TP.HCM và nhiều địa phương công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Ngày 7/12, HĐND nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh nhiệm kỳ 2021-2026.

TP.HCM công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM, kết quả ban kiểm phiếu được công bố với 31 lãnh đạo chủ chốt, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ có số phiếu tín nhiệm cao là 73/81 (tỷ lệ 90%), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có số phiếu tín nhiệm cao là 69/81 (tỷ lệ 85%). Các Phó Chủ tịch UBND TP.HCM có kết quả phiếu tín nhiệm cao cụ thể là: Ông Ngô Minh Châu (85%), ông Võ Văn Hoan (79%), ông Dương Anh Đức (73%) và ông Bùi Xuân Cường (81%).

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi có tỷ lệ phiếu "tín nhiệm cao" là 85%

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi có tỷ lệ phiếu "tín nhiệm cao" là 85%

Ông Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố có số phiếu tín nhiệm cao là 73/81 (tỷ lệ 90%); Giám đốc Công an TP.HCM Lê Hồng Nam có số phiếu tín nhiệm cao là 71/81 (88%).

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã và Trưởng ban Dân tộc TP.HCM Huỳnh Văn Hồng Ngọc cùng có số phiếu “tín nhiệm cao” thấp nhất với 44/81 phiếu (tỷ lệ 54%).

Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị, công tác lấy phiếu tín nhiệm cần đảm bảo khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, đây cũng là dịp để từng cán bộ tự soi mình, đối chiếu lại những việc mình đã hứa trước HĐND Thành phố khi nhận nhiệm vụ, xem mình thực hiện được đến đâu, nguyên nhân và phấn đấu nâng cao hiệu suất công việc, đồng thời xây dựng chương trình hành động từ nay đến cuối nhiệm kỳ để hoàn thành chức trách được giao.

Yên Bái có 5 người đạt 100% phiếu "tín nhiệm cao"

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 14 – HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX, chiều nay (7/12), HĐND tỉnh đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

HĐND tỉnh Yên Bái lấy phiếu tín nhiệm các chức danh

HĐND tỉnh Yên Bái lấy phiếu tín nhiệm các chức danh

Kết quả, có 5 người đạt 100% phiếu tín nhiệm cao là: ông Vũ Quỳnh Khánh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Trần Công Ứng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; bà Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Giám đốc Sở Tài chính. Có 21 người có số phiếu tín nhiệm cao đạt từ 81% trở lên.

Ông Hồ Đức Hợp – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có phiếu tín nhiệm cao thấp nhất, với 35/53 phiếu tín nhiệm cao, đạt 66,04%.

100% đại biểu tại kỳ họp đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 96, ngày 23/6/2023 của Quốc hội. Đây là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ.

“Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm. Giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ”, ông Đỗ Đức Duy nêu rõ.

HĐND TP Hải Phòng lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 người

Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hải Phòng khóa XVI tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 29 người giữ chức danh do HĐND TP bầu.

Theo kết quả này, ở khối thường trực HĐND thành phố, ông Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng có số phiếu tín nhiệm cao đạt 54/62 phiếu (tỉ lệ 87,09%); tiếp đến là ông Trần Việt Tuấn, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hải Phòng với 51/62 phiếu tín nhiệm cao (tỉ lệ 82,25%).

Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng có số phiếu tín nhiệm cao đạt 60/62 phiếu (tỉ lệ 96,77%), không có phiếu đánh giá tín nhiệm thấp

Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng có số phiếu tín nhiệm cao đạt 60/62 phiếu (tỉ lệ 96,77%), không có phiếu đánh giá tín nhiệm thấp

Ở khối UBND thành phố, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng có số phiếu tín nhiệm cao đạt 60/62 phiếu (tỉ lệ 96,77%), không có phiếu đánh giá tín nhiệm thấp.

Ông Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an TP Hải Phòng đứng thứ hai về số phiếu tín nhiệm cao, với 57 phiếu, chiếm 91,93%; tiếp đến ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng và ông Bùi Hùng Thiện, Chánh Thanh tra thành phố, với 53 phiếu (tỉ lệ 85,48%).

Ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng có số tín nhiệm cao thấp nhất (21 phiếu, chiếm tỉ lệ 33,87%) và số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất (13 phiếu, tỉ lệ 20,96%).

Trước đó, trong phiên khai mạc Kỳ họp diễn ra vào sáng 6/12, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đề nghị, mỗi đại biểu HĐND TP nêu cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước Đảng, trước cử tri và nhân dân Thành phố để xem xét, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác mức độ tín nhiệm đối với từng cán bộ. Ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh: Mỗi lá phiếu công tâm, khách quan, mang tính xây dựng của đại biểu sẽ là một viên gạch hồng xây lên sự đoàn kết, vững mạnh của thành phố.

