TP.HCM: Xây dựng trung tâm điều hành thông minh, kiến tạo Thành phố Digital
Năm 2022, TP.HCM lần lượt ra đời các Trung tâm điều hành thông minh quận, huyện, TP Thủ Đức để kiến tạo Thành phố Digital.
Bình Chánh có trung tâm điều hành thông minh
TP.HCM vừa khai trương Trung tâm Điều hành thông minh huyện Bình Chánh có tổng vốn đầu tư hơn 357 tỷ đồng, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư; Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) TPHCM là đơn vị đồng hành. Qua 2 tháng thi công, giai đoạn 1 của Trung tâm đã hoàn thành với kinh phí thực hiện trên 4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và xã hội hóa.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Hổ, Giám đốc VNPT TP.HCM cho hay, các thông tin, dữ liệu tại Trung tâm Điều hành thông minh huyện Bình Chánh ở 11 lĩnh vực đã sẵn sàng chia sẻ với hệ thống của UBND TP.HCM, đồng thời sẽ phối hợp hoàn thiện, làm giàu kho dữ liệu ở các lĩnh vực liên quan.
Cụ thể: Bình Chánh trực tuyến, camera giám sát, lắng nghe mạng xã hội, dữ liệu không gian địa lý, lĩnh vực kinh tế xã hội, giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị, tư pháp và công khai ngân sách.
Trong giai đoạn tiếp theo, huyện Bình Chánh sẽ tập trung tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan để tiếp tục hoàn thiện Trung tâm, đề ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn huyện.
Ra mắt ứng dụng trực tuyến “TP Thủ Đức”
Ứng dụng trực tuyến “TP Thủ Đức” vừa công bố được tích hợp các tính năng mới như: đăng ký tư vấn trong lĩnh vực xây dựng và các thủ tục hành chính khác, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính, cung cấp thông tin công trình được cấp phép trên địa bàn TP Thủ Đức.
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, Cổng thông tin điện tử TP Thủ Đức và Ứng dụng trực tuyến “TP Thủ Đức” là cầu nối giữa chính quyền và người dân. Ở đó, cổng thông tin điện tử được tích hợp các hệ thống thông tin một cửa điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 68 thủ tục hành chính từ cấp phường đến TP Thủ Đức; tích hợp các ứng dụng phản ánh trật tự đô thị, thông tin quy hoạch.
Người dân có thể quét mã QR để tra cứu kết quả thủ tục hành chính, lấy số thứ tự giải quyết hồ sơ trực tuyến. Ngoài ra, còn có hệ thống tổng đài tự động thông qua tương tác với người dân bằng tin nhắn (Chatbot) hoặc bằng giọng nói (Callbot). Riêng ứng dụng trực tuyến “TP Thủ Đức” được tích hợp các tính năng mới như: đăng ký tư vấn trong lĩnh vực xây dựng và các thủ tục hành chính khác, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính, cung cấp thông tin công trình được cấp phép trên địa bàn TP Thủ Đức.
TP Thủ Đức cũng xây dựng hệ thống địa lý dùng chung cho TP Thủ Đức, tích hợp dữ liệu về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, đô thị, địa giới hành chính, các thông tin về quy hoạch, xây dựng hiện trạng sử dụng đất… là cơ sở dữ liệu nền cho các ứng dụng thông tin địa lý tích hợp, chia sẻ, khai thác dữ liệu.
Trong giai đoạn tới, chính quyền TP Thủ Đức tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phân công công chức hướng dẫn và hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính của TP Thủ Đức. Triển khai đồng bộ các cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật cho việc áp dụng công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công như: chữ ký số, máy chủ, đường truyền.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh hy vọng TP Thủ Đức là địa phương đi đầu, là nơi sản xuất, là trung tâm để đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu TP Thủ Đức lưu ý đến sự tương tác với người dân qua các ứng dụng này: “Thông tin về ứng dụng không chỉ tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn mà còn phải tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp ngoài địa bàn, những ai quan tâm đến TP Thủ Đức. TP Thủ Đức cần tính toán đến cơ chế tiếp nhận thông tin và phản hồi tương tác thế nào”, ông Phan Văn Mãi lưu ý.
Ông cũng nhắc lại ở một số địa phương, trước đây có xây dựng website tiếp nhận phản ánh của người dân và sau này có các cách thức khác. Tuy nhiên, việc tiếp nhận thông tin không thường xuyên nên không phát huy được hiệu quả. Vì vậy, TP Thủ Đức phải tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng đến người dân. Quan trọng nhất là phải cập nhật thông tin thường xuyên, xử lý các tương tác để đưa thông tin của TP Thủ Đức đến với người dân, với doanh nghiệp và cả những ai quan tâm. Từ đó dần dần thực hiện kinh tế số thông qua những ứng dụng này.
Xây dựng đô thị thông minh kết nối, liên thông
Hiện tại, TP.HCM đã có một số quận, huyện có trung tâm điều hành thông minh, dần hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cổng thông tin điện tử, nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin có thể không được thực hiện một cách đồng loạt, nhưng phải tích hợp, tương tác được với nhau và đáp ứng yêu cầu cơ bản của cấu trúc chính quyền điện tử. Nếu không đáp ứng được yêu cầu trên, không kết nối được sẽ gây lãng phí, cản trở quá trình chuyển đổi số của TP.HCM.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, Phó Trưởng ban chỉ đạo về chuyển đổi số của TP.HCM cho hay, lãnh đạo thành phố chủ trương tăng tốc chuyển đổi số rất nhanh và quyết liệt. Trong năm 2022, TP.HCM đặt mục tiêu trọng tâm phải xây dựng được chính quyền số hoạt động nhanh và hiệu quả hơn, mỗi quận, huyện đều phải có Trung tâm điều hành thông minh.
Thành phố cũng yêu cầu phải có sản phẩm chuyển đổi số cụ thể, giúp thay đổi căn bản về điều hành và dữ liệu, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng khẳng định, Trung tâm điều hành Đô thị thông minh sẽ giúp lãnh đạo điều hành và quản trị dựa trên công nghệ và dữ liệu. Các Trung tâm điều hành Đô thị thông minh tại mỗi địa phương sẽ liên thông, đồng bộ, kết nối và chia sẻ dữ liệu với nhau.
Theo ông Lâm Đình Thắng, mô hình triển khai Trung tâm điều hành Đô thị thông minh giúp các quận/huyện, phường/xã tránh lãng phí rủi ro đầu tư, tăng tính hiệu quả trong quản trị công.