TP.HCM xây dựng xã hội số từ nền tảng cộng đồng
Trước yêu cầu cấp bách của quá trình chuyển đổi số toàn diện, TP.HCM tiên phong phát động phong trào 'Bình dân học vụ số' nhằm phổ cập kỹ năng công nghệ cho mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ là lời kêu gọi về tri thức, đây còn là chiến lược dài hạn để xây dựng một xã hội số bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.
Ngày 22/4, tọa đàm “Giải pháp thực hiện phong trào Bình dân học vụ số” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP.HCM phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức.
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, trong tiến trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực như hạ tầng số hiện đại, dịch vụ công trực tuyến ngày càng tiện lợi, cùng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển năng động.

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM phát biểu tại tọa đàm
Tuy nhiên, khoảng cách số giữa các nhóm dân cư, năng lực số còn hạn chế của người dân và doanh nghiệp nhỏ, cùng với thách thức về an ninh mạng vẫn là những rào cản lớn. Theo ông Thắng, việc triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” là giải pháp chiến lược nhằm phổ cập kỹ năng số, từng bước thu hẹp khoảng cách và hướng đến xây dựng xã hội số toàn diện.
Phong trào không chỉ hướng tới “xóa mù” công nghệ, mà còn trang bị kỹ năng số cơ bản, giúp người dân tự tin tham gia môi trường số, sử dụng hiệu quả dịch vụ công, đảm bảo an toàn mạng và mở ra cơ hội phát triển kinh tế cá nhân. Tọa đàm là dịp để các bên liên quan thống nhất mục tiêu, cơ chế phối hợp và phương án triển khai hiệu quả phong trào này.
Theo nhiều chuyên gia, sự thành công của phong trào phụ thuộc lớn vào tính liên kết liên ngành. Ủy ban MTTQ TP.HCM đóng vai trò nòng cốt trong việc huy động nguồn lực xã hội, giám sát và đẩy mạnh tuyên truyền. Sở KH&CN là đơn vị thiết kế nội dung đào tạo, cập nhật công nghệ, kết nối chuyên gia. Các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Công đoàn... sẽ đảm nhiệm vai trò triển khai tại cơ sở, phổ cập kỹ năng số phù hợp từng đối tượng.
Để phong trào phát triển bền vững, cần có hệ thống truyền thông hiệu quả, cơ chế đánh giá minh bạch và các công cụ giám sát chặt chẽ. Việc xây dựng lớp học lưu động, ứng dụng học liệu dưới dạng video, infographic hay nền tảng di động sẽ góp phần gia tăng tiếp cận, đặc biệt với người lớn tuổi và nhóm yếu thế.
Tại tọa đàm, bà Chu Thị Vân Khánh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 2, quận 5 chia sẻ: “Bình dân học vụ từng mang ý nghĩa lịch sử trong xóa mù chữ. Ngày nay, bình dân học vụ số là nỗ lực đưa kỹ năng số đến mọi người dân, nhất là lao động phổ thông, người cao tuổi và nhóm yếu thế”.

Bà Chu Thị Vân Khánh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 2, quận 5 phát biểu tại tọa đàm
Theo bà Khánh, địa phương đã tổ chức các chương trình hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, truy cập dịch vụ công trực tuyến và ngân hàng số một cách an toàn.
Ông Trương Minh Tước Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn TP.HCM cũng khẳng định: “Bình dân học vụ số không chỉ là một chương trình mà còn là sứ mệnh tạo nên một xã hội số toàn diện. Tuổi trẻ Thành phố cần đi đầu trong việc lan tỏa tri thức số đến cộng đồng”.

Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa MTTQ TP.HCM và Sở KH&CN TP.HCM
Tại buổi tọa đàm, MTTQ và Sở KH&CN TP.HCM đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai phong trào, với trọng tâm phổ cập kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế.
Theo đó, biên bản xác định hai hoạt động trọng điểm gồm: Tọa đàm chuyên đề ngày 22/4/2025 và lễ phát động phong trào trước ngày 20/5/2025. Hai bên cũng thống nhất tổ chức họp định kỳ mỗi quý để rà soát, điều chỉnh nội dung triển khai phù hợp thực tiễn.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-xay-dung-xa-hoi-so-tu-nen-tang-cong-dong-317369.html