“Đây là lần lấy phiếu tín nhiệm duy nhất trong nhiệm kỳ, góp phần đánh giá cán bộ, về uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giúp cán bộ thấy được mức độ tín nhiệm và uy tín để tự nhìn lại mình, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ và đặc biệt là chuẩn bị công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nêu rõ.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Bình Phước

Tiếp tục kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh Bình Phước khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu.

Các đại biểu HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhệm (ảnh: ĐC)

Các đại biểu HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhệm (ảnh: ĐC)

Kết quả, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng đạt 55 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 98,21% tổng số phiếu thu về), 1 phiếu tín nhiệm và không có phiếu tín nhiệm thấp; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền đạt 51 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 91,7% tổng số phiếu thu về), 5 phiếu tín nhiệm và không có phiếu tín nhiệm thấp.

Người có phiếu tín nhiệm cao tiếp theo là ông Hà Anh Dũng, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Bình Phước có 48 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 85,71% tổng số phiếu thu về), 7 phiếu tín nhiệm và 1 phiếu tín nhiệm thấp.

Hai người có phiếu "tín nhiệm cao" dưới 50% là ông Võ Tất Dũng, Giám đốc Sở Xây dựng (gần 34%) và ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (37,5%).

Lãnh đạo HĐND tỉnh Bình Phước cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu là nội dung được thực hiện định kỳ theo quy định của pháp luật với quy trình, thủ tục, đảm bảo nghiêm túc, dân chủ, khách quan.

Thiếu thuốc, vật tư y tế đến bao giờ?

Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X diễn ra chiều 7/12, có ý kiến cho biết, thời gian qua, rất nhiều cử tri tại tỉnh Quảng Nam bức xúc, kiến nghị về tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế... phục vụ công tác khám chữa bệnh vẫn còn xảy ra tại một số cơ sở điều trị công lập. Nhiều loại thuốc thông thường như đau mắt, đau đầu, cảm sốt vẫn khan hiếm. Nhiều đại biểu lo ngại trước thực tế nhiều cơ sở y tế công lập không có một số loại thuốc đặc trị bệnh nặng, trong khi người nghèo cần khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế thì lấy tiền đâu mua thuốc.

Nhiều ý kiến cho rằng, không thể đổi lỗi do cơ chế để biện minh cho thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại hầu hết các cơ sở y tế công lập ở tỉnh Quảng Nam. Thực tế tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước đã tháo gỡ được các vướng mắc trong công tác đầu thấu thuốc, vật tư y tế.

Đại biểu Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam nêu thực trạng, cơ sở y tế tư nhân đấu thầu mua thuốc được ngay, trong khi cơ sở y tế công thì luôn vướng. Dù bệnh viện tư nhân cũng khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, nhưng người nghèo thì lấy tiền đâu để vào sử dụng dịch vụ ở khu vực này.

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam trả lời chất vấn của các đại biểu

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam trả lời chất vấn của các đại biểu

“Nếu cứ để thực trạng này kéo dài sẽ gây tổn thương ghê gớm đối với y tế công lập vì đội ngũ y, bác sĩ sẽ bỏ ra làm cho cơ sở y tế tư nhân hết. Sở Y tế cho biết đã có thuốc rồi nhưng mà vật tư y tế kèm theo không có thì liệu rằng lãnh đạo Sở Y tế có dám khẳng định với người dân tỉnh Quảng Nam rằng có thể đáp ứng công tác khám chữa bệnh được không? Người dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục chịu cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế đến bao giờ?”

Trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho rằng, để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại cơ sở y tế công lập có trách nhiệm lớn của ngành y tế, Hội đồng thẩm định đấu thầu mua vật tư y tế, hóa chất tập trung tỉnh và cá nhân giám đốc sở.

Ông Mai Văn Mười giải thích, đây là giai đoạn khó khăn do nhiều trở ngại về pháp lý khi triển khai công tác đấu thầu thuốc và vật tư y tế. Trước đây, Sở Tài chính là đơn vị thực hiện thẩm định khi đấu thầu thuốc, vật tư y tế, nhưng đến nay thì giao cho Sở Y tế thẩm định nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

“Song song với việc triển khai thủ tục đấu thầu đối với các gói thầu tập trung thì ngành y tế tổ chức thẩm định các gói thầu hóa chất, vật tư y tế dưới 1 tỷ đồng để từng bước tháo gỡ. Ngành y tế xin hứa với các đại biểu và cử tri tỉnh Quảng Nam sẽ nỗ lực, tập trung chỉ đạo triển khai những gói thầu trong những năm tiếp theo tốt hơn, tổ chức thực hiện sớm, kịp thời" - ông Mười nói.

