TP.HCM xây dựng hành lang sông Sài Gòn, học hỏi kinh nghiệm từ sông Seine
Đề xuất phân chia sông Sài Gòn thành bốn phân khu chính nhằm tận dụng các ưu điểm về không gian và hành lang ven bờ, đồng thời bảo tồn các giá trị lịch sử và văn hóa.
Ngày 2/3 vừa qua, với mong muốn tìm kiếm những giải pháp phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine.” Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của cộng đồng và các chuyên gia từ Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng với Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR).
Chủ tịch UBND TP HCM, ông Phan Văn Mãi, cho biết thành phố đang triển khai ba kế hoạch quy hoạch quan trọng, trong đó sông Sài Gòn đóng vai trò then chốt. Ông Mãi cũng kỳ vọng rằng ý kiến và nghiên cứu của các chuyên gia sẽ góp phần quan trọng vào việc cập nhật và lựa chọn các quy hoạch cho toàn bộ thành phố.
“Chúng tôi sẽ xây dựng chiến lược phát triển dọc theo dòng sông dựa trên nguyên tắc bảo tồn giá trị tự nhiên, văn hóa và lịch sử, đồng thời khai thác hợp lý để đảm bảo phát triển bền vững,” ông Mãi nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra các đề xuất chia sông Sài Gòn thành bốn phân khu chính để tối ưu hóa không gian và hành lang ven bờ:
Phân khu 1: Khu Bắc kết nối bản sắc (dài 48km) - Từ TP. Thủ Dầu Một đến ranh giới Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Đề xuất phát triển thành công viên tự nhiên mới để bảo tồn nông nghiệp, cảnh quan và di sản.
Phân khu 2: Giao diện trù phú và bao trùm (dài 25km) - Từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một. Tạo không gian giao thoa giữa thành thị và nông thôn với ranh giới rõ ràng.
Phân khu 3: Thanh Đa trải nghiệm hạnh phúc (dài 13,5km) - Bao gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận. Đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao và công viên nông nghiệp-giải trí.
Phân khu 4: Khu trung tâm cánh cửa tương lai (dài 16km) - Từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52. Đề xuất phát triển khu phức hợp đa chức năng.
Đây là một bước quan trọng trong việc nghiên cứu và khai thác tiềm năng của sông Sài Gòn, đặc biệt là sau chuyến tham quan và học hỏi kinh nghiệm quy hoạch sông Seine tại Paris của Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và đoàn công tác vào năm ngoái.
Sông Sài Gòn, với chiều dài 256 km, đang trở thành trung tâm và điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển toàn bộ thành phố. Bằng cách chia thành các phân khu chiến lược, TP HCM hy vọng có thể giữ gìn và khai thác triệt hạng giá trị tự nhiên, văn hóa và lịch sử của dòng sông quan trọng này.`
Hoàng Anh