TP.HCM: Từ Nghị quyết 98 đến các cơ chế đặc thù, vượt trội khác trong kỷ nguyên mới

Trong bối cảnh mới, TP.HCM cần tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù hiện có, đặc biệt là phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, phân bổ tài chính linh hoạt…

TP.HCM trong hành trình 50 năm kể từ ngày Đất nước thống nhất vào mùa xuân năm 1975 là địa phương được chọn áp dụng nhiều cơ chế đặc thù để đạt mục tiêu phát triển đột phá, vượt trội. Từ Nghị quyết 02 năm 1982, và đúng hai thập niên sau đó là Nghị quyết 20 năm 2002.

Từ thời điểm này, cứ 10 năm Bộ Chính trị lại ra thêm một nghị quyết mới nhằm tạo điều kiện tốt nhất để TP.HCM phát triển xứng tầm (gồm Nghị quyết 16 năm 2012 và Nghị quyết 31 năm 2022). Quốc hội cũng đã hai lần ban hành những nghị quyết khác, gồm Nghị quyết 54 năm 2017 và sau đó được thay thế bằng Nghị quyết 98 đang có hiệu lực để TP phát huy hết tiềm năng.

 Chuyên gia kiến nghị cần thúc đẩy cơ chế đặc thù, vượt trội để TP.HCM vươn tầm. Ảnh: THUẬN VĂN

Chuyên gia kiến nghị cần thúc đẩy cơ chế đặc thù, vượt trội để TP.HCM vươn tầm. Ảnh: THUẬN VĂN

PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐHQG-HCM trực thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật, cho rằng trong bối cảnh mới, TP.HCM cần kiến nghị bổ sung các cơ chế vượt trội hơn, mở rộng quyền chủ động giúp TP mở khóa thể chế, tạo ra không gian phát triển mới, phát huy tối đa nguồn lực, cùng cả nước vì cả nước.

Còn nhiều dư địa về cơ chế đặc thù

. Phóng viên: Nhìn lại thời gian qua, những chính sách đặc thù, vượt trội đã giúp TP.HCM khai phá tiềm năng, khơi thông nguồn lực như thế nào để phát triển hạ tầng, đô thị, kinh tế - xã hội?

+ PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình: Nghị quyết 98/2023 cùng với các Nghị quyết có liên quan là những bước ngoặt thể chế quan trọng, giúp TP.HCM khai phá tiềm năng, khơi thông nguồn lực và triển khai các mô hình quản trị hiện đại.

 PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐHQG-HCM trực thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật.

PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐHQG-HCM trực thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật.

Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết 98, TP.HCM đã ban hành một khối lượng lớn chính sách cụ thể và thiết thực, tạo nền tảng quan trọng để giải quyết những “nút thắt” trong phát triển kinh tế - xã hội và mở ra nhiều kỳ vọng về một tương lai bền vững.

TP.HCM đã mạnh dạn thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong năm lĩnh vực trọng yếu: đầu tư, tài chính – ngân sách, quản lý đô thị – tài nguyên môi trường, tổ chức bộ máy chính quyền, và khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo.

TP đã ban hành nhiều cơ chế mang tính đột phá như: quy định về mẫu công bố thông tin để thu hút nhà đầu tư chiến lược, quy mô tối thiểu của các dự án PPP, danh mục dự án BOT, quy chế thu và sử dụng phí hạ tầng trong các khu công nghiệp – khu chế xuất, cùng với việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức...

Trong quản lý đô thị và môi trường, TP đã có các chính sách cụ thể như kiểm soát khí thải giao thông, chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha…

Về tổ chức bộ máy, TP.HCM đã thành lập Sở An toàn thực phẩm, hoàn thiện cơ cấu chính quyền TP Thủ Đức và công bố các trung tâm chuyên trách như Trung tâm An sinh hay Trung tâm Xúc tiến thương mại – đầu tư.

Đặc biệt, TP cũng đang xây dựng các cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, ưu tiên phát triển các lĩnh vực khởi nghiệp.

Đáng chú ý, Nghị quyết 98 đang được hiện thực hóa qua loạt dự án trọng điểm như tuyến đường đường Vành đai 3, Vành đai 4 nhằm kết nối giao thông vùng và giảm tải cho hệ thống giao thông hiện hữu hay các dự án mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Những bước đi này thể hiện quyết tâm cao của TP.HCM trong việc tận dụng “bàn đạp thể chế” để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

. nhiều ý kiến cho rằng qúa trình thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vẫn còn một số khó khăn. TP.HCM vẫn chưa tối ưu hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội?