Quảng Trị đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt 6,5- 7%

Sau 2,5 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh Quảng Trị đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Quảng Trị tập trung xem xét hơn 60 báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết và biểu quyết thông qua 32 Nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, HĐND tỉnh Quảng Trị đã thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh Quảng Trị, khóa VIII

Kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh Quảng Trị, khóa VIII

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030 là phát triển tỉnh Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước và có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; phát triển hài hòa giữa các mục tiêu: kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh quốc phòng - hợp tác khu vực, quốc tế. Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, sớm hình thành trung tâm hydro xanh; một trong những trung tâm năng lượng sạch của vùng và cả nước.

Để đạt các mục tiêu vừa nêu, Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và 13 nhóm giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực. Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đề nghị, ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh, các cơ quan tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh bảo đảm tính chủ động, toàn diện, đồng bộ, đạt hiệu quả cao.

“Xác định mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 đạt 6,5% đến 7%; Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người ước đạt 77 triệu đồng. HĐND tỉnh quyết nghị các nhóm giải pháp trọng tâm một là tập trung hoàn thiện và triển khai có hiệu quả quy hoạch của tỉnh thời kì 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phê duyệt các quy hoạch đang triển khai, xây dựng khu kinh tế Đông- Nam giai đoạn 3; điều chỉnh khu quy hoạch chung khu thương mại đặc biệt Lao Bảo gắn với công tác xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư và hỗ trợ các thủ tục đầu tư cho các dự án động lực”, ông Nguyễn Đăng Quang cho hay.

Gia Lai bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 15, khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026), HĐND tỉnh Gia Lai thảo luận tổ và thảo luận chung. Buổi thảo luận có nhiều nội dung quan trọng tập trung vào các giải pháp tăng trưởng và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh.

Trong phiên thảo luận chung tại Hội trường, đại biểu nêu ý kiến, mặc dù UBND tỉnh đã thành lập nhiều tổ kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng 7/21 chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2023 của tỉnh Gia Lai không đạt. Vì vậy, các ngành cần có giải pháp riêng, cụ thể để thực hiện nhiệm vụ.

Tham gia thảo luận về giải pháp thời gian tới, ông Đinh Hữu Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đề nghị: “Để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới, thứ nhất cần tiếp tục tập trung vào giá trị sản xuất cây lâu năm, nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, gắn với cây trồng chủ lực như hồ tiêu, cà phê,; chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với thị trường như cây ăn quả, hoa, dược liệu và nhà máy chế biến. Thứ hai là tập trung đưa điện năng lượng mặt trời chưa được vận hành vào vận hành, tổng số hơn 900 MWp”.

Ông Phạm Minh Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Gia Lai nêu ý kiến

Ông Phạm Minh Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Gia Lai nêu ý kiến

Ông Phạm Minh Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Gia Lai cũng thảo luận, làm rõ nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong tiếp cận đất đai của hợp tác xã, định hướng quản lý vấn đề môi trường ngành chăn nuôi, tham mưu xác định giá đất để đẩy nhanh đầu tư công. Đồng thời, đề nghị các địa phương phối hợp triển khai nhanh các thủ tục để cấp đất cho người dân trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số.

“Về cấp đất, cho đồng bào dân tộc thiểu số trong chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã giao Sở TNMT tham mưu, hướng dẫn riêng về đất ở. Sở đã có văn bản hướng dẫn riêng các huyện. Đề nghị các huyện có phương án, lập danh sách để phê duyệt, triển khai”, ông Phạm Minh Trung kiến nghị.

Trước đó, trong phiên thảo luận tại tổ vào sáng 7/12, đại biểu HĐND tỉnh đã có 72 lượt ý kiến tham gia vào nội dung các báo cáo và tờ trình tại kỳ họp; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; giải quyết thủ tục hành chính về đất đai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng QL19; gỡ khó trong hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng; chế độ, chính sách cho đội ngũ y tế…

Chất vấn nhiều vấn đề "nóng" tại Cần Thơ

chiều 7/12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 13 HĐND thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn những vấn đề được cử tri và đại biểu HĐND thành phố quan tâm. Trong đó, đại biểu đặt hỏi về vấn đề tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên; thực trạng học sinh chưa đủ tuổi sử dụng xe phân khối lớn, kể cả xe đạp điện, nhất là đối tượng học sinh THCS.

