TP Hồ Chí Minh bố trí thêm cán bộ cho phường, xã đông dân

Ngày 19/9, HĐND TP Hồ Chí Minh đã khai mạc kỳ họp chuyên đề để xem xét, thông qua một loạt nội dung nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Trình bày trước HĐND về vấn đề bố trí thêm cán bộ cho cấp phường, xã, thị trấn, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Theo quy định về tiêu chí phân loại đơn vị hành chính cấp xã, TP Hồ Chí Minh có 245/312 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số vượt tiêu chuẩn dân số của phường là trên 15.000 người và của xã, thị trấn là 8.000 người. Đặc biệt, thành phố có 6 phường, xã có quy mô trên 100.000 dân. Nếu bình quân một cán bộ, công chức cấp xã của cả nước chỉ phục vụ 485 người dân, thì tại TP Hồ Chí Minh, con số này là 1.554 người, cao gấp hơn 3 lần.

Dân số đông đã tạo áp lực không nhỏ với đội ngũ cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn. Để giảm tải khối lượng công việc cho đội ngũ cán bộ công chức ở cấp này, UBND thành phố đề xuất phương án tăng thêm 1 công chức đối với các phường, xã, thị trấn quy mô từ đủ 30.000 dân trở lên; tăng thêm 2 công chức và 2 người hoạt động không chuyên trách đối với địa phương có từ đủ 50.000 người trở lên; 3 công chức và 3 người hoạt động không chuyên trách đối với nơi có từ đủ 100.000 người trở lên. Ngoài ra, UBND thành phố cũng dự kiến sẽ tăng thêm 1 công chức, 1 người hoạt động không chuyên trách đối với phường, xã, thị trấn có hoạt động kinh tế phát triển, có từ 2.000 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trở lên; địa bàn có từ 200 cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện trở lên hoặc có quy mô diện tích tăng thêm từ đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên trở lên.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng kiến nghị tăng 1 vị trí phó chủ tịch UBND đối với phường, xã, thị trấn có từ đủ 50.000 dân trở lên. Ngân sách cần bổ sung để bảo đảm giải quyết chế độ, chính sách hằng năm đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tăng thêm là hơn 495 tỉ đồng.

Đối với việc thành lập Sở An toàn thực phẩm, UBND thành phố cho rằng, với quy mô dân số hơn 10 triệu người, nhu cầu về lương thực, thực phẩm rất lớn dẫn đến việc TP Hồ Chí Minh trở thành đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh nên Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội đã cho phép thành phố được thành lập Sở chuyên ngành này.

Theo UBND thành phố, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm được xem là bước tiếp nối của mô hình thí điểm hoạt động của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với quyết định thông qua của HĐND tại kỳ họp, TP Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương đầu tiên của cả nước có Sở An toàn thực phẩm. Tại kỳ họp, HĐND thành phố cũng đã thống nhất thông qua một loạt nội dung quan trọng khác như thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, cơ cấu tổ chức của TP Thủ Đức…

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/tp-ho-chi-minh-bo-tri-them-can-bo-cho-phuong-xa-dong-dan-i707637/