TP.HCM: Xét xử phúc thẩm vụ Xuyên Việt Oil đối với 7 bị cáo kháng cáo

Ngày 6/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm để xét xử 7/15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Các bị cáo kháng cáo gồm Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank; Mai Thị Hồng Hạnh, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil; Nguyễn Thị Như Phương, Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil.

Bị cáo Nguyễn Lộc An, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); Trần Duy Đông, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước; Lê Duy Minh, nguyên Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil trả lời trong phần thủ tục phiên tòa.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil trả lời trong phần thủ tục phiên tòa.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc và Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil đã lợi dụng quyền hạn để vi phạm quy định về sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường. Cụ thể, bị cáo Hạnh đã gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước tổng cộng 1.463 tỷ đồng, bao gồm: 219 tỷ đồng từ quỹ bình ổn giá; 1.244 tỷ đồng từ khoản thuế bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, trong quá trình mở rộng kinh doanh và xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu, bị cáo Hạnh đã đưa hối lộ tới 22 lần, với tổng số tiền hơn 31,5 tỷ đồng cho nhiều quan chức thuộc Bộ Công Thương, Cục Thuế và một số ngân hàng nhằm xin cấp giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu (năm 2016 và 2021); Kéo dài hạn mức tín dụng; Trì hoãn cưỡng chế nợ thuế; Được ưu tiên mua hàng và ký kết hợp đồng.

Trong số những người nhận hối lộ có bị cáo Lê Đức Thọ, người từng giữ chức Chủ tịch HĐQT VietinBank và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Giai đoạn 2019–2020, bị cáo Thọ đã nhận hối lộ hai lần từ bà Hạnh với tổng số tiền 600.000 USD (tương đương hơn 13,8 tỷ đồng), để giúp Xuyên Việt Oil duy trì giới hạn tín dụng tại VietinBank.

Ngoài ra, bị cáo Thọ còn bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng với người khác nhằm trục lợi, một trong những hành vi đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

Cũng theo cáo trạng, bị cáo Lê Duy Minh, nguyên Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, đã nhận hối lộ từ bà Hạnh 5 lần tại phòng làm việc với tổng số tiền 190.000 USD và 500 triệu đồng, đổi lại là sự chậm trễ trong việc ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế đối với công ty này.

Trong vụ án này, bị cáo Đỗ Thắng Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng bị cáo buộc nhận hối lộ, thể hiện mức độ lan rộng của hành vi tham nhũng trong hệ thống quản lý ngành năng lượng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra đến ngày 12/5, do thẩm phán Phan Chung Kết làm chủ tọa.

Phiên tòa dự kiến diễn ra đến ngày 12/5, do thẩm phán Phan Chung Kết làm chủ tọa.

Bản án sơ thẩm xác định đây là vụ án tham nhũng nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế - năng lượng, xảy ra tại cả cấp Trung ương và địa phương, gây ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiệu quả của các cơ quan Nhà nước. Hành vi của các bị cáo bị đánh giá là rất nghiêm trọng, có tổ chức, diễn ra trong thời gian dài và với số tiền đặc biệt lớn.

Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh mức án19 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, 11 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, tổng hình phạt là 30 năm tù

Bị cáo Lê Đức Thọ bị tuyên phạt 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng để trục lợi”, tổng hình phạt là 28 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Như Phương bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”...

Phiên tòa dự kiến diễn ra đến ngày 12/5, do thẩm phán Phan Chung Kết làm chủ tọa. Tuy nhiên, trong phần làm thủ tục, HĐXX thông báo chỉ cho phóng viên tham gia tác nghiệp ở phần làm thủ tục và phần tuyên án, không cho theo dõi diễn biến phiên tòa, dù đây là vụ án được xét xử công khai, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Theo luật sư Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TAT LAW FIRM, căn cứ tại điểm d khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí năm 2016, nhà báo được "hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật".

Còn theo khoản 3 Điều 141 Luật Tổ chức TAND năm 2024, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, được thực hiện như sau: Việc ghi âm lời nói được thực hiện trong thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp; Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Đối chiếu với các quy định trên, Luật sư Tú cho biết, quy định tại Điều 141 Luật Tổ chức TAND năm 2024 không mâu thuẫn với Luật Báo chí năm 2016 về hoạt động nghiệp vụ báo chí tại phiên tòa và quyền đối với hình ảnh của tất cả những người có mặt tại phiên tòa; không hạn chế quyền hoạt động nghiệp vụ báo chí của nhà báo theo quy định của Luật Báo chí.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-xet-xu-phuc-tham-vu-xuyen-viet-oil-doi-voi-7-bi-cao-khang-cao-d278573.html