TP.HCM trước bài toán khó cần đáp án sớm: logistics
Trong bối cảnh chi phí logistics là chìa khóa để xuất khẩu cạnh tranh hơn, việc làm quan trọng của Việt Nam lúc này là giảm chi phí. Với TP.HCM, trung tâm kinh tế và giao thông của cả nước thì việc giải bài toán logistics càng quan trọng.
Thực trạng logistics ở TP.HCM hiện giờ hạ tầng không thể đáp ứng nên trở thành điểm nghẽn. Hệ thống cảng cạn (ICD) khai thác vượt thiết kế và 5/6 cảng ICD tại TP đã có quyết định di dời nên hoạt động đơn lẻ, ít liên kết và khả năng kết nối nội địa yếu.
Vì lý do đó, TP.HCM vừa phê duyệt, ban hành đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP để có thể giúp TP.HCM nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế, góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia.
Thời gian qua không chỉ căng thẳng vì giá cước tăng, doanh nghiệp còn khốn đốn vì tình trạng thiếu công rỗng. Ảnh: Alex Thiện
Theo bản đề án, tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020-2030 tại TP.HCM vào khoảng 95.800 tỉ đồng. Nhà nước chỉ đứng ra xây dựng đề án tổng thể, quy hoạch vị trí, chính sách, còn triển khai thực hiện, điều hành là các DN làm. Có thể tạm hình dung, các trung tâm sẽ do các nhà đầu tư hạ tầng chính bỏ vốn để xây dựng, phát triển toàn bộ và họ chỉ sử dụng một phần, trong từng phân khu hoạt động sẽ có các nhà đầu tư thành phần thuê lại để chia nhỏ cho những đối tác có nhu cầu.
Tuy nhiên, theo ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương TP.HCM) lý giải, đội ngũ DN logistics tuy đông nhưng không mạnh. Tiềm lực về tài chính của các DN logistics Việt Nam còn yếu (80% DN thành lập chỉ có vốn điều lệ vài tỉ đồng). Ngoài ra, phát triển logistics tại TP.HCM đang gặp nhiều thách thức do hạ tầng không thể đáp ứng nên trở thành điểm nghẽn. Hệ thống cảng cạn (ICD) khai thác vượt thiết kế và 5/6 cảng ICD tại TP đã có quyết định di dời nên hoạt động đơn lẻ, ít liên kết và khả năng kết nối nội địa yếu.
Vì vậy, theo các chuyên gia, để thu hút vốn của các DN tập trung đầu tư phát triển ngành logistics như mong muốn, cần có những hỗ trợ vượt bậc từ nhà nước về các cơ chế, chính sách, cũng như hoàn thiện việc kết nối về hạ tầng giao thông. Cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành để hình thành đầu mối trong lĩnh vực dịch vụ logistics, kết nối được các vùng trong cả nước - trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của TP có xu hướng dần dịch chuyển sang các tỉnh thành khác - là cần thiết.
Các chuyên gia cũng cho rằng TP.HCM nên dùng quỹ đất ít ỏi của mình để xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực cho logistics thì mới phát triển bền vững. Nguồn nhân lực này không chỉ cung cấp cho TP.HCM mà còn cho toàn bộ khu vực phía nam. Khi đó, nhắc đến TP.HCM trong đóng góp cho logistics thì chính là chất xám, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nếu được xây dựng, các trung tâm này sẽ tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa của các tỉnh thành trong khu vực, nâng cao năng suất trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, phân phối nội địa, góp phần kéo giảm chi phí logistics.
Hồi đầu tháng 4. Sở Công Thương TP.HCM trình UBND TP đề xuất xây dựng 7 trung tâm logistics. Cụ thể là các trung tâm logistics: Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu Công nghệ cao ở TP.Thủ Đức; trung tâm logistics Tân Kiên ở huyện Bình Chánh; trung tâm logistics Củ Chi ở huyện Củ Chi; trung tâm logistics Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè. Dự kiến, tổng diện tích các trung tâm này 623ha.
Nếu được xây dựng, các trung tâm sẽ tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa các tỉnh thành trong khu vực, nâng cao năng suất trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, phân phối nội địa, góp phần kéo giảm chi phí logistics.