Đại biểu Lê Văn Thưởng đặt câu hỏi đối với Giám đốc Công an và Sở GD&ĐT có giải pháp gì để ngăn chặn nguy cơ tai nạn và đảm bảo an toàn giao thông cho các em an toàn hơn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ trả lời chất vấn tại kỳ họp

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ trả lời chất vấn tại kỳ họp

Trả lời vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ cho biết, hàng năm, Công an thành phố đều có kế hoạch phối hợp cùng Sở GD&ĐT tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục cho học sinh về An toàn Giao thông. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu về đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời xác định trách nhiệm các bên liên quan.

Theo thống kê, năm học 2023, Công an thành phố đã phối hợp tổ chức tuyên truyền cho hơn 60.000 học sinh tại 160 trường, xây dựng thí điểm 12 mô hình cổng trường an toàn giao thông.

Ban An Toàn Giao thông thành phố tổ chức chuyên đề phổ biến tuyên truyền cho hơn 8.000 sinh viên, học viên cao đẳng và đại học; hơn 15.000 học sinh phổ thông và 800 học sinh mầm non tiếp cận bước đầu về ý thức tham gia giao thông.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, trong năm 2023, Công an thành phố phối hợp xử lý 724 trường hợp liên quan đến học sinh. Đồng thời phối hợp cùng các địa phương giáp ranh, nhất là khu vực cầu cần thơ kịp thời ngăn chặn thanh thiếu niên đua xe trái phép.

Trong thời gian tới, Công an TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp cùng Sở GD&ĐT nâng cao hiệu quả cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông.

Thông tin thêm về vấn đề đại biểu quan tâm, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ cho rằng, việc đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh là trách nhiệm chính của ngành. hàng năm, ngành đều phối hợp Công An thành phố, Ban ATGT tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn.

ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ trả lời chất vấn

ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ trả lời chất vấn

Theo ông Bình, những năm vừa qua, nhận thức của học sinh nâng lên rất nhiều, nhất là học sinh phổ thông. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng học sinh sử dụng xe phân khối lớn. Do đó, đảm bảo học sinh tham gia giao thông an toàn, ngành Giáo dục Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp mời chuyên gia đến cơ sở giáo dục tuyên truyền. Đồng thời, chỉ đạo nhà trường tăng cường thông tin và tuyên truyền pháp luật ATGT bằng nhiều hình thức, nhất là qua các hội thi, cuộc thi từ đó giúp các em ý thức hơn khi tham gia giao thông.

Thực hiện cam kết cùng phụ huynh không giao xe cho học sinh khi chưa đủ tuổi, vận động người dân xung quanh và nhà trường không tổ chức giữ xe phân khối lớn. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục về giáo dục tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông. Phối hợp lực lượng giao thông khi phát hiện xử lý nghiêm để không giao xe cho học sinh khi không đủ điều kiện.

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND Bà Rịa – Vũng Tàu

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND khóa 7 năm 2021-2026 khai mạc ngày 7/12, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh đề nghị, các ngành cần tập trung chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân để khắc phục những điểm chưa đạt được của địa phương trong năm 2024.

Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu tại kỳ họp (ảnh: Lưu Sơn)

Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu tại kỳ họp (ảnh: Lưu Sơn)

Năm 2023, các ngành kinh tế của tỉnh duy trì tăng trưởng tích cực. Một số hoạt động kinh tế đạt kết quả nổi bật như: GRDP trừ dầu khí tăng 5,75%; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 107,31% so với dự toán… Tuy nhiên vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng.

Cụ thể, có 4/14 chỉ tiêu kinh tế, 2/18 chỉ tiêu xã hội và 2/6 chỉ tiêu môi trường chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2023 cao hơn năm 2022 nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, chỉ đạt 95,80%. Tình hình triển khai một số công trình, dự án còn chậm, chưa thực hiện kế hoạch đấu giá đất năm 2023; công tác quy hoạch, điều chỉnh các loại quy hoạch ở một số địa phương chưa bảo đảm tiến độ. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thấp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) còn hạn chế. Tội phạm ma túy, xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh vẫn còn xảy ra…

Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Viết Thanh cho biết, tại kỳ họp lần này các đại biểu cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, thể hiện rõ quan điểm, chính kiến đối với từng nội dung để triển khai hiệu quả nhiệm vụ trong năm 2024.

“Vẫn còn lĩnh vực, ngành nghề chưa đạt mức tăng trưởng và chỉ tiêu đề ra. Đề nghị các đại biểu HĐND tập trung thảo luận, đánh giá, khách quan, toàn diện kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ, giải pháp khả thi, hiệu quả để thực hiện”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh.

Nhóm PV/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tphcm-va-nhieu-dia-phuong-cong-bo-ket-qua-lay-phieu-tin-nhiem-post1064120.vov