+ Thực tế cho thấy, TP.HCM còn nhiều dư địa từ các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 chưa được khai thác hết, phần lớn đến từ những vướng mắc trong triển khai cụ thể.

Điển hình như Nghị quyết 98 đã quy định rõ cơ chế lựa chọn nhà đầu tư chiến lược với quy trình đơn giản hơn và ưu đãi tốt hơn, tuy nhiên lại đi kèm điều kiện nhà đầu tư phải cam kết giải ngân toàn bộ vốn trong vòng 5 năm. Đây là một rào cản không nhỏ, khiến nhiều nhà đầu tư tiềm năng còn dè dặt.

 TP.HCM có nhiều nguồn tài nguyên đặc biệt, nhiều dư địa phát triển. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM có nhiều nguồn tài nguyên đặc biệt, nhiều dư địa phát triển. Ảnh: THUẬN VĂN

Bên cạnh đó, dù TP được phép dùng ngân sách để hỗ trợ các địa phương khác thực hiện các dự án liên vùng, song đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục triển khai nên các bên còn lúng túng.

TP còn gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án PPP tại TP Thủ Đức do chưa có quy định rõ về trình tự, thủ tục.

Tôi cho rằng việc thiếu sự đồng bộ giữa Nghị quyết 98 và các luật hiện hành, như Luật Đầu tư công hay Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), cũng như sự phối hợp chưa thật sự linh hoạt giữa Trung ương và địa phương đã phần nào làm giảm tính hiệu lực của các cơ chế đặc thù.

Thời gian tới, TP.HCM cần chủ động hơn trong kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn cụ thể để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, giúp các chính sách đi vào thực tiễn một cách hiệu quả và thực chất hơn.

Siêu đô thị không thể vận hành theo cơ chế cũ

. Trước những khó khăn, thách thức nói trên thì đâu là những giải pháp căn cơ, cấp thiết nhất, đặc biệt đặt trong bối cảnh TP.HCM dự kiến sẽ mở rộng địa giới hành chính, có nghĩa là vừa gia tăng về diện tích, quy mô dân số, quy mô nền kinh tế và kỳ vọng từ rất đông người dân về một “siêu đô thị miền Đông”?

+ Giải pháp căn cơ và cấp thiết nhất chính là hoàn thiện thể chế đi đôi với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa.

Một siêu đô thị như TP.HCM không thể tiếp tục vận hành theo cơ chế quản lý cũ, vốn đã bộc lộ nhiều giới hạn. Vì vậy, cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh và đồng bộ hóa các luật liên quan để tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình triển khai Nghị quyết 98.

Đồng thời, cần xây dựng một cơ chế phối hợp liên vùng linh hoạt, hiệu quả hơn, đặc biệt trong các dự án hạ tầng giao thông, chuyển đổi số và phát triển đô thị bền vững.

 TP.HCM cần cơ chế để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM cần cơ chế để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: THUẬN VĂN

Việc mở rộng địa giới hành chính cho TP.HCM trong thời gian tới không chỉ là một thay đổi về địa lý mà còn mở ra không gian phát triển mới và nguồn lực mới cho TP.HCM, cả về đất đai, con người lẫn kinh tế.

Điều này đòi hỏi phải đánh giá lại và phát triển quy hoạch tổng thể dựa trên lợi thế từng vùng, gắn với các trụ cột phát triển như công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, logistics, du lịch, giáo dục, y tế chất lượng cao.

Cùng với đó, tinh gọn tổ chức bộ máy phải đi đôi với nâng cao chất lượng phục vụ của khu vực công, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Môi trường đầu tư, kinh doanh phải thực sự thông thoáng, minh bạch để thu hút nguồn lực xã hội hóa mạnh mẽ hơn, nhất là trong các lĩnh vực hạ tầng và đổi mới sáng tạo.

Và điều quan trọng không kém, TP.HCM cũng cần chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo tinh thần của Nghị quyết 57 và đi đầu trong triển khai TP thông minh quản lý bằng blockain và AI ngang với trình độ các nước tiên tiến trên thế giới.

Khi đó, TP.HCM mới có thể hiện thực hóa khát vọng vươn tầm quốc tế, trở thành đầu tàu kinh tế xứng tầm khu vực.

. Vậy để thúc đẩy kinh tế - xã hội TP.HCM phát triển xứng tầm trong kỷ nguyên mới - gắn liền với một TP.HCM mở rộng về mọi mặt, thì cần tiếp tục thúc đẩy những cơ chế, chính sách nào?

+ Trong bối cảnh mới này, tôi cho rằng TP.HCM cần tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù hiện có theo Nghị quyết 98, đặc biệt là cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cơ chế tài chính linh hoạt và mô hình chính quyền đô thị.

