TP.HCM và ĐBSCL cùng khai thác tiềm năng để phát triển

TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL xây dựng các nội dung hợp tác trong năm 2023 và năm lĩnh vực tập trung trong giai đoạn 2024-2025.

Chiều 21-7, tại TP Cần Thơ, UBND TP.HCM phối hợp với UBND TP Cần Thơ và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị công bố Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024-2025 (gọi tắt là Kế hoạch).

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (bìa trái) trao đổi cùng Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường (bìa phải) và các đại biểu bên hành lang hội nghị. Ảnh: THÙY DUNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi (bìa trái) trao đổi cùng Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường (bìa phải) và các đại biểu bên hành lang hội nghị. Ảnh: THÙY DUNG

Phát huy tiềm năng khác biệt

Theo đó, Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả, thực chất thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong các lĩnh vực kết nối cung - cầu hàng hóa, du lịch, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại, đầu tư, đào tạo lao động, công nghệ cao, giao thông, nông nghiệp, môi trường, y tế, đầu tư các khu công nghiệp, an sinh xã hội.

Trong năm 2023, TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP.HCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; tổ chức chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Trong năm 2024-2025, các địa phương sẽ tập trung thực hiện năm lĩnh vực gồm phát triển hạ tầng giao thông; phát triển du lịch; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động.

Để thực hiện các nội dung hợp tác, TP.HCM đề xuất thành lập Tổ công tác triển khai thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương. Trong đó, Tổ điều phối do ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, làm tổ trưởng, thành viên là chủ tịch và phó chủ tịch UBND 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Tại hội nghị, các địa phương đều bày tỏ đồng tình với Kế hoạch hợp tác do TP.HCM nêu ra. Lãnh đạo các địa phương cam kết nỗ lực hết mình, tích cực phối hợp với trách nhiệm cao trong việc triển khai các nội dung hoạt động mà Kế hoạch đề ra. Đồng thời, các lãnh đạo bày tỏ mong muốn làm sao chương trình phối hợp này phát huy được tiềm năng khác biệt và lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương trong vùng. Các nội dung thực hiện đòi hỏi sự đồng lòng của TP.HCM và các địa phương trong vùng đảm bảo sự định hướng phát triển hài hòa toàn khu vực.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết việc xây dựng Kế hoạch hợp tác này dựa trên Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL và Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ. Ông nhấn mạnh TP.HCM hợp tác và cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL khai thác các cơ hội để phát triển.

Cần Thơ phấn đấu thành
trung tâm vùng

Chưa bao giờ vùng ĐBSCL được sự quan tâm của trung ương, Quốc hội, Chính phủ như hiện nay. Cơ hội phát triển vùng ĐBSCL còn được gắn kết với động lực phát triển của cả nước là TP.HCM. Để trở thành trung tâm như nghị quyết của trung ương, TP Cần Thơ cố gắng tăng cường kết nối giao thông, cảng, logistics, chọn thế mạnh phù hợp để phát triển, không tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết với các địa phương trong 13 tỉnh, thành...

Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ NGUYỄN VĂN HIẾU

TP.HCM làm đầu mối nhiều nội dung hợp tác

Sau khi nghe các địa phương bổ sung nội dung đề nghị hợp tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP tiếp thu các ý kiến góp ý và tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch trong các đợt triển khai.

Trong đó, về lĩnh vực giao thông, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Sở GTVT TP sẽ làm đầu mối phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành trong vùng để bàn từng bước cụ thể hóa những nội dung hợp tác.

Ông Mãi cho biết TP tiếp thu ý kiến về đường ven biển, hành lang kinh tế từ TP.HCM đi Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, kể cả đường hàng không.

“Giống như cách tiếp cận đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, TP sẽ chịu trách nhiệm mời tư vấn nghiên cứu các nội dung này một cách bài bản. Riêng đường sắt TP.HCM - Cần Thơ do Bộ GTVT chủ trì, tuy nhiên các nội dung khác chúng ta phải tập trung nghiên cứu và phải mời tư vấn, thậm chí tư vấn quốc tế. TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm về kinh phí, tư vấn, sau khi có kết quả sẽ bàn bạc cùng với các tỉnh, thành” - ông Mãi nói.

Cũng trong vấn đề giao thông, người đứng đầu UBND TP.HCM đề nghị tỉnh Tiền Giang giúp cho phà biển tuyến Gò Công - Cần Giờ, hiện tại TP đã có tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Về đường ven biển TP đang rất tập trung, TP sẽ quan tâm nghiên cứu, nối từ miền Đông xuống miền Tây thông qua đường ven biển ĐBSCL.

