hướng cao tốc TP. HCM - Trung Lương, đoạn nút giao của ba trục giao thông huyết mạch là cao tốc TP. HCM-Trung Lương, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức- Long Thành vẫn còn đang dang dở, cỏ mọc um tùm, khu dân cư lọt thỏm giữa công trình 'nằm chờ'.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo & Công luận, tại nút giao của ba trục giao thông huyết mạch là cao tốc TP. HCM-Trung Lương, Vành đai 3, cao tốc Bến Lức- Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), các đường dẫn rẽ làn từ hướng cao tốc TP. HCM - Trung Lương ra vẫn còn “nằm chờ” thi công.

Được biết, dự án bắt đầu thi công từ năm 2014, nhưng lại rơi vào tình trạng dang dở từ giữa năm 2019.

Bài liên quan

Quyết liệt giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh

Đường Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Hà Nội biến hàng nghìn ha đất trở thành "đất vàng, đất bạc"

Hà Nội đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng làm đường kết nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3

Hà Nội: Lực lượng chức năng truy tìm tài xế làm rơi vãi bùn đất tại lối lên vành đai 3 trên cao

Nút giao này có trục giữa là cao tốc TP. HCM-Trung Lương với vòng cung bên trái là đường ra vào cao tốc tuyến Vành đai 3, hai nhánh bên phải là đường ra vào cao tốc Bến Lức-Long Thành.

Trong đó, nhánh bên dưới là điểm cuối của Vành đai 3, nhánh bên trên hướng bắt đầu cao tốc Bến Lức-Long Thành (Đồng Nai).

Ba tuyến đường này liền mạch sẽ góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, cao tốc vẫn chưa hoàn thành, con đường tạm mà xe chở vật liệu chạy cũng chưa được tái lập.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành nối huyện Bến Lức (Long An) với huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư đã được khởi công. Cao tốc dài 58km, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỉ đồng.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58km có một đoạn dài 38km sẽ nối vào đường vành đai 3 TP. HCM, tạo thành một vòng tròn khép kín sẽ tạo động lực phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đoạn bắt đầu cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện vẫn là bờ đê lớn, cỏ dại phủ kín. Cầu vượt đường dân sinh Mỹ Yên-Tân Bửu hiện chỉ là phần bệ đỡ.

Cơ sở hạ tầng, công trình thi công chuyển màu vì tác động của thời gian.

Theo lãnh đạo VEC, dự án đã đạt 80% khối lượng thi công nhưng phải dừng lại do vướng mắc về chính sách liên quan đến nguồn vốn. Về giải phóng mặt bằng, số lượng các hộ còn lại chưa giải phóng còn ít. Các địa phương là TP. HCM và Đồng Nai khẳng định sẽ hoàn thành xong trong tháng 7/2022.

Vành đai 3 không chỉ là tuyến giao thông chiến lược, mà còn là hành lang phát triển đô thị, công nghiệp, kết nối vùng. Có thể nói dự án sớm triển khai đưa vào sử dụng sẽ giải quyết những bất cập hiện tại mà còn tạo ra động lực mới thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-toan-canh-dai-cong-truong-dang-do-o-doan-cuoi-vanh-dai-3-post201299.html