Đồng thời, cần kiến nghị bổ sung các cơ chế vượt trội hơn như: mở rộng quyền chủ động trong thu hút đầu tư chiến lược và hợp tác công – tư (PPP); cho phép áp dụng mô hình quản lý phát triển vùng đô thị theo cụm ngành, cụm công nghệ; triển khai thử nghiệm các mô hình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên diện rộng. Hơn nữa, TP.HCM cũng cần được trao quyền thí điểm như khu vực ưu đãi đặc biệt.

Có thể ví dụ như, TP.HCM thí điểm thành lập “Khu vực ưu đãi đặc biệt về đầu tư kinh tế số, R&D và TP thông minh”, đồng thời được trao quyền quyết định đầu tư cho các dự án giảm nghèo, tạo việc làm và phát triển đô thị theo mô hình TOD quanh các trạm giao thông lớn.

TP.HCM cũng cần được trao quyền chủ động hơn trong điều phối liên vùng, quản lý nhân lực khu vực công theo năng lực và thúc đẩy cơ chế tài chính đặc biệt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược. Qua đó khơi thông các nguồn lực và tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cần luật riêng về Trung tâm tài chính quốc tế

. Mới đây, Bộ Chính trị đã cho phép thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, được kỳ vọng sẽ khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính. Theo ông, TP.HCM cần có những bước đi ra sao để xây dựng thành công Trung tâm này?

+ Để xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế thì TP.HCM cần được trao quyền chủ động ban hành các chính sách ưu đãi thuế đặc thù và đơn giản hóa thủ tục cấp phép nhằm tạo môi trường cạnh tranh thu hút dòng vốn quốc tế.

 Cơ chế đặc thù là bệ phóng để TP.HCM giải phóng tối đa tiềm năng. Ảnh: THUẬN VĂN

Cơ chế đặc thù là bệ phóng để TP.HCM giải phóng tối đa tiềm năng. Ảnh: THUẬN VĂN

Song song đó, việc ban hành luật riêng về các nội dung liên quan đến phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế là cần thiết để xác lập hành lang pháp lý tối cao, trao quyền cho TP.HCM trong việc lựa chọn phương thức đầu tư, đối tác chiến lược, huy động vốn và đầu tư hạ tầng tài chính – công nghệ và phát triển nguồn nhân lực đồng bộ.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế pháp lý minh bạch, ổn định và phù hợp với thông lệ quốc tế để đảm bảo an toàn pháp lý cho nhà đầu tư, bao gồm cả việc cân nhắc thành lập thêm một tòa án độc lập hoặc trung tâm trọng tài quốc tế dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia thành công đi trước.

Mô hình trung tâm cần được thiết kế phù hợp với đặc điểm kinh tế Việt Nam, không nên cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm tài chính đã có uy tín trong khu vực, mà nên xác lập vai trò bổ trợ, tận dụng lợi thế thị trường mới nổi, tiềm năng tăng trưởng cao.

Đây là cách để TP.HCM từng bước định vị vai trò và nâng tầm ảnh hưởng tài chính của Việt Nam trên bản đồ khu vực và toàn cầu.

. Xin cảm ơn ông.

TS NGUYỄN ĐỨC QUYỀN, chuyên gia Quản lý Công, Học viện Cán bộ TP.HCM:

Cơ chế đặc thù: ‘Chìa khóa vàng’ để TP.HCM cất cánh

TP.HCM là đô thị đặc biệt, có vị trí địa lý, chính trị quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong 50 năm xây dựng, phát triển TP, Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng cho sự phát triển của TP nhằm khẳng định điều này, trong đó có hai nghị quyết đặc thù cho TP.HCM.

TP.HCM được trao cơ chế đặc thù không đơn thuần là ưu ái mà là sự thấu hiểu sâu sắc vai trò và tiềm năng đặc biệt của đối với sự phát triển chung của cả nước.

Bởi TP.HCM sở hữu vị trí địa lý chiến lược, bề dày lịch sử, tài nguyên phong phú và nguồn lực dồi dào, tạo nền tảng vững chắc, nhưng chính bản thân TP cũng có khát vọng vươn lên, tinh thần đổi mới sáng tạo, và những đóng góp to lớn, mang tính dẫn dắt vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây mới thực sự là động lực để Trung ương trao những chìa khóa đặc biệt.