“Chúng tôi đánh giá phà biển nếu thông từ Gò Công sang Cần Giờ, sang Bà Rịa-Vũng Tàu thì chúng ta sẽ phát triển du lịch cả tuyến từ miền Đông đến miền Tây và ngược lại. Theo đánh giá sơ bộ, nếu đi đường này thì tiết kiệm được 2-3 tiếng” - Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, lĩnh vực du lịch sẽ do Sở Du lịch TP làm đầu mối. Hợp tác du lịch giữa TP.HCM và vùng ĐBSCL đã có chương trình trước đây thì đề nghị tiếp tục phát huy. Cạnh đó, ông muốn các địa phương thống nhất, làm sao trong năm nay định hình lại tour tuyến du lịch từ TP.HCM đi ĐBSCL để khai thác hết kỳ nghỉ của khách trong nước và quốc tế thì mới thực sự là liên kết.

“Nếu chúng ta không xác lập vai trò trung tâm của TP Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL thì chúng ta sẽ khó và quay trở lại manh mún.”

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Qua đây, ông Mãi nhắc lại sự xuất hiện của du lịch các tỉnh ĐBSCL tại Tuần lễ du lịch TP.HCM vừa rồi rất rời rạc. Ông cho rằng nếu không xuất hiện như một khu vực, một vùng thì không thể xúc tiến du lịch được, trong khi các tỉnh Tây Bắc vào làm rất chỉn chu. Vì vậy, ông cho rằng cần rút kinh nghiệm và lãnh đạo các địa phương quan tâm, làm lại, để khi xuất hiện là xuất hiện với tư cách du lịch của vùng ĐBSCL. Với thế mạnh các công ty lữ hành TP.HCM và tiềm năng, sản phẩm của vùng ĐBSCL, ông cho rằng các địa phương hoàn toàn có thể làm được.

Về kết nối cung - cầu, ông Mãi cho rằng nếu hoạt động nào thấy rằng phải đem sản phẩm lên TP.HCM hiệu quả hơn thì đem lên, còn nếu hoạt động nào mà muốn nhà đầu tư hiểu về đồng bằng và gắn với việc phát triển mạng lưới ở đây thì nên để ở đây… Ông cho rằng việc kết nối cung - cầu và xúc tiến đầu tư là việc có thể làm ngay và mang lại hiệu quả rất thiết thực, giúp kết nối các doanh nghiệp của TP và doanh nghiệp của vùng ĐBSCL.

Người đứng đầu UBND TP.HCM cho rằng trong Kế hoạch có hợp tác chung và hợp tác song phương nhưng tinh thần là lấy nền hợp tác của vùng ĐBSCL và TP.HCM chứ không nên tách ra từng địa phương sâu quá sẽ phá vỡ khung hợp tác.

“Đề nghị chúng ta gồm cả TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL phải xác nhận vai trò trung tâm và đầu tàu của TP Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL. Chúng ta cùng nhau nghĩ thế, làm việc như thế thì dần dần sẽ hình thành (trung tâm, đầu tàu của vùng ĐBSCL). Còn nếu chúng ta không xác lập vai trò trung tâm của TP Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL thì chúng ta sẽ khó và quay trở lại manh mún!” - Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ.•

Năm nội dung hợp tác giai đoạn 2024-2025

• Phối hợp với Bộ GTVT triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, triển khai dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ ven biển TP.HCM - ĐBSCL; tăng cường kết nối đường thủy.

• Triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực du lịch...

• Trao đổi kinh nghiệm, giải pháp khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong công tác phòng, chống lụt bão... Hình thành hành lang đa dạng sinh học kết nối Vườn quốc gia Mũi Cà Mau - sân chim Đầm Dơi - Thạnh Phú - Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ; hình thành trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học tại Phú Quốc.

• Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tính đến liên kết bền vững. Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng phục vụ hoạt động điều phối vùng...

• Sẽ có đề án hợp tác chuyển giao kinh nghiệm khám chữa bệnh, điều trị chuyên sâu, hội chẩn từ xa, nâng cao năng lực y tế cơ sở; kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm; đào tạo nhân lực cho vùng; phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm...

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-va-dbscl-cung-khai-thac-tiem-nang-de-phat-trien-post743496.html