TP HCM: Vững vàng 'đầu tàu' kinh tế của cả nước
TP HCM luôn vững vàng với vị trí 'đầu tàu' kinh tế của cả nước. Các chỉ số tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn duy trì ở mức rất cao và luôn nằm trong 'top' đầu cả nước.
TP HCM: Vững vàng ‘đầu tàu’ kinh tế của cả nước
Theo báo cáo của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, nếu như năm 2015, quy mô GRDP của TP HCM đạt hơn 919.000 tỷ đồng, thì sau 10 năm - tức năm 2024, quy mô GRDP của TP HCM đã tăng lên gần 1,78 triệu tỷ đồng, mức tăng gần gấp đôi so (khoảng 93,5%). Trong suốt 10 năm đó, quy mô kinh tế của TP HCM luôn đứng vị trí số 1 cả nước.
Trong giai đoạn 2015 - 2024, chỉ có duy nhất năm 2021, do chịu tác động của đại dịch COVID-19, GRDP của TP HCM có xu hướng sụt giảm đôi chút, tuy nhiên sang năm 2022, thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa trở lại, kinh tế TP HCM lập tức tăng vọt (hơn 9%) và duy trì mức tăng hơn 7% cho tới thời điểm hiện tại.

Quy mô kinh tế của TP HCM luôn đứng vị trí số 1 cả nước. (Ảnh: ST)
Về GRDP bình quân đầu người năm 2023, TPHCM đạt 170,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn 67,7 triệu đồng so với mức bình quân 102,9 triệu đồng/người/năm của cả nước.
Trong giai đoạn 2015-2023, GRDP bình quân đầu người của TPHCM tăng trung bình gần 6,7 triệu đồng/năm, xếp thứ 4 sau Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh và Hải Phòng
Riêng trong năm 2024, bất chấp những biến động của kinh tế thế giới, GRDP của TP HCM vẫn duy trì mức tăng 7,17%, thu ngân sách khoảng 508.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kinh tế thành phố duy trì đà phục hồi ổn định với tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,7%, chiếm 65,5% GRDP, đóng góp 68,8% vào tăng trưởng chung. Ngành công nghiệp tăng 7,26%, chiếm 18,2% GRDP, nhưng vẫn phục hồi chậm.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 của TP HCM tăng trưởng ổn định, ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 11%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 11%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9%, dịch vụ lữ hành tăng 55% và các dịch vụ khác tăng 8%. Thu từ du lịch năm 2024 ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê, trong quý I/2025, GRDP của TP HCM ước đạt 457.000 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ năm 2024 và cao hơn mức tăng chung của cả nước là 6,93%.
Điểm sáng của kinh tế 3 tháng đầu năm của thành phố là ngành dịch vụ tăng trưởng cao nhất 7 năm qua, đạt 8,72%. Trong đó, vận tải tăng cao nhất tăng 13,9%, bất động sản cũng khởi sắc tăng 15,8%.
Công nghiệp tăng trưởng cao nhất 5 năm, đạt 5,94%. Ngoài ra, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cũng tích cực. Vốn FDI đổ vào địa phương 3 tháng đầu năm khoảng 567,21 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ.
Mục tiêu tăng trưởng 10%: Thách thức nhưng không thể không thực hiện
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu cho thành phố mức tăng trưởng 8,5%, thế nhưng bản thân TP HCM tự đặt ra mục tiêu cao hơn, đó là tăng trưởng 10%, mức tăng trưởng này được đánh giá rất thách thức.
Bởi, những diễn biến bất ngờ từ thế giới trong thời gian vừa qua, như chính sách thuế quan mới của Mỹ, cạnh tranh thương mại giữa các siêu cường kinh tế trên thế giới, hay bất ổn, xung đột chính trị vẫn đang tiếp diễn, những yếu tố này đã và đang tác động không nhỏ tới quá trình tăng trưởng kinh tế của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025, thách thức nhưng không thể không thực hiện. (Ảnh: ST)
Để hiện thực hóa tăng trưởng GRDP trên 10%, ngay từ đầu năm 2025, UBND TP HCM đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thành phố cũng phấn đấu hoàn thành đạt, vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: Mục tiêu tăng trưởng ít nhất 10% trong năm 2025 rất nặng nề, đầy thách thức nhưng không thể không thực hiện.
Để đạt được mục tiêu này, TP HCM đề xuất loạt giải pháp trọng tâm, bao gồm các biện pháp trước mắt và chiến lược lâu dài nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Theo đó, lãnh đạo thành phố đưa ra ba giải pháp cấp bách nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2025.
Thứ nhất, TP HCM sẽ nhanh chóng sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo không gián đoạn trong quản lý nhà nước. Việc này gắn liền với triển khai đề án xây dựng nền công vụ của Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ phục vụ của công chức ở thành phố. Đây là nhiệm vụ nền tảng nhằm ổn định bộ máy, sẵn sàng bắt tay vào thực hiện các mục tiêu phát triển.
Thứ hai, thành phố tập trung mạnh mẽ vào cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn và xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng. TP HCM sẽ phân loại cụ thể từng nhóm vướng mắc, đề xuất giải pháp phù hợp và báo cáo Chính phủ cùng các bộ, ngành để có hướng tháo gỡ hiệu quả. Việc đưa các dự án vào hoạt động sẽ tạo nguồn thu ngân sách và huy động nguồn lực cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ ba là giải quyết triệt để các điểm nghẽn, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, đặc biệt là những dự án đang dừng thi công. Thành phố sẽ khẩn trương rà soát, tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm tránh lãng phí, thất thoát nguồn lực.
Với quyết tâm cao, TP HCM cam kết thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-vung-vang-dau-tau-kinh-te-cua-ca-nuoc-10288885.html