Cơ chế đặc thù là bệ phóng để TP.HCM giải phóng tối đa tiềm năng, thử nghiệm những mô hình phát triển đột phá, giải quyết những điểm nghẽn bằng những giải pháp linh hoạt, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự thịnh vượng chung của quốc gia. Đó là sự đầu tư chiến lược cho tương lai, không chỉ cho riêng TP.HCM.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi TP.HCM đang hướng đến kỷ nguyên mới với những mục tiêu vươn mình mạnh mẽ, vai trò của cơ chế đặc thù càng trở nên sống còn và mang tính quyết định.

Cơ chế đặc thù không chỉ là đòn bẩy mà là luồng gió mới để TP.HCM loại bỏ những rào cản, giải phóng tiềm năng sẵn có, tạo không gian đột phá cho các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

chế đặc thù cho phép TP.HCM mạnh dạn thí điểm những mô hình phát triển mới, những giải pháp đột phá mà các địa phương khác chưa thể áp dụng, từ đó tạo ra kinh nghiệm và lan tỏa cả nước. Đơn cử như việc trao quyền tự quyết lớn hơn trong quản lý tài chính, quy hoạch đô thị, thu hút đầu tư giúp TP.HCM chủ động kiến tạo tương lai theo tầm nhìn chiến lược. Hay với tầm nhìn là trung tâm tài chính quốc tế sẽ tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, thu hút nhân tài, công nghệ và vốn đầu tư chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên kinh tế số và toàn cầu hóa.

Cần mở rộng “đường băng” cho các cơ chế đặc thù của TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Đặc biệt, trong bối cảnh sáp nhập mở rộng, cơ chế đặc thù càng đóng vai trò xương sống để đồng bộ hóa quy hoạch và phát triển nhanh hơn, gíup TP.HCM định hình một không gian đô thị thống nhất, hài hòa giữa các khu vực mới, tránh tình trạng phát triển cục bộ, rời rạc. Đồng thời, tối ưu hóa nguồn lực trên quy mô lớn và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực về đất đai, tài chính, nhân lực trên toàn vùng đô thị mở rộng; tạo cơ sở pháp lý và cơ chế phối hợp hiệu quả để giải quyết các thách thức chung như giao thông, môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn rộng lớn hơn.

Đây chính là “chìa khóa vàng để TP.HCM cất cánh mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa khát vọng trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, có tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh mở rộng không gian phát triển đầy hứa hẹn.

Bên cạnh đó, cơ chế đặc thù cho TP.HCM còn như một áo giáp kiên cố và vũ khí lợi hại, tăng cường đáng kể sức đề kháng và khả năng ứng phó của TP.HCM trước những bão táp bên ngoài. Nó tạo ra sự linh hoạt, chủ động và nguồn lực cần thiết để TP tự điều chỉnh, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và duy trì đà phát triển.

Tuy nhiên, bản lĩnh nội tại, sự đoàn kết của người dân, năng lực lãnh đạo và quản trị điều hành hiệu quả vẫn là những yếu tố cốt lõi, mang tính quyết định. Cơ chế đặc thù là điều kiện cần, nhưng không phải là điều kiện duy nhất và tuyệt đối.

Một TP mạnh mẽ thực sự cần sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh bên ngoài từ cơ chế đặc thù và nội lực bên trong vững chắc. Nếu chỉ dựa vào cơ chế mà thiếu đi sự chủ động, sáng tạo và ý chí tự cường, TP.HCM vẫn có thể chao đảo trước những biến động khó lường, sức mạnh thực sự để vượt qua mọi thách thức nằm ở chính nội lực và bản lĩnh của TP.HCM.

thể nói, trao cơ chế đặc thù đã là một bước tiến, nhưng để con hổ TP.HCM thực sự cất cánh, điều cốt yếu là phải trao thêm năng lượng và mở rộng đường băng cho cơ chế ấy. Lúc ấy, con hổ sẽ mọc thêm cánh và đôi cánh ấy sẽ gắn thêm động cơ hoặc phản lực để bay nhanh hơn.

Chính vì vậy, tôi cho rằng Trung ương không chỉ ban hành cơ chế đặc thù cho TP.HCM mà cần “ươm mầm để cơ chế đặc thù bén rễ sâu trong thực tiễn. Cần có sự hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để TP.HCM tự tin và linh hoạt vận dụng.

Việc cho thêm cơ chế và phát huy hơn nữa cơ chế đặc thù ấy chính là sự tin tưởng, trao quyền thực chất, để TP.HCM chủ động kiến tạo những giải pháp đột phá, mang lại những kết quả cân đong đo đếm được, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của đất nước. Đó là chìa khóa để tiềm năng hóa thành sức mạnh thực tế.

LÊ THOA ghi

LÊ THOA thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-tu-nghi-quyet-98-den-cac-co-che-dac-thu-vuot-troi-khac-trong-ky-nguyen-moi-post844608.html