TP.HCM dành gần 12.000 tỷ ngân sách làm đường Vành đai 4
UBND TP.HCM khẳng định đủ khả năng cân đối ngân sách gần 12.000 tỷ đồng cho dự án đường Vành đai 4 trong hai giai đoạn đến năm 2030.
Ngày 9/4, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, đơn vị vừa trình HĐND thành phố về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, trong đó, đề xuất ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM kết nối 5 địa phương trọng điểm phía Nam.
Theo UBND TP, dự án Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài khoảng 207km, điểm đầu tuyến tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối với đường trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Dự án đi qua địa bàn 5 tỉnh, gồm: TP.HCM (16,7km), Bình Dương (47,95km), Đồng Nai (46,08km), Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23km), Long An (78,3km). Trong đó, đoạn 3,8km nằm trên địa phận TP.HCM nhưng thuộc phần đầu tư của tỉnh Long An.
Riêng đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương được triển khai đầu tư độc lập theo chủ trương đầu tư dự án đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua.
Các đoạn còn lại, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An, sẽ được gộp thành một dự án tổng thể để trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư. Tổng chiều dài đoạn qua 4 địa phương này là 159,3 km, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 122.774 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP), cụ thể là hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Sơ đồ hướng tuyến dự án Vành đai 4 TP.HCM.
Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương khoảng 31.033 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 38.631 tỷ đồng và nguồn vốn BOT kêu gọi từ khu vực tư nhân khoảng 53.109 tỷ đồng.
Về phần ngân sách địa phương, trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dự kiến bố trí khoảng hơn 2.054 tỷ đồng, tỉnh Long An hơn 20 tỷ đồng, Đồng Nai hơn 55 tỷ đồng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không bố trí vốn trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM bố trí khoảng 9.929 tỷ đồng, Long An hơn 9.979 tỷ đồng, Đồng Nai 12.324 tỷ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu 4.268 tỷ đồng.
Về khả năng cân đối vốn ngân sách, tổng vốn ngân sách TP.HCM tham gia khoảng 11.983 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn.
Giai đoạn 2021-2025 hơn 2.054 tỷ đồng, được lấy từ phần điều chỉnh giảm của các dự án đã bố trí (do tiết kiệm chi phí đấu thầu, GPMB, không sử dụng chi phí dự phòng...). Nếu không giải ngân hết trong giai đoạn này, phần còn lại sẽ chuyển sang cân đối trong giai đoạn 2026-2030.
Giai đoạn 2026-2029 hơn 9.929 tỷ đồng, sẽ được HĐND TP xem xét ưu tiên bố trí đủ vốn cho dự án khi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn, theo quy định của Luật Đầu tư công.
UBND TP.HCM nhận định, thành phố đủ khả năng cân đối ngân sách hai giai đoạn nêu trên cho dự án theo phương thức đối tác công tư.
Để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án đường Vành đai 4 TP.HCM; chủ trương đảm bảo cân đối gần 12.000 tỷ đồng từ ngân sách để tham gia thực hiện dự án.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1, dự án Vành đai 4 TP.HCM sẽ giải phóng mặt bằng theo quy hoạch 8 làn, xây tuyến chính cao tốc 4 làn, 2 làn khẩn cấp, cùng đường gom và đường song hành hai bên.
Khi hoàn thành, Vành đai 4 TP.HCM sẽ giúp kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp, đô thị và logistics.
Tuyến đường này cũng sẽ giúp tối ưu hóa việc lưu thông hàng hóa giữa các khu công nghiệp, khu đô thị và cảng biển, đặc biệt là kết nối đến cảng hàng không quốc tế Long Thành; tạo điều kiện thuận lợi cho xe từ quốc lộ 13, quốc lộ 22 tiếp cận các cảng phía Long An và cảng Hiệp Phước (TP.HCM)...