TP Hồ Chí Minh: Cần ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát, không để 'dịch chồng dịch'
Chiều 19/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng Đoàn công tác của Thành phố đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và dịch COVID-19 tại quận Bình Tân.
Tại đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn cần thực hiện song song, đồng bộ với hoạt động ngăn ngừa dịch COVID-19 có nguy cơ quay trở lại, không để “dịch chồng dịch”.
Báo cáo với Đoàn công tác, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, quận ghi nhận 3.698 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 205,6% so với cùng kỳ năm 2021. Bảy tháng đầu năm, Bình Tân cũng đã có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; phát sinh 93 ổ dịch và hiện vẫn còn 40 ổ dịch đang được giám sát, còn 1.316 điểm nguy cơ.
Nói về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho hay, quận có nhiều đất trống xen cài khu dân cư, khu nghĩa trang lớn, khu mộ tổ, cứ đến mùa mưa thì những nơi này trở thành các điểm nguy cơ phát sinh bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng vẫn còn một số hộ dân, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng dịch.
Về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tính đến nay địa phương này đã tổ chức tiêm được hơn 1.600.000 liều vaccine, trong đó mũi 3 đạt 76,55%, mũi 4 chỉ đạt 10,1%. Chủ tịch UBND quận Bình Tân nhận định, tỷ lệ tiêm mũi 4 của địa phương này chưa cao do người dân còn chủ quan với dịch bệnh và e ngại tác dụng phụ của vaccine.
Bác sĩ Trương Đình Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Tân cho hay, một đặc điểm và cũng là nguyên nhân khiến cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của quận Bình Tân gặp nhiều khó khăn, đó là dân cư trên địa bàn đa số là người nhập cư, công nhân lao động (trên địa bàn có đến 3 khu công nghiệp và Công ty Pouyen với hàng trăm nghìn công nhân lao động). Công nhân và người lao động nhập cư chủ yếu sinh sống trong những khu nhà trọ chật chội, ẩm thấp và do bận mưu sinh nên họ chưa quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Nghĩa trang Bình Hưng Hòa với quy mô lớn và hàng trăm nghĩa trang gia đình, mộ tộc đều có các vật dụng chứa nước, là môi trường phát sinh lăng quăng. Trong khi đó, các nghĩa trang này lại xen cài trong các khu dân cư. Ngoài ra, trên địa bàn hiện có nhiều dự án xây dựng kéo dài… cũng tiềm ẩn nhiều vật chứa nước có phát sinh lăng quăng, nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết.
Tại buổi làm việc, đại diện các trạm y tế và lãnh đạo UBND các phường thuộc quận Bình Tân cũng nêu lên khó khăn trong công tác phòng, chống dịch hiện nay như thiếu nhân sự y tế, thiếu kinh phí phòng, chống dịch… Đơn cử, phường Bình Hưng Hòa A có quy mô 123.000 dân nhưng chỉ có 10 nhân viên y tế. Theo ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, ngoài thiếu nhân sự thì địa phương này cũng đang gặp khó do thiếu kinh phí hỗ trợ chống dịch. Từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương không còn nhận được kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch, phường cũng không có quỹ dự phòng để chi cho công tác này.
“Từ việc tuyên truyền, phun xịt hóa chất, ra quân các đợt cao điểm, giám sát điểm nguy cơ… đều cần kinh phí để thực hiện. Bên cạnh việc bổ sung thêm nhân sự cho y tế phường, chúng tôi cũng cần thêm kinh phí, nếu không sẽ rơi vào tình trạng như năm 2021, dịch tới nhưng người không có, tiền cũng không có”, ông Nguyễn Văn Ngân giãi bày.
Tương tự, phường An Lạc A cũng cùng chung khó khăn. Với quy mô dân số 33.000 người, phường An Lạc A có dân cư vãng lai khá đông nên việc vận động, quản lý phòng dịch sốt xuất huyết không dễ dàng. Trong khi đó, nhân sự của trạm y tế khá mỏng, chỉ có 7 nhân viên. Do đó, đại diện địa phương này cũng kiến nghị lãnh đạo Thành phố bổ sung thêm nhân viên y tế phòng, chống dịch, đồng thời kiến nghị Thành phố có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên ở khu phố bởi đây là lực lượng tuyên truyền và nắm bắt sát sao các điểm nguy cơ, hỗ trợ hiệu quả cho trạm y tế trong phòng dịch sốt xuất huyết.
Kết thúc buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhắc nhở lãnh đạo, cán bộ quận Bình Tân không được quên những ngày tháng khó khăn phòng, chống dịch COVID-19 từ hơn một năm trước. Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần chú trọng đến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
“Hôm nay tôi đã đi gặp trực tiếp người dân, có người hồn nhiên cho rằng dịch COVID-19 đã hết, cũng có người mới chỉ tiêm hai mũi vaccine nhưng không có ý định tiếp tục tiêm mũi 3, mũi 4. Đã có sự chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống dịch COVID-19, do đó chúng ta phải làm sao để người dân hiểu nguy cơ vẫn còn hiện hữu”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc nhở.
Cùng với nguy cơ về sự quay trở lại của dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ sự lo ngại khi dịch sốt xuất huyết đang gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại trên địa bàn: “Sốt xuất huyết tưởng như là dịch bệnh bình thường nhưng hiện nay số ca mắc tăng, người nhập viện cũng tăng, nguy cơ quá tải bệnh viện là hiện hữu, nếu lúc đó dịch COVID-19 bùng phát nữa thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”. Do đó, để hạn chế nguy cơ “dịch chồng dịch”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu quận Bình Tân cần có những biện pháp sáng tạo, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bí thư Thành ủy cho rằng, vấn đề tuyên truyền, vận động người dân là quan trọng nhất. Vai trò của người dân trong phòng, chống dịch bệnh là không thể thay thế, chỉ có người dân mới biết, mới nhìn thấy và giải quyết được những mối nguy cơ hiện hữu trong nhà mình, dưới các mái hiên hay các khu vực xung quanh nhà. Cán bộ địa phương cần đưa chủ trương đến với người dân một cách nhẹ nhàng nhất để họ đồng thuận, có ý thức trách nhiệm với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Về vấn đề khó khăn khi nhân viên y tế vẫn chưa có đãi ngộ xứng đáng và thiếu hụt nhân sự, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Thành phố sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ nhân viên y tế, kể cả chế độ đãi ngộ cũng như điều kiện làm việc. Còn với các địa phương nói chung và quận Bình Tân nói riêng, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị lãnh đạo địa phương có sự động viên, khen thưởng, hỗ trợ kịp thời để nhân viên y tế tiếp tục làm việc, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.