TP.HCM và giấc mơ 'đô thị dưới lòng đất gắn với metro'
Các ga metro ngầm là yếu tố quan trọng để hình thành không gian ngầm tại khu trung tâm, nhằm tăng quỹ đất thương mại dịch vụ, kết nối các chức năng giữ xe, đi bộ, mua sắm...
15 năm, kể từ khi TP.HCM nhen nhóm nghiên cứu quy hoạch ngầm hóa, tiềm năng phát triển không gian công cộng ở trung tâm giao thông dưới lòng đất đã thúc đẩy các nhà quy hoạch suy nghĩ về vai trò của loại hình này, đặc biệt với một đô thị như TP.HCM.
“Khi chưa có hoạch định, phát triển không gian đô thị ngầm gắn với metro sẽ là thách thức với TP.HCM. Song, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố cho thấy nhiều tiềm năng để khai mở khu đô thị dưới lòng đất, nhất là trong bối cảnh quỹ đất trung tâm đã cạn dần”, TS.KTS Hoàng Ngọc Lan, giảng viên Đại học Kiến Trúc TP.HCM, nhìn nhận.
Cơ hội từ metro ngầm
Mô hình không gian ngầm đã được TP.HCM tính đến từ nhiều năm qua, nhưng hầu hết dự án đều thất bại. Các bãi xe ngầm ở công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, nhà hát Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư kết hợp với các trung tâm thương mại... từng được thành phố đặt ra đến nay vẫn nằm trên giấy.
Kế hoạch xây dựng không gian ngầm tưởng như dần khép lại, song việc xuất hiện không gian ngầm tại 3 nhà ga metro đã một lần nữa mở ra cơ hội mới cho TP.HCM.
Theo TS.KTS Hoàng Ngọc Lan, metro số 1 có 2,6 km đi ngầm là yếu tố quan trọng trong quy hoạch đô thị. Hướng khai thác chiều sâu thay vì chiều cao như trước đây sẽ giúp TP.HCM tăng hiệu quả sử dụng, tiết kiệm nguồn tài nguyên đất đai.
Mô hình này còn giải quyết được nhiều vấn đề của đô thị như hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các đường ống, tuyến giao thông, bãi xe ngầm lẫn tiện ích cho người dân, bao gồm những loại hình thương mại dịch vụ, giải trí.
"Phải có quy hoạch không gian ngầm đô thị là điều kiện tiên quyết để làm được việc này", theo KTS Hoàng Ngọc Lan. Bà cho hay cách làm này đã được nhiều thành phố, đặc biệt đô thị lớn trên thế giới tiếp cận, nghiên cứu và thực hiện nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất mà vẫn giữ được không gian phía trên đô thị.
Cùng góc nhìn, TS.KTS Trần Mai Anh, Viện phó Viện đào tạo quốc tế Đại học Kiến trúc TP.HCM, đánh giá với kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đường sắt đô thị sẽ tác động mạnh đến không gian đô thị ở nhiều góc độ.
Khi xây dựng trong khu vực đô thị hiện hữu, nếu không lựa chọn phương án đi ngầm, dự án sẽ cần giải tỏa quy mô lớn không gian xây dựng đang có. Cách làm này không những tác động về mặt không gian, còn có nhiều tác động đến kinh tế, xã hội và môi trường.
“Với chi phí đắt gấp 5 lần so với việc đi nổi, nhưng để đảm bảo ít tác động nhất đến không gian của khu vực trung tâm - nơi chứa đựng nhiều di sản đô thị, thành phố quyết định đi ngầm toàn bộ 2,6 km qua 3 nhà ga trung tâm là hợp lý”, TS.KTS Mai Anh nhận định.
Tuy vậy, chuyên gia lưu ý việc ngầm hóa 3 nhà ga vẫn không tránh khỏi những tác động nhất định đến một số công trình khi triển khai thực hiện.
Khai thác phải hợp lý
Ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, khi xây dựng đô thị mới chỉ tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm. Trong khi đó, nhìn sang một số quốc gia như Nhật Bản, Singapore, họ luôn quy hoạch không gian ngầm bám theo mạng lưới metro.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, phân tích trong khu vực trung tâm TP.HCM, nếu khai thác không gian ngầm không hợp lý sẽ làm tăng mật độ giao thông.
“Không gian ngầm mà tăng thêm giải trí, thương mại nhiều quá chắc chắn cảnh tượng không khác gì trên mặt đất”, ông Hiển góp ý và cho rằng không gian ngầm cần ưu tiên để giảm tải giao thông, tạo thành những “cầu vượt” dưới lòng đất, kết nối metro và các khu đô thị.
TS.KTS Hoàng Ngọc Lan phân tích hầu hết tuyến metro chạy qua khu trung tâm đô thị phải đi ngầm vì nhiều lý do như quỹ đất ít ỏi, công trình xây dựng hiện hữu nhiều và giá đất bị đẩy cao.
Do đó, thành phố cần lập quy hoạch không gian ngầm đô thị, trong đó, ga metro ngầm là một yếu tố quan trọng để hình thành không gian dưới lòng đất tại khu trung tâm. "Việc khai thác không gian ngầm xung quanh các ga metro trung tâm TP.HCM hoàn toàn khả thi trong bối cảnh quỹ đất trung tâm hạn hẹp và cần giữ không gian thông thoáng cho đô thị", bà Lan nói.
Theo nữ tiến sĩ, để phát triển không gian ngầm đô thị, điều đầu tiên phải có quy hoạch không gian ngầm để tạo nên một bản đồ tổng thể. Đặc biệt, cần tính toán sự kết nối của các chức năng trong không gian ngầm như ga metro - khu thương mại dịch vụ - bãi xe, lối đi bộ ngầm phải liên kết công trình trong khu trung tâm.
Khi mạng lưới metro phát triển đồng bộ với không gian ngầm đô thị, TS Hoàng Ngọc Lan nhận định người dân sẽ dần hình thành thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng, tiếp cận tiện ích đô thị như các nước phát triển trên thế giới. Từ đó, phương tiện cá nhân sẽ giảm, đặc biệt tại các tuyến đường có metro kết nối.
"Đây cũng là một giải pháp để giảm giao thông cá nhân trong tương lai. Việc này cũng làm thay đổi lối sống và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đô thị của người dân hơn", KTS Hoàng Ngọc Lan nêu quan điểm.